Di tích - Thắng cảnh

Chùa Đại Hùng – một địa chỉ tâm linh hướng về cội nguồn dân tộc

Hồng Lĩnh – vùng đất được xem là địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình và thấm đẫm nhiều vỉa tầng văn hóa. Nơi đây không chỉ là quê hương của Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, của Song trạng nguyên “Sử Huy Nhan và Sử Đức Huy”.

         Mảnh đất mà vua Thiệu Trị đã tức cảnh để thơ, đã từng in đậm dấu chân của Nguyễn Huệ – Quang Trung, của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của các bậc tu hành, minh chứng cụ thể nhất đó là nhiều ngôi chùa cổ, tháp mộ cổ có niên đại khoảng trên 600 năm hiện đang tồn tại trên mãnh đất này. Đại Hùng là một trong 4 ngôi cổ tự bao gồm (Thiên Tượng- Long Đàm – Đại Hùng- Cực lạc) mà theo sử sách chép lại thì được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần.

Từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh theo Quốc lộ IA đi ra phía bắc khoảng 27 km rẽ phải theo đường Bùi Cầm Hổ chừng 1 km gặp ngã ba thì tiếp tục rẽ trái khoảng 700m sẽ gặp biển chỉ dẫn  vào di tích chùa Đại Hùng, chùa được dựng trên mái núi thuộc khối 6 – phường Đậu Liêu – Thị xã Hồng Lĩnh ở độ cao khoảng 40m so với mục nước biển. Du khách có thể đi bộ khoảng 200 theo con đường nhỏ được ghép bằng đá sẽ gặp một số hạng mục như: Miếu Cô Chín, Tam quan, tượng Quan Âm, Nhà tổ, nhà Thánh Mẫu, nhà Hạ Điện, Nhà Tam bảo, Trải qua hàng trăn năm với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự biến động của lịch sử vì vậy đa số các hạng mục của di tích ở đây đều bị ảnh hưởng, thậm chí có nhiều hạng mục đã trở thành phế tích, song với ý thức tâm linh, với tinh thần bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa. Chính quyền địa phương phường Đậu Liêu cùng với các tín đồ Phật tử ở khắp nơi đã đóng góp công đức, kinh phí nâng cấp tôn tạo. Hiện di tích cơ bản vẫn giữ được đường nét kiến trúc cổ xưa. Đặc biệt trong các hiện vật có giá trị được lưu giữ ở đây thì quý nhất có lẽ là quả chuông cao trên 1m, nặng khoảng 100 Kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc tên “Đại Hùng Tự Chung”, qua nội dung bài minh chuông cho chúng ta thấy chuông được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 – 1807).

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất của Chùa Đại Hùng so với các ngôi chùa có trên địa bàn Hà Tĩnh là ở chổ chùa không chỉ là nơi để các phật tử dâng hương niệm Phật mà hàng năm cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 AL) thì bà con trong vùng và các vùng phụ cận của các huyện: Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An cũng đến dâng hương để tưởng niệm các Vua Hùng. Ngay từ những ngày đầu tháng 3, các gia đình đã tập trung về dọn dẹp, sơn quét vôi ve, tu sửa các hạng mục thờ tự tại chùa để chuẩn bị cho ngày dâng tế. Vào các ngày 5,6, cho đến đúng ngày 10 tháng 3 mỗi ngày Chùa đều đón hàng trăm lượt người từ các huyện, tỉnh bạn đến dâng hương, đặc biệt là ngày giỗ chính thức lên đến hàng ngàn người. Với các lễ vật mà mọi người đưa đến để dâng lên ngày giỗ của các Vua Hùng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp làm ra như: Bánh Chưng, bánh Tét, hoa, quả, các loại bánh dâng tế ở đây đều chay tịnh vì nhà chùa kiêng sát sinh nên nhân bánh chỉ làm bằng đỗ xanh chứ không làm bằng thịt động vật như các loại bánh dân gian vẫn thường làm.  Tuy là chốn Thiền môn thờ Phật song với quan niệm “Đất của Vua – Chùa của làng” không chỉ có các thiện nam, tín nữ theo đạo Phật, mà bà con không theo đạo cũng cứ đến dịp này đều tới đây để dự lễ giỗ Tổ và dâng nén tâm nhang hướng về cuội nguồn Dân tộc, hướng về chốn Tổ. Những năm gần đây đặc biệt là từ khi Ban Đại diện Phật giáo Thị xã được thành lập thì việc đều hành chính lễ đều do Đại đức Thích Chánh Thành – Chánh đại diện Ban đều hành. Ngoài niệm Phật cầu cho Quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa thì buổi lễ chính còn có bài văn tế ca ngợi công lao dựng nước của các bậc vua Hùng.

   Đến với chùa Đại Hùng vào những dịp như thế này không chỉ cho ta những hiểu biết về Phật giáo mà ở đây chúng ta còn hiểu biết thêm về nhiều mặt của tâm thức văn hóa Việt, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”./.

                                        Đặng Quang Vinh – Trưởng phòng VH – TT thị xã Hồng Lĩnh.

Hồng Lĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP