Thay “ngựa” giữa dòng
Xung quanh những phản ánh của VietNamNet về các công trình tại Cửa khẩu Cầu Treo chậm tiến độ, thi công khó hiểu, dẫn tới sự nhếch nhác, lộn xộn, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Báu Hà, Trưởng BQL KKT Cầu Treo.
Theo ông Hà, việc công trình nhà quốc môn, khu liên hợp, đường giao thông ở cửa khẩu chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do nhà thầu không đủ năng lực, hồ sơ phải thay đổi do vướng mắc về địa chất và khó khăn về vốn.
Ban đầu, tỉnh lựa chọn Cty xây dựng Nga Sơn (tập đoàn Hoành Sơn) làm nhà thầu thi công. Tháng 6/2011, công trình trị giá đầu tư 150 tỷ chính thức khởi công.
Tuy nhiên, sau khi đập phá hết toàn bộ nhà cũ thì tiến độ xây dựng nhà mới cực kỳ ì ạch rồi sau đó bị Tập đoàn Hoành Sơn bỏ bê.
Trước việc công trình quá chậm so với tiến độ đề ra, UBND tỉnh đã quyết định thay thế đơn vị Hoành Sơn.
“Thực lực lúc đó của Hoành Sơn không lớn, lại tham gia quá nhiều công trình lớn nên đã bỏ bê nhiều công trình, trong đó có công trình tại cửa khẩu. Trước sự việc đó, tỉnh đã yêu cầu Hoành Sơn trả lại để tập trung làm những công trình quan trọng khác”, ông Hà nói.
Sau hơn 2 năm đập toàn bộ khu nhà cũ, hiện công trình cửa khẩu Cầu Treo đang ngổn ngang.
Hiện các đơn vị đang thi công là Cty hợp tác kinh tế QK4 và Cty xây lắp số 3 – Tổng Cty xây lắp CN – Bộ Công Thương. Hai đơn vị này đang tiếp tục thi công công trình đường giao thông mở rộng cửa khẩu và tòa nhà quốc môn, khu liên hợp.
Trước thắc mắc về cách thi công khó hiểu của các công ty, dẫn tới việc sạt lở nghiêm trọng khi Cty QK4 tiến hành đào gốc làm kè tường chắn khiến mái ta luy (phía trên đã được Cty Nga Sơn hoàn thành trước đó) sạt lở, ông Hà cho biết:
Mái ta luy và kè tường chắn, mặc dù nằm trên một khoảng không gian nhưng lại thuộc hai gói thầu khác nhau.
Phần mái ta luy phía trên đã được Cty Nga Sơn làm trước đó thuộc vào gói thầu nhà quốc môn, khu liên hợp, còn phần kè tường chắn (dưới mái ta luy) lại thuộc gói đường giao thông mở rộng.
Trước sự không đồng nhất khó hiểu này, ông Hà giải thích: Nếu có vốn thì sẽ làm hạng mục đường và kè trước, tuy nhiên do cơ chế vốn chậm nên buộc phải làm song song hai hạng mục.
Và việc nhà thầu sau đào móng làm kè tường khiến mái taluy bị sụt thì nhà thầu đó phải chịu. Và theo ông Hà, sự sạt lở này đã nằm trong tính toán và cho phép sạt (?!)
5 tỷ xây chợ rồi bỏ không
Liên quan đến sự nhếch nhác, lộn xộn ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trong thời gian qua mà VietNamNet đã phản ánh, ông Hà khẳng định: Phải chấp nhận việc đó vì đang lúc thi công để chỉnh trang lại toàn bộ, không thể vừa làm mới vừa vẫn giữ đẹp mặt cửa khẩu được.
Việc thi công rùa đã làm hình ảnh Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo ngày càng nhếch nhác, được ví như những năm 90 thế kỷ trước.
Đáng chú ý, tại khu vực cửa khẩu tồn tại một khu chợ được xây mới cách đây không lâu, tuy nhiên không hoạt động. Theo thông tin từ ông Hà, công trình này được đầu từ 4-5 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng vào năm 2009.
Sau khi hoàn thành, do liên quan đến việc chỉnh trang toàn bộ cửa khẩu nên khu chợ đã bỏ không từ 4 năm nay. Và khi xây khu chợ này thì Cửa khẩu Cầu Treo chưa có quy hoạch.
Khu chợ được đầu tư 4-5 tỷ rồi bỏ không 4 năm qua.
Việc nhếch nhác phần nhiều do các công trình chậm tiến độ. Vị trưởng ban quản lý cho biết, sẽ cố gắng hoàn thành 2 công trình tại cửa khẩu vào tháng 6/2014, các nhà thầu mới đã cam kết như thế.
Cũng theo ông Hà, mặc dù các công trình chậm tiến độ, đường sá đi lại khó khăn, tuy nhiên mức thu ở Khu kinh tế Cầu Treo vẫn tăng. Và mới đây nhất, trong 5 tháng đầu năm 2013, lượng thu ở Cầu Treo đã bằng 1 nửa trên toản tỉnh.
Duy Tuấn
Nhếch nhác ở một cửa khẩu quốc tế
VNN