Trắng đêm trên dòng sông La
Tiếng máy thuyền tuần tra nổ, các đồng chí Công an huyện Đức Thọ sẵn sàng tinh thần cho đêm “đánh” nhau với “cát tặc”. Thượng úy Nguyễn Thành Chung – Đội phó CSGT Công an huyện Đức Thọ nhắc nhở: Nhà báo sẽ phải thức cả đêm trong giá buốt, mưa to và lênh đênh trên sông nước đó! Tôi cười rồi cùng các anh lướt tàu chạy dọc dòng La, khi trời chuẩn bị đổ mưa.
9 giờ tối, chúng tôi có mặt tại Ngã ba Bến Tam Soa, đây là một địa danh lịch sử của huyện Đức Thọ, nằm gần khu mộ của Tổng Bí thư Trần Phú. Trước đây, khu vực này xuất hiện nhiều tàu, phà khai thác cát trái phép do lượng cát đây nhiều, được bồi đắp từ hai dòng sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố đổ về dòng La Giang. Theo quan sát của tôi, khu vực này có vẻ yên bình, không thấy các phà khai thác cát, dòng sông tĩnh lặng, êm đềm.
Đại úy Đậu Thế Huỳnh – Quyền Đội trưởng CSGT Công an huyện Đức Thọ chia sẻ: “Công an huyện Đức Thọ phối hợp với các ban, ngành tổ chức kiểm tra, xử lý thường xuyên nên nạn khai thác cát trái phép tại khu vực này đã được kiểm soát, ổn định. Chứ trước đây khai thác nhiều lắm vì điểm này là giao thoa, nằm giữa hai huyện Hương Sơn và Đức Thọ, lại gần huyện Vũ Quang. “Cát tặc” thường xuyên hoành hành và nếu có bị kiểm tra thì các đối tượng đánh phà sang địa phận huyện khác, nên chúng tôi rất khó xử lý”.
Chừng 11 giờ đêm, trời đổ mưa, gió cuối năm rét đậm, theo dòng sông La, chúng tôi xuôi dần xuống Cống Bùi Xá, địa điểm này cũng là tụ điểm mà các phà tập trung khai thác và chờ đến thời điểm mở cống để đưa phà về xuôi tiêu thụ. Chúng tôi phát hiện hai phà hút cát với số lượng nhỏ. Các đồng chí Công an và lực lượng liên ngành yêu cầu các đối tượng dừng hành vi khai thác, cập bến để xử lý vi phạm.
Đại úy Huỳnh cho biết: “Những phà này không có phép hoạt động, các đối tượng không có chứng chỉ lái phà nên nhiều khi anh, em gặp khó khăn trong công tác xử lý”.
Thuyền tuần tra tiếp tục theo dòng La xuôi về xã Đức Quang, đây là một trong những xã gần ranh giới tỉnh Nghệ An. Trời như “nổi giận”, mưa to rơi cả vào thuyền, nhìn Thượng úy Chung dùng gàu múc bớt nước ra khỏi thuyền, tôi bắt đầu thấy rõ vất vả của các anh. Tôi hỏi: Mưa to, gió lớn và lạnh thế này, chúng ta có nên về không? Các anh bảo: “Nhận tin báo dưới đó có phà khai thác cát trái phép. Trời mưa, các đối tượng chủ quan lại càng khai thác nhiều. Chúng ta đi thôi!”. Chúng tôi tiếp tục xuôi thuyền, mỗi người tự lo ủ ấm cho bản thân trong giá trời rét buốt.
2 giờ sáng, chúng tôi bắt gặp tiếp 2 phà đang hút cát trái phép. Khi phát hiện lực lượng Công an, các phà cùng nhau rồ ga bỏ chạy nhưng không thể thoát. Các đồng chí CSGT cùng các lực lượng tiếp tục đội mưa xử lý vi phạm. Theo như các chiến sĩ cho biết, những phà này chủ yếu là từ Nghệ An vào đây khai thác. Lợi dụng địa bàn giáp ranh, xa trung tâm nên các đối tượng rất manh động và sẵn sàng chống đối, phản kháng bất cứ lúc nào. Trước đây, cũng đã có trường hợp một chiến sĩ bị các đối tượng xô ngã xuống dòng sông. Một số phà còn cho người theo dõi lực lượng Công an để dễ dàng hoạt động.
Trời càng gần sáng, càng mưa to. Đến 4 giờ sáng, sau khi xử lý xong các trường hợp vi phạm, chúng tôi ngược dòng La quay về điểm tập kết. Mỗi đồng chí Công an và các cán bộ liên ngành đều ướt sũng, tôi thấy nể phục họ khi cả năm trời vất vả chiến đấu với “cát tặc”.
Cho mùa Xuân bình yên
Một vài ngày tiếp theo, tôi vẫn được theo chân các chiến sĩ CSGT và tổ liên ngành tuần tra, xử lý khai thác cát trái phép trên dòng sông La. Có thể nhận thấy rằng tình hình khai thác cát trái phép ở đây cơ bản được kiểm soát. Tổ kiểm tra có nhiều nghiệp vụ xử lý, nắm rõ được cách thức và thời gian hoạt động của “cát tặc”. Mỗi khi nhận được tin báo của quần chúng, các chiến sĩ nhanh chóng triển khai lực lượng, thậm chí thay vì đi thuyền tuần tra, các chiến sĩ phải ẩn mình trong các thuyền đánh cá của ngư dân và bắt quả tang trước lúc các đối tượng tẩu thoát.
Đại úy Huỳnh chia sẻ thêm: “Trước đây, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn diễn ra phức tạp, tạo ra sự bức xúc trong lòng quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, lực lượng CSGT nhận thấy đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nên đã lập nhiều kế hoạch, phương án, tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các tổ liên ngành để giải quyết triệt để vấn nạn này. Đến nay, tình hình đã đi vào ổn định, nhận được sự đồng tình cao của quần chúng nhân dân”.
Ngoài tổ liên ngành do UBND huyện Đức Thọ thành lập, Công an huyện cũng đã tổ chức phối hợp thành lập tổ xử lý cát tại các vùng giáp ranh với các huyện Hương Sơn, Vũ Quang.
Đại tá Nguyễn Mạnh Tùng – Phó trưởng Công an huyện Đức Thọ cho biết: Ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường sắt, đường bộ, thì lực lượng CSGT cùng các đội khác còn tập trung lực lượng, không quản ngày, đêm xử lý nạn khai thác cát trên sông La. Đây thực sự là khó khăn cho các anh em chiến sĩ.
Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng lực lượng CSGT Công an huyện Đức Thọ đã lập hơn 60 biên bản về các hành vi khai thác cát trái phép trên sông; tịch thu, tiêu hủy hàng chục máy dùng để hút cát, nộp kho bạc nhà nước khoảng 300 triệu đồng.
Trong 2 tháng cuối năm, Công an Huyện Đức Thọ đã ra quân quyết liệt, xử lý lập khoảng 20 biên bản, thu nộp Ngân sách Nhà nước trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, có ngày, lực lượng công an phối hợp với tổ xử lý lập tới 6 biên bản vi phạm.
Một mùa Xuân mới đã đến, dòng La Giang thơ mộng như những câu ca từ viết về nó, đẹp như một dãi lụa phẳng lặng trải dài trên đất Hà Tĩnh. Các phà cát khai thác cát gần như được kiểm soát, người dân hiểu rõ quy định pháp luật hơn. Chiến công này của các chiến sĩ Công an Huyện Đức Thọ cùng lực lượng liên ngành thực sự đáng ngưỡng mộ.
Khi tôi chào tạm biệt các chiến sĩ Công an huyện Đức Thọ, thì tiếng còi thuyền tuần tra của lực lượng CSGT vẫn vang đều trên cung đường kiểm soát. Vẫy tay chào tôi, các anh cười nói với thêm rằng: “Ai bảo, Công an là “người đầy tớ” của dân. Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi là nhiệm vụ cao cả mà!”.
Bảo Trung