Võ Liêm Sơn không phải là khoa bảng đỗ đạt cao, nhưng ông là người thực học, chân học, uyên thâm cổ học cũng như tân học, lại nắm chắc chính học, chính đạo. Từ nhỏ, ông theo Hán học, 13 tuổi theo văn chương cử tử. Đồng thời, ông theo học Quốc ngữ, chữ Pháp… năm 1905 vào Trường Quốc học Huế cùng với Lê Đình Tám, Võ Chuẩn, Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Tất Thành. Năm 1911, ông tốt nghiệp Thành Chung, được bổ làm giáo học ở Quy Nhơn. Một năm sau lại thi đỗ cử nhân Hán học ở trường thi Bình Định, ra làm tri huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Nhưng, ông không chịu nổi hành vi bỉ ổi của bọn thực dân Pháp nên chưa đầy một năm sau, ông đã bị huyền chức. Năm 1914, ông chuyển sang ngạch giáo chức, làm huấn đạo Ninh Thuận được thăng kiểm học Phú Yên vào năm 1917. Năm 1919, ông dạy Hán văn và Việt văn tại trường Quốc học Huế. Các nhà cách mạng như: Hà Huy Tập, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp… hồi ấy đều là học trò của thầy giáo Võ Liêm Sơn. Là người có tâm huyết với nghề, có kiến thức sâu rộng, có chí khí quật cường, ông được coi là nhà sư phạm mẫu mực, được học trò và mọi người kính yêu. Ông coi việc truyền bá kiến thức không phải là mục đích mà là phương tiện để hoàn thiện đạo làm người, đạo làm dân nước. Ông đã tặng học trò Trần Phú một câu với ý là: “Sống trong nô lệ sống như chết/ Chết vì tự do chết vẫn còn”. Và người học trò xuất sắc ấy đã biết sống, chết đúng như lời dạy của thầy Sơn. Người học trò khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong “Hồi ức về trường Quốc học…”: Cụ Võ là người đầu tiên giới thiệu cho tôi cuốn sách trình bày khái lược về chủ nghĩa Mác, trong đó có nói đến quy luật khẳng định, phủ định và phủ định của phủ định. Có lẽ những năm ở Huế là quãng đời sôi nổi nhất của thầy Sơn. Trong hồi kí của ông Lâm Hồng Phấn có viết: “Cụ Võ Liêm Sơn, người cũng to cao, tóc đã hoa râm, cúp ngắn, miệng luôn nhai trầu đôi môi đỏ thắm, da mặt hồng hào, giọng nói như chuông, tuy lớn tuổi nhưng còn nhanh nhẹn lắm” (Ông già Bến Ngự – Nhà xuất bản Thuận Hóa). Năm 1927, ông Võ Liêm Sơn tham gia Tân Việt cách mạng Đảng. Nhà ông trở thành nơi hội họp và gặp gỡ của các đảng viên ở Huế. Bọn thực dân coi ông là phần tử nguy hiểm và theo dõi ông từng bước. Khoảng 1935-1936, ông vào Sài Gòn làm báo một thời gian ngắn rồi trở lại Phan Rang. Năm 1942, Nhật vào Đông Dương rồi Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, mấy gã thân Nhật đến vận động ông ra giúp việc, ông từ chối bảo: “Thế nào Nhật cũng thua, các ngài đừng mơ tưởng hão”. Năm 1944, ông tham gia Việt Minh. Sau ngày cướp chính quyền, ông được mời làm cố vấn của UBND cách mạng tỉnh Phan Rang. Năm 1946, quân Pháp đánh ra vây bắt nhân viên UBND… ông đi thuyền ra Huế báo cáo với UBND Trung bộ rồi về quê Hà Tĩnh. Nghỉ ngơi một thời gian ngắn, ông lại ra nhận chức Trưởng ban Tuyên truyền kháng chiến, Ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến Hà Tĩnh và được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Hà Tĩnh. Năm 1947, ông giữ chức Ủy viên Ủy ban kháng chiến Liên khu 4 và Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu. Cùng năm ấy, ông đươc cử đi dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc ở Việt Bắc. Sau cuộc họp này, ông được gặp lại người học trò cũ sau này đã trở thành vị Tổng tư lệnh nổi tiếng Võ Nguyên Giáp. Vinh dự hơn, ông còn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cùng học ở trường Quốc học Huế năm xưa, cùng nhau trò chuyện, xướng họa. Lúc ông ra về, Bác Hồ đã tặng ông một bài thơ và chiếc gậy lão mà ông vẫn giữ bên mình như một vật báu. Nhà giáo Võ Liêm Sơn lâm bệnh và mất vào năm 1949. Ông là nhà yêu nước, nhà cách mạng nhiệt tình, kiên định, triệt để. Ông không chỉ dạy người, kêu gọi người dân đấu tranh mà chính ông trực tiếp đấu tranh bằng nghề nghiệp của mình. Ông thực sự là nhà sư phạm mẫu mực. Nguyễn Huy Liệu
NCT