46 năm trước, trưa 24-7-1968, tại ngã ba Đồng Lộc – từng được coi là tọa độ chết trên tuyến giao thông huyết mạch của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh khi chỉ mới mười tám, hai mươi tuổi…
Nơi hào dài vừa đào xong, đồng đội tìm thấy chín cô đã hy sinh nhưng thể xác vẫn còn nguyên như đang nằm ngủ: tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Nguyễn Thị Hà, Trần Thị Hường, Võ Thị Hợi, Hà Thị Xanh và Trần Thị Rạng. Riêng tiểu đội phó Hồ Thị Cúc thì không thấy.
Phải đến ngày thứ ba đồng đội mới tìm thấy thi thể của o Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra.
Thương xót người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh, tên thật là Nguyễn Thanh Bính, nghẹn ngào viết bài thơ “Cúc ơi” trong lúc đồng đội tìm thi thể O:
“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được”.
Bài thơ “Cúc ơi” của ông được coi là tác phẩm sớm nhất viết về sự kiện 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Bài thơ này đã được nghệ sĩ Văn Thành đọc trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam qua lời giới thiệu của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.
46 năm đã qua, nhà thơ Yến Thanh, đồng đội của 10 cô gái thanh niên xung phong năm xưa sẽ trở về với những ký ức đạn bom năm nào, ngay tại Ngã ba Đồng Lộc, trong một chương trình đặc biệt vào đúng ngày 24-7.
“Đồng Lộc – Ngã ba bất tử” với những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc sẽ là đóa hoa thơm ngát tưởng nhớ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Chương trình đặc biệt dành sự tri ân sâu sắc nhất đến 10 thanh niên xung phong trong Tiểu đội của đồng chí Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội thanh niên xung phong 55 đã anh dũng hy sinh trong lúc lấp hố bom, thông đường ngay tại ngã ba Đồng Lộc. Cuộc sống, chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái cùng lực lượng thanh niên xung phong, quân đội, cán bộ giao thông ở ngã ba Đồng Lộc lịch sử đã trở thành bất tử, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Dịp này, tỉnh Hà Tĩnh đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Trước đó, ngày 9-12-2013, Thủ tướng CP đã có quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, trong đó trên địa bàn Hà Tĩnh có hai địa điểm: Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc và Chỉ huy sở Chiến dịch 559 tại xã Hương Đô, Hương Khê.
Những tên đất, tên đường đã đi vào huyền thoại ấy đổi bằng tuổi thanh xuân và máu xương của hàng nghìn thanh niên xung phong. Hà Tĩnh hiện còn khoảng gần 10.000 cựu TNXP còn sống, tỷ lệ những nữ cựu TNXP đơn thân, sống một mình trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn còn nhiều. Còn khoảng 700 người trong số đó chưa hề nhận được một khoản trợ cấp nào. Trong số đó, cũng chỉ có khoảng một nửa có thể được bổ sung để nhận trợ cấp trong đợt tới, số hồ sơ còn lại là thiếu và không hợp lệ.
Những cựu TNXP đang bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhiều người đã ra đi sau những chờ đợi mỏi mòn. Thống kê của Hội cựu TNXP Hà Tĩnh, năm 2013, đã có 102 cựu TNXP qua đời, 17 người trong số đó chưa kịp nhận chế độ trợ cấp.
Khi những chế độ chính sách của Nhà nước dành cho cựu TNXP vẫn còn nhiều bất cập, ngay cả với những người được hưởng chính sách thì số tiền trợ cấp còn quá ít ỏi, thì vẫn cần lắm những tấm lòng của toàn xã hội hướng về những người đã là TNXP hào sảng một thời.
Bởi vậy, “Đồng Lộc – Ngã ba bất tử”, không chỉ là lời tri ân với những thế hệ TNXP một thời mà còn như một lời nhắn gửi: sự tri ân, chia sẻ với những cựu TNXP không bao giờ là quá muộn.
“Đồng Lộc – Ngã ba bất tử” là chương trình nghệ thuật đặc biệt sẽ diễn ra tại Khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vào tối 24-7, đúng dịp kỷ niệm 46 năm chiến thắng lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, tri ân sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong (24-7-1968 – 24-7-2014).Chương trình do Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam. |