Tin Hà Tĩnh

Chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh: 'Nhiều ưu đãi khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ sau thép'

Sau thành công của Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp đầu tư, cung cấp sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép”, Hà Tĩnh đang chuẩn bị gì để đón các nhà đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ sau thép? Liên quan vấn đề này, Nhadautu.vn trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - ông Đặng Quốc Khánh.

Hà Tĩnh có lợi thế về Cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với khả năng tiếp nhận tàu từ 30 nghìn DWT- 200 nghìn DWT

Thưa ông, Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp đầu tư, cung cấp sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép” đã thu hút nhiều doanh nghiệp ngành thép trong và ngoài nước tham dự. Vậy đâu là lợi thế để Hà Tĩnh mở “cánh cửa” thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ sau thép?

Ông Đặng Quốc Khánh: Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phù hợp để phát triển công nghiệp mà không phải địa phương nào cũng có được: kết cấu hạ tầng đồng bộ, đường cao tốc Bắc – Nam, đường sắt tốc độ cao đi qua, có quốc lộ 8A, 12C nối Lào với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Đặc biệt, Hà Tĩnh có KKT Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia có diện tích tự nhiên 22.781 ha. Hệ thống Cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với khả năng tiếp nhận tàu từ 30 nghìn DWT- 200 nghìn DWT vào neo đậu, đáp ứng được nhiều điều kiện về xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển.

Đối với sản phẩm gang thép, Hà Tĩnh có Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là doanh nghiệp lớn nhất khu vực ASEAN cung cấp thép đầu vào cho các doanh nghiệp. Sản phẩm thép của Formosa được các chuyên gia đầu ngành đánh giá cao, đặc biệt là sản phẩm thép cán nóng. Sản lượng thép của FHS năm 2018 đạt 4,3 triệu tấn, doanh thu 2,6 tỷ USD, 80% lượng thép cán nóng được tiêu thụ trong nước để đáp ứng các ngành gia công...

Những kết quả thu hút đầu tư mà Hà Tĩnh đã đạt được?

Ông Đặng Quốc Khánh: Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 1.183 dự án, trong đó 1.108 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký trên 107.479 tỷ đồng và 75 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 12.068 triệu USD.

Riêng tại KKT Vũng Áng có 132 dự án, gồm 76 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư 50,691 nghìn tỷ đồng và 56 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư 11,856 tỷ USD. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp luyện cán thép, cảng biển, điện năng, công nghiệp hậu thép; sản xuất, phân phối xăng dầu, khí công nghiệp, logistics....

Điển hình một số dự án công nghiệp lớn đã được đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Khu liên hợp gang thép Formosa; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Nhà máy MDF/HDF Thanh Thành Đạt, Nhà máy may Haivina Hồng Lĩnh, các dự án điện mặt trời…. Hà Tĩnh đang là điểm dừng chân của nhiều dự án FDI đến từ: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Singapo, Hồng Kông, Mỹ....

Bức tranh kinh tế của Hà Tĩnh chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng. Công nghiệp tiếp tục đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 86,7% so với năm 2017; đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành là công nghiệp chế biến chế tạo (ước tăng 102,4%) và sản xuất phân phối điện (ước tăng 31,3%). Lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương đạt 27,3 triệu tấn.

Với những nỗ lực không ngừng, chỉ số phát triển công nghiệp Hà Tĩnh năm 2018 tăng 86%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 44.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2017. Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp mới được sản xuất như thép 4,3 triệu tấn, than cốc 2,6 triệu tấn, xỉ lò cao 1,6 triệu tấn…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội thảo “Kết nối DN đầu tư, cung cấp sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép”


Trong quý I năm 2019, Hà Tĩnh tiếp tục đạt được những bước phát triển nhanh trên các lĩnh vực. Tổng thu ngân sách ước đạt 3.203 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 798,79 triệu USD.

Vậy, những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ sau thép tại Hà Tĩnh đặc biệt là KKT Vũng Áng là gì thưa ông?

Ông Đặng Quốc Khánh: Theo Luật Đất đai, nếu DN đầu tư triển khai xây dựng ngoài KKT thì DN phải tự thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án. Còn các DN đầu tư vào KKT Vũng Áng sẽ được hưởng các chính sách của khu kinh tế. Khi nhà đầu tư vào sẽ được bàn giao mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng đồng bộ, quỹ đất luôn đảm bảo và nhiều ưu đãi khác cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sau thép.

Hà Tĩnh cũng đã quy hoạch KCN Phú Vinh dành cho công nghiệp hỗ trợ với diện tích gần 200 ha. Hiện nay, đã có 5 doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực như: xử lý và tái chế các phụ phẩm ngành thép và phát điện; sản xuất vật liệu chịu lửa, chịu nhiệt; sản xuất, gia công, lắp đặt, chế tạo máy móc cơ khi, chi tiết máy... với tổng mức đầu tư lên đến hơn 23,307 triệu USD. Các công trình như san lấp mặt bằng, đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện, điện chiếu sáng tại KCN Phú Vinh đáp ứng cơ bản các yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.

Một số doanh nghiệp trong nước cho rằng, Hà Tĩnh đang “chuộng” và ưu tiên các DN FDI hơn là các DN trong nước đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ sau thép. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

Ông Đặng Quốc Khánh: Quan điểm của lãnh đạo Hà Tĩnh, không chỉ riêng các dự án công nghiệp hỗ trợ sau thép mà bất cứ dự án nào đầu tư vào Hà Tĩnh đều phải đáp ứng được những yêu cầu của tỉnh đề ra. Phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh. Hiện nay các Tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, FLC, Sun Group, Nguyễn Hoàng, T&T… đang là những nhà đầu tư mang lại sự khởi sắc cho bức tranh kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh.

Quy trình sản xuất thép cuộn tại công ty Formosa Hà Tĩnh

Riêng ngành công nghiệp hỗ trợ sau thép đòi hỏi nhiều yếu tố liên quan đến kỹ thuật, đòi hỏi cao về công nghệ chế tạo thì nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, vừa qua Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn hợp tác với Công ty công nghệ kim khí Akcome hợp xây dựng nhà máy kim khí công nghệ cao với quy trình và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế có tổng mức đầu tư khoảng 20 triệu USD. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ để cùng đầu tư phát triển.

Đối với các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa phương, Hà Tĩnh cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỉnh Hà Tĩnh đã có những chủ trương, chính sách gì để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực còn mới mẻ này, thưa ông?

Ông Đặng Quốc Khánh: Hà Tĩnh xác định chính sách thu hút đầu tư là mấu chốt để phát triển kinh tế - xã hội, ngoài các chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ, mục tiêu của tỉnh là giảm thiểu thời gian cấp phép, cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, hỗ trợ doanh nghiệp.

Hà Tĩnh cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ, ngành Trung ương trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ, tận dụng lợi thế nguyên liệu cơ bản là sản phẩm của Dự án Formosa để hình thành chuỗi giá trị ngành công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Kết nối Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thu hút các dự án sản xuất, cung cấp các vật tư, thiết bị thay thế định kỳ, thường xuyên và sản xuất, chế biến sản phẩm từ nguyên liệu thép.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: ANH BÌNH - NGUYỄN PHƯỢNG

Nguồn tin: Báo Nhà đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP