Kim Han-sol - ảnh tư liệu. |
Các nhân viên của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dường như đã bắt giữ cháu trai của Kim Jong Un khi thanh niên này đang lên một chuyến bay ở Đài Bắc.
Báo Tin Tức Đài Loan ngày 24/11 cho hay, có nhiều các báo cáo xuất hiện vào tuần trước nói rằng Kim Han-sol - cháu trai của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã bị CIA chặn bắt ở Đài Bắc, Đài Loan vào năm 2017. Kể từ thời điểm đó, thực tế là Kim Han-sol đã không được nhìn thấy.
Sau khi anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là ông Kim Jong-nam tử vong vì bị đầu độc bằng chất độc thần kinh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào tháng 2 năm 2017, con trai ông Kim Jong-nam là Kim Han-sol bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của mình.
Sống ở Ma Cao vào thời điểm đó, Kim Han-sol đã liên lạc với Adrian Hong Chang, một thành viên của nhóm có tên gọi là “Phong trào Joseon Tự do”, còn được gọi với tên khác là “Phòng vệ dân sự Cheollima”, để được hỗ trợ.
Theo báo cáo của tờ The New Yorker, Kim Han-sol nói với Adrian Hong Chang rằng cảnh sát Macau, người thường canh giữ nhà anh ta đã đột nhiên biến mất.
Adrian Hong Chang nói rằng Kim Han-sol lo sợ cho tính mạng của mình và cho biết mẹ và em gái anh ấy cần phải "rời khỏi Ma Cao càng sớm càng tốt.".
Sau đó, nhóm của Adrian Hong Chang đã sắp xếp để Kim Han-sol và gia đình bay đến Đài Loan. Họ đã được đón tại sân bay bởi Christopher Ahn, một thành viên khác của nhóm “Phong trào Joseon Tự do”và là một cựu binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Sau khi chờ đợi trong phòng chờ ở sân bay Đài Bắc trong 18 giờ, một chuyến bay đã được sắp xếp để chở Kim Han-sol và gia đình đến Sân bay Amsterdam Schiphol ở Hà Lan.
Tuy nhiên, khi các thành viên trong gia đình Kim Han-sol đang chuẩn bị lên máy bay, họ đã bị nhân viên làm thủ tục xuất cảnh từ chối vì hộ chiếu của họ đã bị gắn cờ.
Hai người đàn ông tự nhận mình là điệp viên CIA sau đó đã cố gắng nói chuyện với Kim Han-sol, nhưng Ahn khuyên không nên. Sáng hôm sau, các nhân viên sân bay đã giúp Kim Han-sol đặt một chuyến bay mới đến Amsterdam.
Tuy nhiên, các nhân viên CIA cho biết họ sẽ đi cùng Kim Han-sol trên chuyến bay. Lo ngại về sự an toàn của Kim Han-sol, cựu binh sỹ Mỹ Christopher Ahn yêu cầu Christopher Ahn nói chuyện trong một đoạn video trong đó ghi lại cảnh Kim Han-sol cảm ơn anh ta và Adrian Hong Chang vì sự trợ giúp của họ trước khi khởi hành.
Kim Han-sol (người bên trái) và Christopher Ahn tại sân bay Đài Bắc ở Đài Loan. |
Đoạn video xuất hiện ba tuần sau đó trên YouTube, đánh dấu xác nhận công khai đầu tiên về sự tồn tại của Kim Han-sol và của cái gọi là nhóm “Phòng vệ dân sự Cheollima”.
Một nhóm người thuộc Free Joseon (một nhóm được thành lập vào ngày 4 tháng 3 năm 2017. Tổ chức nay đã được ghi nhận là nơi đã cố gắng bảo vệ Kim Han-sol, con trai của Kim Jong-nam, kể từ khi cha anh bị ám sát) cử đi và một luật sư nhân quyền người Hà Lan đã đợi Kim Han-sol trong vô vọng tại sân bay ở Schiphol.
Adrian Hong Chang nói với báo The New Yorker rằng Kim Han-sol đã gọi điện và thông báo rằng anh ta đã cố gắng đi qua cổng nhưng được dẫn đến một cửa phụ và sau đó hướng đến đến một khách sạn ở sân bay.
Kim Han-sol khi còn du học tại Pháp. |
Kim Han-sol đã xác nhận với Christopher Ahn rằng anh và gia đình muốn được tị nạn ở Hà Lan. Các thành viên của nhóm Free Joseon đã đợi Kim Han-sol ở sảnh khách sạn, nhưng Kim Han-sol không hề xuất hiện sau đó.
Sau này, tác giả bài báo của The New Yorker trích dẫn nhiều nguồn tin nói rằng CIA đã chặn Kim Han-sol và gia đình anh ta và bắt họ để giam giữ. Không rõ liệu họ đã được đưa đến một địa điểm ở Hà Lan hay nơi khác.
Kim Han-sol là cháu nội của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Cha của Kim Han-sol, ông Kim Jong-nam, từng được là người thừa kế rõ ràng, không chính thức cho đến năm 2001, khi ông bị thất sủng sau khi cố gắng bí mật thăm Disneyland ở Nhật Bản bằng hộ chiếu giả Cộng hòa Dominica tháng năm 2001. Kim Han-sol sinh ngày 16 tháng 6, 1995 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Mẹ của Kim Han-sol là bà Ri Hye-kyong. Kim Han-sol có hai người em khác là Kim Sol Hui, Kim Jimmy. Kim Han-sol từng học tại trường "Campus du Havre de Sciences Po Paris", Đại học "United World College" và "Học viện Chính trị Paris". |
Tác giả: Bình Nguyên
Nguồn tin: Báo Giao Thông