Tin Hà Tĩnh

CTCP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt chưa ký liên kết sản xuất và tiêu thụ keo tràm trên địa bàn huyện Hương Khê

Tại báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Khê cho biết việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ keo cho nhân dân trên địa bàn của Công ty Thanh Thành Đạt rất hạn chế và chưa thực hiện ký liên kết sản xuất, tiêu thụ keo tràm trên địa bàn.

Như Reatimes đã thông tin tại bài viết "CTCP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt "chỉ điểm" các cơ sở băm dăm hoạt động không phép: Hà Tĩnh lập đoàn kiểm tra, xử lý", sau khi xem xét phản ánh, đề xuất của Công ty Cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt tại văn bản số 25/CV-MDFTTD ngày 14/8/2024 về tình trạng các cơ sở băm dăm hoạt động không phép trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này chủ trì kiểm tra, xử lý.

Ngày 27/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết sẽ mở cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm hoạt động không phép theo danh sách trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê trong ngày 01/10/2024.

Hằng năm, huyện Hương Khê có trên 2.000ha đến thời kỳ khai thác, khối lượng thu hoạch bình quân 200.000 tấn/năm.

Trước đó, thực hiện Văn bản số 4093/STNMT-ĐĐ29 ngày 17/9/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm hoạt động không phép trên địa bàn, UBND huyện Hương Khê đã rà soát, kiểm tra và có báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan vào ngày 26/9/2024.

Theo UBND huyện Hương Khê, địa phương này có diện tích tự nhiên 126.293ha. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp 100.171,96ha (rừng tự nhiên 68.513,66ha; đất trồng rừng 31.658,12ha) chiếm 79,3% diện tích đất tự nhiên; trong tổng số hơn 31.000ha đất trồng rừng có hơn 25.000ha diện tích rừng trồng keo, hằng năm có trên 2.000ha đến thời kỳ khai thác, khối lượng thu hoạch bình quân 200.000 tấn/năm.

Để góp phần tiêu thụ khối lượng gỗ keo tràm nói trên, thời gian qua trên địa bàn huyện phát sinh một số cơ sở thực hiện việc thu mua, bóc vỏ, bóc ván ép, cưa xẻ gỗ, băm dăm… Trong đó, có các cơ sở thu mua keo tràm, bóc ván ép, xẻ thanh, chế biến gỗ băm dăm hoạt động từ năm 2016 đến nay.

Cụ thể, địa bàn huyện có 4 cơ sở băm dăm keo tràm, gồm: Công ty Dịch vụ Thương mại Ngàn Phố tại xã Gia Phố; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trà My tại xã Hương Bình; Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải tại xã Hương Long; Hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thiện tại xã Phúc Trạch (liên kết hoạt động với Công ty TNHH Nam Long thuộc Tập đoàn Hà Hưng, có địa chỉ tại TP. Hải Phòng).

Tuy nhiên, về hồ sơ, thủ tục hoạt động của các cơ sở chưa đảm bảo quy định, các cơ sở băm dăm chỉ có Giấy đăng ký kinh doanh, hồ sơ phòng cháy - chữa cháy, hồ sơ theo dõi nhập - xuất lâm sản; phần lớn các cơ sở được xây dựng trên đất ở, đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động từ nhiều năm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hương Khê đã thành lập Đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra, xử lý các cơ sở băm dăm hoạt động không đúng quy định. Qua các buổi làm việc, các cơ sở nói trên đã chấp hành và ngừng hoạt động theo yêu cầu.

Danh sách các cơ sở được CTCP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt cho là băm dăm hoạt động không phép gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, để đề nghị kiểm tra, xử lý.

Trở lại thông tin văn bản số 25/CV-MDFTTD, ngày 14/8/2024, ông Trần Quang Luận - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt ký văn bản này gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, về việc đề nghị kiểm tra, xử lý các cơ sở băm dăm hoạt động không phép tại Hà Tĩnh.

Công ty Cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt trình bày, để ổn định nguồn nguyên liệu cho dự án, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (Công ty mẹ của Công ty Cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt) đã lập phương án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ dự án Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF và đã được UBND tỉnh chấp thuận tại văn bản số 852/UBND ngày 13/03/2018.

Trong đó, đồng ý chủ trương cho phép Công ty thực hiện phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 30.551ha rừng trồng sản xuất có khả năng cung cấp nguyên liệu MDF, HDF thuộc địa bàn 4 huyện gồm: Hương Sơn (26 xã) 9.619ha; Hương Khê (20 xã) 13.691ha; Vũ Quang (10 xã) 5.146 ha; Đức Thọ (11 xã) 2.095 ha. Công ty cũng đã thực hiện trồng cây giống cho người dân 4 huyện để phục vụ trồng rừng, cung cấp gỗ nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF.

Mặc dù vậy, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hương Khê cho biết, hiện nay địa phương chưa có Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng "chính thống" để tiêu thụ khối lượng keo tràm cho nhân dân. Trong khi đó, việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ keo cho nhân dân trên địa bàn của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cũng rất hạn chế, chưa thực hiện ký liên kết sản xuất và tiêu thụ keo tràm trên địa bàn./.

Tác giả: Phúc Nhân

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP