Thế giới

Chuyên gia Nga nghi ngờ Anh có thể đầu độc cựu điệp viên hai mang

Nhà hóa học Nga Leonid Rink, người cho biết từng làm việc cho một chương trình nhằm chế tạo chất độc Novichok, nghi ngờ rằng chính Anh cũng có thể dùng chất độc này để mưu sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.

Các nhà điều tra Anh mặc đồ bảo hộ phong tỏa khu vực phát hiện ông Skripal và con gái bị bất tỉnh ở Salisbury (Ảnh: Reuters)

Chia sẻ với RIA Novosti, nhà khoa học người Nga Leonid Rink hôm nay 20/3 cho biết ông từng làm việc cho một chương trình được chính phủ Nga tài trợ hồi đầu thập niên 1990 để chế tạo chất độc thần kinh Novichok. Trước đó, chính phủ Anh nghi ngờ cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị mưu sát bằng chất độc Novichok do Liên Xô sản xuất tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3.

Nhà khoa học người Nga khẳng định cha con ông Skripal sẽ thiệt mạng ngay tại chỗ nếu Moscow thực sự sử dụng chất độc Novichok để hạ sát họ. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng cho biết nếu Nga sử dụng chất độc quân sự để đầu độc, thì người bị đầu độc chắc chắn đã thiệt mạng ngay tại chỗ rồi.

“Họ hiện vẫn còn sống. Điều đó có nghĩa hoặc chất độc đó không phải là Novichok, hoặc được chế tạo chưa đúng và được sử dụng bất cẩn. Hoặc ngay sau khi vụ đầu độc xảy ra, người Anh đã sử dụng thuốc giải độc và trong trường hợp này, họ chắc hẳn đã biết chính xác chất độc đó là gì”, ông Rink cho biết.

Dẫn lại một giả thuyết từng được truyền thông Nga phỏng đoán, Giáo sư Rink nghi ngờ Anh cũng có thể là nước đứng sau vụ tấn công cha con cựu điệp viên Nga. Leonid Rink tiết lộ ông từng làm việc trong phòng thí nghiệm được chính phủ tài trợ tại thị trấn Shikhan trong 27 năm và dự án phát triển Novichok đã đặt nền móng cho luận văn tiến sĩ của ông sau này.

“Một nhóm đông đảo các chuyên gia ở Shikhan và Moscow đều tham gia chế tạo Novichok. Rốt cuộc, chúng tôi cũng đạt được những kết quả khả quan”, Rink cho biết thêm.

Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Moscow chưa bao giờ triển khai bất kỳ chương trình nào để phát triển chất độc hóa học Novichok. Đây cũng là quan điểm của Tổng thống Putin.

“Tôi muốn khẳng định chắc chắn rằng Liên Xô hay Nga không có chương trình phát triển chất độc nào mang tên Novichok”, ông Ryabkov nói.

Ông Alexander Shulgin, Đại sứ Nga tại Hà Lan đồng thời là đặc phái viên của Nga tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), cũng nói rằng “Nga chưa tiến hành bất kỳ cuộc nghiên cứu hay dự án phát triển nào với chất độc có biệt danh Novichok”. Theo ông Shulgin, sau sắc lệnh của cựu Tổng thống Boris Yeltsin vào năm 1992, các dự án nghiên cứu và phát triển của Liên Xô liên quan tới các chất độc thần kinh đã bị dừng lại. Tới năm 2017, Nga đã hoàn tất xóa bỏ toàn bộ kho vũ khí hóa học.

Lý do Anh không trưng bằng chứng

Cha con cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal (Ảnh: Getty)

Nga đã nhiều lần yêu cầu Anh cung cấp các bằng chứng, cụ thể là các mẫu chất độc nghi được sử dụng để hạ độc ông Skripal, cho phía Nga để phục vụ công tác điều tra nhưng Anh luôn từ chối. Theo ông Rink, lý do khiến London không cung cấp mẫu chất độc này vì biết rằng các chuyên gia Nga sẽ dễ dàng xác minh được rằng đây không phải chất độc được chế tạo ở Nga.

“Tại sao người Anh từ chối cung cấp mẫu chất độc thần kinh cho Moscow? Vì dù cho các chuyên gia có cố gắng thế nào, công nghệ chế tạo (chất độc) sẽ vẫn luôn có sự khác biệt một chút. Theo đó sẽ dễ dàng phát hiện ra rằng đây không phải là chất độc được chế tạo bằng công nghệ của Nga”, ông Rink cho biết.

Ông Rink nhận định các chuyên gia về vũ khí hóa học của Anh có thể tiếp cận với công nghệ Novichok và sử dụng chúng trong vụ hạ độc cựu điệp viên Skripal trước khi đổ lỗi cho Nga.

“Công nghệ chế tạo Novichok rất phổ biến với các đối tượng chuyên nghiệp. Bất kỳ tập đoàn dược phẩm hay tập đoàn hóa học nào cũng có thể chế tạo chúng trong phòng thí nghiệm của họ”, ông Rink nói.

“Một điều chắc chắn là Anh cũng có có các chuyên gia (chế tạo chất độc). Tôi tin họ có thể đặt chất độc vào đồ đạc của ông Skripal hoặc của con gái ông. Hoặc chất độc có thể được bỏ vào một số đồ ở nghĩa trang do ông Skripal thường tới thăm nghĩa trang”, ông Rink nói thêm.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng nói chất độc thần kinh Novichok có thể bắt nguồn từ Séc, Slovakia, Thụy Điển, Mỹ hoặc Anh. Theo Giáo sư Rink, vụ hạ độc cha con ông Skripal “thiếu chuyên nghiệp” tới mức khó có thể tin là do đặc vụ Nga tiến hành.

“Ngay cả một đặc vụ không chuyên của Nga cũng không bao giờ sử dụng loại chất độc có nguồn gốc từ Nga và mang tên Nga (để đi đầu độc). Họ hoàn toàn có thể sử dụng nhiều loại chất khác. Tấn công một mục tiêu không quan trọng bằng một quả tên lửa và bắn trượt đúng là điều ngớ ngẩn nhất”, ông Rink nói thêm.

Là người nghiên cứu về vũ khí hóa học, ông Rink nhận định Nga không có động cơ để thực hiện vụ hạ độc cựu đại tá tình báo Skripal vì bản thân ông này cũng không còn giá trị cung cấp thông tin cho cả Anh lẫn Nga.

“Ông ấy không còn là mối quan tâm của Moscow nữa. Ngoài ra, thời điểm (vụ đầu độc) cực kỳ bất lợi cho Nga. Nó xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống và ngay trước thềm Giải bóng đá thế giới World Cup”, ông Rink nói về lý do khiến ông tin rằng Nga không phải là bên gây ra vụ việc.

Cựu đại tá tình báo quân sự Nga Sergei Skripal (66 tuổi) và con gái Yulia (33 tuổi) bị phát hiện bất tỉnh trên đường phố ở thành phố Salisbury hôm 4/3. Skripal từng phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP