Những kỷ niệm đi cùng năm tháng…
Là những người “xông đất” khá sớm của phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Tĩnh, chúng tôi gặp những người lính “cứu hỏa” ấy sau khi họ dũng cảm dập tắt đám cháy xảy ra tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh vào đúng vào ngày mồng Một Tết Ất Mùi 2015. Dường như, đối với việc chữa cháy thì nhiệm vụ bất khả thi ấy không loại trừ một ai từ lãnh đạo đến cán bộ, chiến sỹ. Từ khi nhận tin, đến đề ra các phương án chữa cháy, mọi việc được thực hiện như một “cỗ máy chuyên nghiệp”, không để sơ suất hay bất cẩn xảy ra. Mỗi người là một bộ phận, để cỗ máy ấy được vận hành một cách hoàn hảo nhất. Có được điều đó họ đã phải khổ luyện trên nhiều thao trường, trong hoàn cảnh nước sôi, lửa bỏng.
Chia sẽ với chúng tôi về cảm xúc của những người lính chữa cháy trong dịp Tết, Đại tá Lương Hữu Phùng, trưởng phòng, người cầm quân có nhiều thâm niên gắn bó với “nghiệp” chữa cháy cho biết: Tết đến, Xuân về ai cũng mong được bình an, những người lính chữa cháy mong muốn “thất nghiệp” thế nhưng do bất cẩn hay nhiều lý do khác, cháy vẫn xảy ra ở các nhà dân trong những ngày đầu năm mới. Là lực lượng chữa cháy nên ngay từ những ngày trước Tết đơn vị đã chỉ đạo các tổ công tác thường trực 24/24h trong ngày, nên chuyện “xông đất” bất đắc dĩ là những câu chuyện không phải là hiếm đối với lính phòng cháy, chữa cháy. Mỗi lần “tác nghiệp” là những kỷ niệm đi cùng năm tháng không thể quên của mỗi người lính chữa cháy.
Nhâm nhi ly chè xanh đầu Xuân, Đại tá Phùng kể lại câu chuyện chữa cháy vào đúng sáng mồng Một Tết. Lúc đó vào khoảng 10h trưa nay, nhận được tin báo có cháy xảy ra tại cửa hàng kinh doanh máy nông nghiệp Bình Nguyên của bà Hoàng Thị Bình ở Tổ dân phố 4 – phường Nam Hồng thị xã Hồng Lĩnh, nhanh như cắt, lực lượng PCCC đã huy động 4 xe chữa cháy tại Đội Hồng Lĩnh và Phòng đã tăng cường thêm 2 xe chữa cháy để dập tắt đám cháy một cách sớm nhất. Đại úy Lê Việt Hưng, đội trưởng đội chữa cháy Hồng Lĩnh cùng 20 cán bộ, chiến sỹ có mặt sớm nhất để trực tiếp tham gia chữa cháy. Cửa hàng với diện tích 300m2, cùng nhiều phương tiện, vật tư nông nghiệp như săm, lốp, các vật liệu dễ cháy, nên chỉ sau một thời gian ngắn bén cháy đám cháy đã bùng phát dữ dội. Dường như cái nóng, cái nguy hiểm của “giặc lửa” không làm những chiến sỹ trẻ nao lòng. Họ dám đương đầu với thử thách, vượt qua hiểm nguy, sẵn sàng đối đấu với lửa để cứu người, cứu tài sản cho nhân dân trong nguy nan. Với mục tiêu cao nhất không để cháy lây lan sang các nhà dân bên cạnh, bảo vệ được những tài sản còn lại, hàng trăm cán bộ chiến sỹ cảnh sát PCCC được huy động phối hợp cùng Công an thị xã Hồng Lĩnh, Ban chỉ huy quân sự thị xã, lực lượng dân phòng phường Nam Hồng, bảo vệ dân phố và quần chúng nhân dân chữa cháy kịp thời.
|
Trong dịp Tết, lực lượng PCCC thường trực sẵn sàng chữa cháy 2424h |
Vị cầm quân của lực lượng phòng cháy Công an tỉnh cho biết, nhiều năm gắn bó với nghiệp phòng cháy đã có đến 5 lần trực tiếp chữa cháy và chỉ đạo chữa cháy trong những ngày nghỉ Tết. Ngoài việc chữa cháy tại nhà dân ở Thị xã Hồng Lĩnh nói trên phải kể đến vụ chữa cháy ở Thị trấn Kỳ Anh vào tối giao thừa năm 2010. Vụ cháy này xảy ra ở nhà dân trong một khu phố khá tấp nập, khi mà Cửa hàng Xăng Dầu cách đó chừng 10m, cách chợ khoảng 40m. Mặc dù, thời khắc giao thừa sắp điểm, nhưng quyết tâm cao luôn đặt lên vai những người lính chữa cháy. Họ chưa thể trở về khi ngọn lửa còn cháy. Họ chưa thể trở về khi nhân dân đang trông chờ vào các anh. Đêm ấy, cán bộ, chiến sỹ đã chữa cháy kịp thời, không để ngọn lửa lây lan các nơi khác. Cũng trong đêm đó, Đại tá Phùng và cán bộ, chiến sỹ đón giao thừa khi đang đương đầu với “giặc” lửa. Anh kể, về đến cơ quan thì đó đã là một ngày mới của một năm mới…
Bài học về thường trực chiến đấu
Là người trưởng thành từ người lính chữa cháy, nên đại tá Phùng hiểu, thông cảm, chia sẽ với những khó khăn, vất vả đối với mỗi người lính. Sự dũng cảm, tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ đã góp phần dập tắt những nhiều đám cháy lớn, nhỏ. Trong vụ chữa cháy tại sáng mồng 1 Tết ở Thị xã Hồng Lĩnh vừa qua, đại tá Phùng hết lời ca ngợi Đại úy Trần Văn Dũng, Thiếu úy Nguyễn Minh Phương, các chiến sỹ Lê Văn Cường, Phan Văn Bảo, Nguyễn Như Quý… đã bất chấp hiểm huy, không sợ hiểm nguy đến tính mạng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Theo anh, mỗi vụ cháy là một “bài học xương máu” mà lực lượng PCCC nói riêng, nhân dân nói chung phải tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào người lính chữa cháy cũng phải thực hiện phương châm thường trực, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước công việc, dẫu đó là thời khắc thiêng liêng của một năm mới.
Chúng tôi hiểu, dẫu thời điểm giao thừa, dẫu là cái ngày đầu của năm mới, dẫu những người lính ấy trở thành những người “xông đất” nhà dân bất đắc dĩ thì sự có mặt của họ đã mang đến một mùa xuân ấm áp hơn, yên vui hơn.
|
Đại tá Lương Hữu Phùng trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh kể lại những kỷ niệm chữa cháy trong dịp Tết với phóng viên |
...
Xin được trích những dòng thư cảm ơn của chị Hoàng Thị Bình ở Thị xã Hồng Lĩnh thay tấm lòng tri ân của người dân đối với những người lính phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh: … những người lính PCCC đã mưu trí, dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, dập tắt đám cháy, bảo vệ tài sản cho gia đình, đảm bảo an toàn cho khu dân cư, gia đình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cán bộ, chiến sỹ Công an luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ…
Xuân Lý – Văn Hùng