Ngày 2/2 thực sự là một phiên giao dịch bùng nổ và để lại nhiều dư vị cảm xúc đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Mở đầu phiên, chỉ số chính đã có một nhịp "nhúng" nhẹ khiến không ít nhà đầu tư "thót tim". Tuy nhiên, ngay sau đó, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ trong rổ VN30, thị trường đã xác lập đà tăng mạnh mẽ cho đến hết khi đóng cửa.
Kết phiên, VN-Index hồi phục mạnh mẽ hơn 40 điểm tương ứng 3,86% lên 1.075,53 điểm; HNX-Index cũng tăng 6,51 điểm tương ứng 3,12% lên 215,36 điểm và UPCoM-Index tăng 0,58 điểm tương ứng 0,82% lên 71,66 điểm.
Đồ thị đi lên đầy "mãn nhãn" của VN-Index và VN30-Index |
Nhóm trụ ở thời điểm này cho thấy vai trò cực kỳ lớn đối với xu hướng hồi phục của thị trường chung. VN30-InIndex có biên độ tăng vượt hẳn so với VN-Index phản ánh rõ thị trường đi lên nhờ trụ kéo.
Cụ thể, VN30-Index tăng 49,84 điểm tương ứng 4,84% lên 1.079,7 điểm. Trong rổ chỉ số này không hề có mã nào giảm. Đáng chú ý, rất nhiều mã tăng mạnh, nhiều mã lớn tăng trần: VIC, VHM, VPB, SBT tăng kịch biên độ.
REE tăng 6,8%; STB tăng 6,5%; VRE tăng 6,5%; MBB tăng 6,1%; CTG tăng 5,9%; VCB tăng 5,9%; HPG tăng 5,6%; TCB tăng 5,6%; HDB tăng 4,5%; FPT tăng 3,9%; TPB tăng 3,9%; SSI tăng 3,7%; VNM tăng 3,6%...
Trong đó, VIC kéo chỉ số tăng thêm tới 6,2 điểm; VHM kéo 5,43 điểm; VCB kéo 5,33 điểm; VHM kéo hơn 2 điểm, HPG, CTG, TCB cũng có đóng góp lớn.
Nhóm cổ phiếu trụ tăng kịch biên độ đã giúp thị trường tăng rất mạnh |
Đà lan tỏa từ những cổ phiếu lớn đã mang lại sắc xanh phủ lên khắp thị trường. Thống kê cho thấy phiên này, số mã tăng áp đảo: 587 mã tăng giá, 60 mã tăng trần so với 294 mã giảm, 43 mã giảm sàn.
Một điểm cũng cần lưu ý là ở phiên này, thanh khoản thị trường bó hẹp lại đáng kể so với trước.
Dù thị trường tăng mạnh nhưng khối lượng giao dịch lại chỉ dừng ở 602,61 triệu cổ phiếu, dòng tiền đổ vào HSX 13.160,46 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch là 104,27 triệu đơn vị tương ứng 1.391,33 tỷ đồng và trên UPCoM là 25,07 triệu cổ phiếu tương ứng 362,98 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp trên trang cá nhân thì ở phiên giao dịch này, điều đáng ngại hơn cả là khối lượng tăng mạnh mà VN-Index giảm hơn 10 điểm mới lo sợ bước vào thị trường "con gấu" (giảm hơn 20% từ đỉnh); còn việc thị trường tăng bật hơn 40 điểm và thanh khoản bị co lại lại là điều tốt! Chính vì vậy, nhà đầu tư không nên lo lắng với dấu hiệu thanh khoản của phiên này.
Đây là phiên mà cổ phiếu T+3 của đáy ngày 28/1 về đến tài khoản nhà đầu tư. Việc thị trường hấp thụ tốt, chỉ số bật tăng, thanh khoản hẹp cũng phản ánh rằng những cá nhân đang lỗ vốn nhiều, rơi vào trạng thái "kẹp hàng" đã không còn bán ra do hi vọng lớn vào triển vọng hồi phục của thị trường và gỡ vốn cho tài khoản.
Chị Phạm Linh Chi, một nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội cho hay: "Tôi đã ôm cổ phiếu chịu đựng đến thời điểm này thì không có lý do gì khi thị trường vừa hồi phục tôi lại bán ngay cổ phiếu. Mã tôi nắm giữ từ vị thế lãi thì đã âm đến 20%, một phiên hồi mạnh chưa thể đủ để bù đắp".
Còn anh Nguyễn Chiến Thắng, một nhà đầu tư lâu năm lại chia sẻ: "Lúc thị trường tăng trở lại, tôi ưu tiên nắm giữ cổ phiếu lớn, hạ tỉ trọng với cổ phiếu penny, midcap vì một khi thị trường phải nhờ trụ kéo thì mình cứ… ôm trụ mà lên".
Phiên hôm qua, vẫn có nhiều cổ phiếu được giao dịch rất mạnh gồm có SHB với 31,63 triệu đơn vị được khớp lệnh, HPG với 28,54 triệu, FLC với 28,86 triệu, STB với 20,76 triệu, ITA với 19,97 triệu…
Một thông tin tích cực khác với thị trường trước khi bước vào phiên tiếp theo là khối nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trên toàn thị trường với giá trị mua ròng đạt 85,4 tỷ đồng. Trong đó, mua ròng trên HSX 105,7 tỷ đồng. Những mã được mua ròng là HPG, VNM, VHM, KBC, VIC, DXG.
Với sự bứt phá ở phiên 2/2, nhiều khả năng, thị trường đã chính thức vượt đáy và bước sang một giai đoạn mới.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí