Lao Động - Việc Làm

Chủ tịch nước: Truy bắt khẩn tội phạm trốn ở nước ngoài

Chủ tịch nước yêu cầu cơ quan điều tra có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giám sát chặt chẽ, không để tội phạm trốn đi nước ngoài, với tinh thần xử lý triệt để.

Ngày 10/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang (Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương) chủ trì buổi làm việc với các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về tình hình tổ chức hoạt động, công tác phối hợp, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và trọng tâm công tác trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đánh giá chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm tiếp tục chuyển biến tích cực, các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là những vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận quan tâm…

Chu tich nuoc: Truy bat khan toi pham tron o nuoc ngoai hinh anh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong công tác của các cơ quan điều tra, đồng thời lưu ý sự xuất hiện các loại tội phạm phi truyền thống với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi như tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao…

Chủ tịch nước lưu ý, một số tội phạm kinh tế, tham nhũng sử dụng thủ đoạn phổ biến là nhờ người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài để tẩu tán, xóa dấu vết; tìm cách trốn ra nước ngoài, nhất là các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa Việt Nam với một số nước chưa tương thích, nên gặp khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp của đối tác nước ngoài, cũng như khó đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao, dẫn độ người phạm tội.

Thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan điều tra cần tập trung nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án hình sự, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, các vụ án sử dụng công nghệ cao mà dư luận quan tâm.

“Các cơ quan điều tra phải có biện pháp phòng ngừa tích cực, quản lý, giám sát chặt chẽ, không để đối tượng trốn đi nước ngoài, với tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, xử lý kiên quyết, triệt để, rõ đến đâu, xử lý đến đó, không để kéo dài, không có “vùng cấm,” không chịu áp lực của tổ chức, cá nhân nào”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị các cơ quan điều tra quan tâm mở rộng hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, kinh tế, tham nhũng, mua bán người, rửa tiền và tội phạm sử dụng công nghệ cao…

Cơ quan điều tra cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cảnh sát quốc tế, khu vực và cơ quan tư pháp hữu quan của các nước để khẩn trương truy bắt số đối tượng phạm tội lẩn trốn ở nước ngoài, nhất là số đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng. Áp dụng biện pháp hiệu quả thu hồi số tài sản tham nhũng bị tẩu tán, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và răn đe số đối tượng có ý định bỏ trốn ra nước ngoài; không để kẻ phạm tội ảo tưởng nước ngoài là nơi ẩn náu, là nơi dung thân an toàn, chạy trốn trừng trị của pháp luật.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị các cơ quan điều tra tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; thực hiện nghiêm túc quy chế cung cấp thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, tránh tình trạng lợi dụng dư luận gây áp lực với cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp, đề phòng lộ, lọt bí mật, đối tượng phạm tội chạy trốn….

Theo Đức Dũng/VietnamPlus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP