Hai học viên viết đơn phản ánh đến Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Đ.Lực |
Thu tiền “nắm gót” học viên
Phản ánh đến đường dây nóng của Báo Gia đình & Xã hội, anh Hoàng Đức Thắng (trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và anh Hoàng Xuân Quyết (ở tỉnh Thái Bình) cho biết, năm 2016, do muốn đi XKLĐ nên họ tìm đến Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Nara (gọi tắt là Công ty Nara) và nộp cho Công ty này hơn 300 triệu đồng để được đi du học ở Nhật Bản. Đóng tiền đã lâu nhưng không thấy Công ty đoái hoài đến việc đưa đi Nhật Bản, hai học viên này xin dừng học, đồng thời xin lại số tiền đã đóng. Tuy nhiên, hai học viên này bị Công ty Nara viện ra đủ các lý do để gây khó khăn. “Nói là đi du học Nhật Bản cho oai, thực chất là chúng tôi đóng tiền để sang bên ấy lao động kiếm tiền lo cho gia đình. Tiền đóng đã lâu nhưng Công ty luôn tìm cách trì hoãn đưa chúng tôi sang Nhật”, anh Thắng cho biết.
Theo trình bày của anh Thắng và anh Quyết, do hoàn cảnh khó khăn nên cả hai đã ôm mộng thoát nghèo bằng hình thức đi XKLĐ. Nghe lời bạn bè, hai người đã tìm đến Công ty Nara làm thủ tục. Trong đó, gia đình anh Quyết đóng 246.268.000 đồng và gia đình anh Thắng đóng hơn 61 triệu đồng cho Công ty. Đóng tiền xong, các anh Quyết và Thắng được bố trí ăn học ngay tại trụ sở Công ty. Tuy nhiên, học mãi cũng chẳng thấy Công ty đưa sang Nhật Bản theo cam kết, hai học viên lên hỏi Giám đốc Công ty thì nhận được câu trả lời yên tâm, Công ty đang làm thủ tục, phía Nhật Bản sẽ sớm phúc đáp để đưa đi. Sau nhiều lần bị trì hoãn, hai học viên đã quyết định dừng học và yêu cầu Công ty hoàn trả lại tiền, hồ sơ đã đóng nhưng cũng chỉ nhận được sự khất lần.
Ngày 14/8 vừa qua, hai học viên đã tìm tới Công ty Nara yêu cầu được trả lại tiền. Sau nhiều lần đòi, Công ty mới trả cho anh Quyết 136,5 triệu đồng, còn trường hợp anh Thắng thì chưa trả. Anh Quyết cho rằng, việc Công ty chỉ trả lại 136,5 triệu đồng cho anh là hoàn toàn sai. Bởi, trước đó (ngày 22/9/2016), chính ông Trần Mạnh Chung - Giám đốc Công ty Nara đã ký hợp đồng tư vấn du học với các học viên, trong đó có các điều khoản thể hiện rõ quyền lợi của các bên. Cụ thể, học viên sẽ đóng 2.100 USD tiền công tư vấn và hướng dẫn làm hồ sơ cho Công ty; các chi phí khác Công ty thu nộp hộ học viên; trường hợp Công ty không xin được visa, tư cách lưu trú cho học viên sẽ phải trả lại toàn bộ chi phí cho học viên.
Hồ sơ sẽ trả, còn tiền sẽ cân nhắc?
Trụ sở Công ty Nara. |
Anh Quyết nói: “Cam kết là vậy, nhưng khi Công ty Nara không xin được visa, chúng tôi xin rút thì Công ty lại gây khó khăn. Số tiền hơn 200 triệu đồng gia đình tôi vay mượn ở ngân hàng, đóng tiền cho Công ty nhưng mãi chẳng thấy Công ty đưa sang Nhật. Sốt ruột, tôi yêu cầu Công ty trả lại tiền nhưng họ lại nói chỉ trả cho 136,5 triệu đồng. Trước đó, hợp đồng có nêu rõ là nếu Công ty không xin được visa thì phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền chúng tôi đã đóng. Việc làm của Công ty Nara là bất nhất. Nếu Công ty không trả tiền, chúng tôi sẽ kiện ra tòa…”.
Xác nhận với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trần Mạnh Chung cho biết, Công ty có thu tiền và làm thủ tục du học cho hai học viên nói trên. Hiện hồ sơ, thủ tục đã được làm xong xuôi cho hai học viên. Tuy nhiên, quá trình phỏng vấn cấp visa ở Đại sứ quán của hai học viên bị trượt nên không sang Nhật Bản được. “Tất cả hồ sơ thủ tục đã làm xong xuôi cho hai học viên, nhưng do họ bị trượt visa nên dẫn đến việc xin rút hồ sơ. Hiện công ty đang cân nhắc xử lý”, ông Chung cho biết.
Cũng theo ông Chung, số tiền học phí gần 160 triệu đồng đóng cho trường học bên Nhật Bản đã được các học viên lấy lại. Công ty đang cân nhắc hoàn lại số tiền phí máy bay là hơn 11 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi số tiền hàng chục triệu đồng khác sẽ được chi trả cụ thể như thế nào, ông Chung viện lý do chỉ quản lý chung, không biết các học viên đóng tiền như thế nào nên sẽ cung cấp thông tin cụ thể sau khi họp bàn việc trả lại tiền cho học viên.
Trước việc Công ty Nara “nhùng nhằng” các khoản tiền đã đóng của các học viên, đề nghị Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ, tránh trường hợp nhiều học viên bị “mắc cạn” đi không được, ở cũng chẳng xong.
Về hồ sơ bằng trung cấp, cao đẳng đã thu của hai học viên, ông Chung cam kết sẽ hoàn trả lại trong thời hạn 1 tháng. “Tiền hai học viên đóng cho trường học, Công ty sẽ giải quyết nội bộ với học viên. Còn hồ sơ, chúng tôi đang xử lý, khoảng 1 vài tuần, hoặc 1 tháng là sẽ trả lại. Các khoản tiền học viên đóng tôi không nắm rõ, tôi chỉ quản lý chung. Chúng tôi sẽ trả lời sau”, ông Chung nói. |
Tác giả: Đỗ Lực
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội