Đi chùa, mất đủ thứ… phí
Anh Bùi Quốc Hậu ở Hà Tĩnh nói: “Tôi đã đi nhiều chùa lớn trên mọi miền của đất nước nhưng ít thấy chùa nào mà ngay khi vào cổng chùa đã bị thu phí như ở chùa Hương Tích. Điểm đến của tâm linh mà muốn vào cổng phải mua vé cứ như là đi vào khu vui chơi giải trí hay rạp chiếu phim vậy. Với giá vé vào là 20.000 đồng/người ở một địa phương nghèo khiến người dân không thoải mái. Tôi cho rằng với điểm đến tâm linh thì không nên bán vé, chưa nói đến việc “thu” giá như thế là cao, rồi còn các phí dịch vụ khác như: phí đi thuyền, phí đi cáp treo, phí dịch vụ xe ôm… đều thu với mức giá cao. Đi chùa mà nhìn đâu cũng thấy “phí”…”.
Cùng chung nỗi niềm, một du khách khác phàn nàn: “Ngoài những phí mà Ban quản lý thu thì giá các loại tiền phải trả cho những việc như: khấn thuê, cầu thuê cũng hết sức lộn xộn, giá bao nhiêu là tùy các “thầy”. Còn giá cả các mặt hàng như ăn uống, đồ lưu niệm, bánh kẹo… rất ít các quầy niêm yết mà bán kiểu “tùy hứng”, đôi lúc là “chém”.
|
Chen lấn, lộn xộn ở khu vực chính điện. |
Điều đáng nói là một số lán trại, quầy hàng 2 bên đường khi du khách dừng chân đều bị tính “tiền ngồi”, “tiền nghỉ”, ngay cả khi du khách có ăn uống hay không ăn uống đều bị “chém” thêm 10.000 đồng/người. Tôi thấy nhiều người không biết nên trong lúc leo lên chùa mệt, dừng chân tại lán bên đường bỗng nhiên bị đòi “tiền ngồi”. Dù rất bức xúc nhưng du khách vẫn phải trả cho xong chuyện…”.
Lộn xộn, chen lấn và rác…
Tại các con đường bậc thang từ chân núi đến điện chính cũng như các khu vực khác của chùa, du khách rất ít khi thấy có thùng rác. Nhiều đoạn, du khách sau khi sử dụng hoa quả, kẹo bánh…xong, rác thải thường “gặp đâu xả đó”. Dù hàng năm có lượng du khách đông, thế nhưng các điểm tập kết rác của chùa chủ yếu là bãi tự phát, chưa có tính hệ thống, rác thải thường được đổ đống ngay bên cạnh đường đi, bậc thang đi lên chùa, nhiều đoạn có những đống rác để lâu ngày bốc mùi hôi thối khiến du khách rất khó chịu.
|
Nhiều người đua nhau sờ “hổ thần” |
Cũng theo nhiều du khách thì vào những ngày đầu năm, lượng người vào thắp hương ở điện chính rất đông, tại đây có một đội ngũ các “thầy” chuyên cúng thuê, khấn thuê thường đứng chen ngay phía trước, khiến các du khách muốn thắp một nén nhang cũng khó.
Các “thầy” trưng dụng tất cả các địa điểm có thể khấn được để “hành nghề”, chính vì đó mà mức tiền trả cho việc khấn thuê, cầu thuê cũng bát nháo, loạn xạ, làm mất đi sự linh thiêng và tôn nghiêm nơi cửa thiền. Còn các du khách khi tới khu vực điện chính, ai cũng muốn thắp hương trước nên tại đây luôn trong cảnh chen lấn lấn, lộn xộn.
| Chen lấn để sờ “hổ thần” | |
Địa điểm không kém lộn xộn khác đó là khu vực có tượng hổ mà nhiều người xem đó là “hổ thần”. Tượng được đặt ở phía bên phải, theo hướng đi lên khu vực chính điện chùa Hương Tích. Tại đây, các du khách thường đặt lễ cúng bái, bôi dầu gió, dầu phật linh… lên “hổ thần”, xoa tay vào các bộ phận trên hổ rồi xoa lên người mình với quan niệm là để chữa bệnh, ai đau ở bộ phận nào, xoa lên bộ phận đó của “hổ thần” thì sẽ khỏi bệnh.
Việc du khách sờ “hổ thần” chữa bệnh đã diễn ra nhiều năm nay. Thế nhưng, tại khu vực “hổ thần” không hề có biển nghiêm cấm hay hàng rào bảo vệ, cũng không có một ai thuộc cơ quan quản lý đứng ra nhắc nhở, hướng dẫn du khách nên thường rất lộn xộn.
Cùng với đó nạn ăn xin xung quanh khu vực chùa cũng chưa được giải quyết dứt điểm khiến du khách phải phiền lòng…
Thiết nghĩ, để chùa Hương Tích trở thành một điểm đến tâm linh, các cơ quan chức năng cần tiếp thu những ý kiến của du khách để có những giải pháp cụ thể, kịp thời./.