Người đương thời

Chuyện gia đình ấm áp của “Người con gái sông La”, Anh hùng La Thị Tám

“Người con gái quê ta/Đôi mắt xanh tựa ngọc/ Đôi giọt nước sông La/ Xanh như trời quê ta…”, lần theo những giai điệu phấn chấn của nhạc sĩ Doãn Nho trong bài hát “Người con gái sông La”, tôi tìm đến ngôi nhà ấm áp của nguyên mẫu “cô gái Sông La”, nữ anh hùng La Thị Tám.

Căn nhà nhỏ chỉ còn lại hai ông bà nằm lặng lẽ trên đường Nguyễn Biểu, thuộc khu phố 9 phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh. Những câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc đời trầm mặc của nữ anh hùng từ thời chiến lẫn thời bình được chị chia sẻ chân tình trong một ngày đầu tháng 7 lịch sử ở miền Trung đầy nắng gió. Mặc dầu sống ở cùng thành phố, nhưng phải khó khăn lắm tôi mới hẹn gặp được chị bởi cô con gái đầu lòng của chị sinh cháu nên chị phải tất bật từ Hà Tĩnh ra Hà Nội chăm sóc cháu ngoại. Chị bảo, thời chiến có cái khổ của chiến tranh, thời bình cũng cái tất bật của thời không bom đạn, nhưng tôi biết, tận sâu thẳm đáy lòng mình, chị rất hạnh phúc. Hai đứa con đều ngoan hiền, thành đạt chính là phần thưởng cao quý nhất mà bất cứ người phụ nữ Việt nào cũng mơ ước. Sau danh hiệu Anh hùng của đất nước, chị thực sự là người anh hùng của gia đình khi luôn đảm trách tốt vai trò, trách nhiệm của một người mẹ hiền, người vợ đảm đang và người con dâu thơm thảo. “Huyền tích” người con gái sông La Anh hùng La Thị Tám sinh năm 1944 trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em ở xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cha mất sớm, chị phải nghỉ học để giúp mẹ cáng đáng việc đồng áng, đi làm kiếm tiền nuôi em. Năm 1967, cô gái trẻ La Thị Tám viết đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Chị được phân công vào đơn vị C2 chủ lực thuộc ngành Giao thông vận tải Hà Tĩnh, đảm trách nhiệm vụ thông đường cho xe chi viện chiến trường miền Nam trên tuyến quốc lộ 15A lịch sử. Chị La Thị Tám nhớ lại: “Thời điểm ấy, Đồng Lộc trở thành một “túi bom”, tuyến 15A là “yết hầu” của mọi tuyến đường ra Bắc, vào Nam. Địch trút xuống mảnh đất này đủ loại bom với tần suất cả ngày lẫn đêm khiến đất Đồng Lộc chẳng một phút giây ngơi nghỉ. Lực lượng thanh niên xung phong, trong đó có chị Tám với khí thế “3 sẵn sàng”, tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt đã quyết tâm bám đường, bám cầu để bảo đảm cho xe thông tuyến.Trong những ngày tháng chiến đấu đó, nhiệm vụ mà La Thị Tám đảm nhiệm hết sức nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết. Vốn ít tuổi nhất tiểu đội, lại có dáng người nhỏ nhắn nên chị được phân nhiệm vụ đứng trên đồi cao ngã ba Đồng Lộc vào những ngày máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom trút xuống. Người anh hùng của những ngày chiến trận bồi hồi, lúc ấy vì nhiệm vụ, vì quê hương đất nước nên đã lao vào công việc như con thiêu thân mà không hề nghĩ đến cái chết. Cái khó lúc bấy giờ là chị phải nhìn thật tinh và hết sức tập trung xem có bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ, những quả chưa nổ thì rơi ở khu vực nào, để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến đánh dấu mục tiêu, chờ công binh đến rà phá cho xe qua an toàn. Chị là một người con gái bé nhỏ, ngày đêm đối diện với cái chết nhưng vẫn luôn yêu đời. Hiện lên giữa bom đạn mù trời là một người con gái dũng cảm, kiên trung, cái sống và cái chết thật mong manh mà miệng vẫn luôn nở nụ cười.Người con gái nhỏ bé ấy đã hoàn thành công việc “đếm thần chết” một cách phi thường: trên đỉnh đồi của Đồng Lộc ấy, chị đã đếm và đánh dấu 1.502 quả bom các loại. Sau này, nhà thơ Xuân Hoài đã viết một bài thơ tặng riêng cho người con gái bất khuất, kiên cường ấy với những lời lẽ cảm phục từ tâm: “Hố bom nhiều đố ai đếm được/ Con đường nghiêng như tấm ván nghiêng/ Gác trên miệng hố bom khấp khểnh/ Mỗi ngọn cờ từ bàn tay em/ Cắm chỉ đường có bom chậm nổ/ Khi xe đi qua đã thành vô số/ Những lá cờ bay lên chiến công/ Những ngọn đồi bất khuất không tên/ Đỉnh cao nào của La Thị Tám?/ Đỉnh nào cũng cao hơn bom đạn/ Cũng cao hơn mưu chước quân thù”. Nhà thơ Lê Duy Phương, một trong những văn nghệ sỹ đã có nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ ngã ba huyền thoại cũng đã phải thốt lên: “Tuổi của em đã có bao nhiêu/ Mười chín, hai mươi nắng hồng đôi má/ Em làm lính canh đứng trên sỏi đá/ Đất trời gọn trong đôi mắt em”. Hình tượng người con gái 20 tuổi, hằng ngày khoác tấm vải dù, tay cầm ống nhòm đứng vắt vẻo trên chiếc chòi dựng tạm bên sườn núi như một biểu tượng hùng dũng của tuổi trẻ Việt Nam trong 5 năm (1967 – 1972) đã đi vào lòng hàng triệu triệu trái tim luôn hướng về ngã ba Đồng Lộc huyền thoại. Cũng trong thời gian này, chị được vinh dự nhận nhiều Bằng khen và Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cuối năm 1968, chị La Thị Tám vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người và ngày 22/12/1969, chị được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm ấy, chị vừa tròn 22 tuổi. Cuộc gặp gỡ sau 33 năm với cha đẻ của “Người con gái sông La”Nhắc đến Anh hùng La Thị Tám, hẳn nhiều người biết đến ca khúc nổi tiếng “Người con gái sông La” của nhạc sỹ Doãn Nho. Chính cô gái nhỏ La Thị Tám ngày đó chính là nguồn cảm hứng cho nhạc sỹ cho ra đời nhạc phẩm bất hủ này. “Em vừa 18 tròn, đẹp như xuân sang/ Em, người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang/ Hỡi người con Xô viết/ Bom thù xới nát đất này từng ngày/ Mà em đứng đó tóc xanh tung bay/ Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”. Ấy vậy mà cũng phải đến 33 năm sau ngày tác phẩm ra đời, giữa tác giả với nguyên mẫu mới có dịp gặp nhau lần đầu tiên trong một buổi giao lưu, gặp gỡ do Đài truyền hình tỉnh tổ chức.

Cuộc hạnh ngộ của Anh hùng La Thị Tám và nhạc sỹ Doãn Nho sau 33 năm.Chị La Thị Tám bồi hồi, chính chị cũng không hề hay biết mình chính là nguyên mẫu của bài hát đó. Nghe đồng đội và chính nhạc sỹ Doãn Nho sau này kể lại, năm 1970, trong một lần đi công tác, nhạc sĩ đã tận mắt được thấy quả đồi nơi chị hằng ngày đứng đếm số bom mà quân thù trút xuống mảnh đất này. Sau chuyến công tác, nhạc sĩ đem chuyện kể lại cho nhà thơ Phương Thúy và hai ngày sau, lần lượt bài thơ rồi đến bài hát “Người con gái sông La” ra đời. Năm đó, khi nghe được bài hát này, chị Tám đã xúc động bật khóc.Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chiến tranh kết thúc đã bao nhiêu năm nhưng giữa chị và nhạc sĩ Doãn Nho vẫn chưa có dịp gặp nhau. Chỉ đến khi vào năm 2003, Đài PTTH Hà Tĩnh tổ chức chương trình ca nhạc “Âm vang sông La” tại huyện Đức Thọ, cả chị La Thị Tám và nhạc sỹ Doãn Nho đều là khách mời nên mới có cơ hội được hội ngộ. Trong lần gặp gỡ ấy, nhạc sỹ Doãn Nho đã xúc động cho biết, đó là cuộc gặp đầy cảm động mà có lẽ trong đời làm nghệ thuật của mình, ông chưa bao giờ tìm lại được cảm xúc rưng rưng ấy. “Người con gái sông La kiên cường” ấy giờ đã 56 tuổi. Trông chị vẫn giản dị như một cô thanh niên xung phong xưa. Lúc ấy, chị đang là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng các cơ quan dân chính Đảng tỉnh Hà Tĩnh. Chị La Thị Tám vẫn còn nhớ như in lời của người nhạc sỹ tài hoa dặn dò trong giây phút hạnh ngộ hiếm hoi: “Chúng ta tự hào vì đã có mặt trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tự hào vì tuổi trẻ của chúng ta đẹp. Cả một thế hệ đẹp vô cùng. Thế mới thắng được giặc Mỹ!”. Gia đình ấm áp của nữ anh hùng La Thị TámNăm 1974, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một nữ thanh niên xung phong nơi tuyến lửa, chị Tám trở về thị xã Hà Tĩnh công tác tại cơ quan Dân Chính Đảng. Trên cương vị công tác mới, chị lại tiếp lửa cho bao thế hệ phấn đấu, học tập và noi theo. Thêm một lần nữa, chị lại khẳng định mình nhưng không phải trên chiến trường để chiến đấu với quân thù khốc liệt mà bằng hành động thiết thực hằng ngày. Chị tìm thấy niềm vui, đắm đuối yêu nghề và gắn bó với công việc này suốt gần 20 năm.Cũng thời gian này, ông trời se duyên đã đưa chị gặp được một nửa hạnh phúc của đời mình. Cùng hoạt động công tác đoàn thể với nhau, những năm tháng cống hiến những tưởng sẽ không còn thời gian cho chị Tám tìm hạnh phúc riêng cho đời mình. Nhưng rồi, cô gái Vĩnh Lộc đã gặp và nên duyên với chàng trai đất lửa Hà Linh (huyện Hương Khê).

d

Đời thường của Anh hùng La Thị Tám. Chị La Thị Tám cho hay, chồng chị cũng là lính chiến trường, từng rong ruổi khắp các mặt trận từ Nam chí Bắc, cũng từng rất nhiều lần bị thương rồi phục viên trở về địa phương. Cũng như chị, không còn bồng súng đánh đuổi kẻ thù, anh lại miệt mài cống hiến sức lực để xây dựng đất nước. Và hai tâm hồn lớn gặp nhau, họ đến với nhau chân thành, giản dị nhưng nghĩa tình sâu nặng. Sau đám cưới nghèo, họ khăn gói về thị xã cho tiện công tác, và từ đây, cũng như bao cán bộ công viên chức khác, vợ chồng nữ anh hùng La Thị Tám bắt đầu cuộc sống với cảnh “cơm niêu nước lọ” trong căn nhà tập thể chật hẹp, thiếu thốn trăm bề. Năm 1993, chắt chiu mãi, vợ chồng chị mới cất được ngôi nhà nhỏ 2 gian ở tổ 10 phường Nam Hà, đường Nguyễn Biểu, thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh). Hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng chị là hai đứa con đều ngoan ngoãn, thành đạt. Con gái đầu Phạm Thị Tuyết Trinh (1983) hiện đang công tác tại Trung tâm Thông tin, thuộc Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội. Hạnh phúc càng nhân lên khi vợ chồng Tuyết Trinh đã vừa sinh cháu đầu lòng. Chị Tám bảo, phải lặn lội ra thủ đô chăm cháu, vất vả một tý nhưng thấy con cái hạnh phúc viên mãn là chị cũng thấy ấm áp trong lòng. Con thứ hai Phạm Thế Anh (1987) hiện đang học Thạc sĩ kinh tế. Cả hai đều giỏi giang và đang say mê theo đuổi sự nghiệp. Dẫu vẫn biết con cái đã trưởng thành và tự lo được cuộc sống cho bản thân nhưng tự sâu thẳm, chị vẫn không nguôi lo lắng cho chúng. Những lo lắng thường nhật ấy lại làm chị băn khoăn, trăn trở hàng đêm bởi nói như chị thì, con cái chính là tài sản vô giá, là niềm tự hào, hạnh phúc lớn nhất của đời người nên dẫu cho khi chúng đã lên chức bố mẹ hay thậm chí là cả ông bà, nếu còn sống trên cõi đời này, chị vẫn còn lăn tăn vì con cái.Đã mấy chục năm đi qua, “Người con gái sông La” ngày nào giờ đã là một người phụ nữ lên chức bà ngoại nhưng ở chị vẫn toát lên vẻ hiền lành, phúc hậu. Mang tiếng là nghỉ hưu nhưng chị vẫn đôn đả ngược xuôi vì tập thể, vì xóm làng và con cháu. Được cái, chồng chị luôn hiểu và thông cảm, động viên chị trong tất cả mọi việc. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ là động lực để chị còn sức, còn tâm, còn cống hiến như tâm nguyện của chị, Người con gái sông La – nữ Anh hùng La Thị Tám. Tĩnh Nhi

PhuNuToDay

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP