Xã hội

Chàng trai chết trẻ vì ma túy và lá thư cuối cùng gửi mẹ

Trong bà, cái chết của đứa con trở thành bất tử, trở thành nguồn sáng, cho bà tiếp bước chống lại ma túy.

“Con muốn làm một người bình thường nhưng mẹ ơi, ông trời không cho con người như ý muốn... Bây giờ, con khao khát được sống là chính mình chứ không phải là thằng nghiện hút...

Giờ phút cuối, con mong được chết trong vòng tay mẹ”, những lời cuối cùng trong cuốn nhật ký đẫm nước mắt của người con trai khi sắp lìa đời vì HIV đã khiến người mẹ dù ở tuổi 60 vẫn lao vào cuộc chiến chống lại ma túy.

Bà Chung và con trai lúc còn sống.

Ước nguyện của con

Bấy lâu nay, người ta vẫn thấy một bà Lê Kim Chung (62 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) – bảo vệ dân phố khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh, thật mạnh mẽ, dũng cảm khi đương đầu với “cái chết trắng”.

Ít ai biết nỗi đau trong tận đáy lòng bà. Bà từng ôm đứa con trai đầu lòng là anh Nguyễn Văn Thành (SN 1981) trong những giờ phút cuối cùng trước khi nhắm mắt vì nhiễm bệnh HIV từ con đường nghiện ma túy.

Trong căn nhà bề bộn đồ vì chuẩn bị chuyển nhà, bà Chung nhìn lên bàn thờ, đứa con đầu lòng của bà đã khuất bóng 10 năm qua nhưng ký ức về con không một lần nguội lạnh. Bà kể đời bà khổ, khổ đến mức giờ cho bà sung sướng bà không chịu được.

Bà phải làm việc luôn tay. Bà Chung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tuổi trẻ của bà gắn liền với đoàn xiếc khắp các tỉnh thành miền Bắc.

Ấy rồi sau năm 1975, bà mới đôi mươi xin đi thanh niên xung phong. Miền đất đầu tiên bà trụ lại là Lâm Đồng, khai đất khẩn hoang cho người dân đến tá túc. Rời mảnh đất Lâm Đồng, bà đến Sài Gòn, thấy dễ sống, dễ kiếm tiền, bà chọn làm nơi “đất lành người ở”.

Năm 1980, bà nên duyên với một người đàn ông và có được 2 con trai, đứa đầu là anh Thành. Nhưng cuộc đời gia đình bà nổi trôi theo từng cuộc lưu diễn từ Nam chí Bắc. Anh Thành lúc đó mới 10 tuổi cũng tập tành theo cha mẹ.

“Nhà tôi ở phường 3, Bình Thạnh, lúc đó xung quanh nhà toàn là ao rau muống. Chồng tôi chẳng may mất sớm. Lúc đó, thằng nhỏ mới 11 tuổi. Tôi bỏ nghề xiếc và ở vậy nuôi con. Nhưng tôi không ngờ, thằng Thành lại rơi vào con đường nghiện ngập.

Năm đó nó mới 15 tuổi”, bà Chung kể. Bà Chung bảo anh Thành bị dụ dỗ bởi một thanh niên trong xóm. Nhưng bà không hay biết. Một vài bữa cơm, bà thấy anh Thành có biểu hiện khác thường, không thiết ăn uống, chỉ thích đi ói và đi vệ sinh ở cầu tõm sau nhà.

Trong xóm phức tạp, nhiều đối tượng nghiện ngập, bán buôn ma túy nên bà Chung sinh nghi. Linh cảm người mẹ đã đúng, bà bắt gặp con và một số thanh niên đang chơi ma túy. Hoảng hồn, bà hét lên rồi chết đứng.

Bà càng không ngờ, lúc phát hiện ra anh Thành nghiện là đã quá muộn. Về nhà, bà vội vàng xin cho anh Thành đi cai nghiện. Sợ cai ở Sài Gòn, anh Thành trốn về nhà hoặc tiếp tục bị cám dỗ bởi “cái chết trắng”.

Bấm bụng chịu đựng, bà đứa anh Thành lên tận trại cai nghiện Phú Văn (Bình Phước) – một trại cai nghiện nằm sau trong rừng nguyên sinh Bù Gia Mập.

Ngày đêm, bà cầu nguyện cho anh Thành hoàn thành tốt việc cai nghiện, hòa nhập với cộng đồng. “Tuổi đời nó còn quá nhỏ, nó không thể thành người hư được. Nhưng rồi, cai nghiện, về nhà chẳng được bao lâu lại tái nghiện.

Từ năm 1996 đến khoảng năm 2000, nó đi cai không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nó về, tôi tâm sự, khuyên bảo nhưng rồi lại vướng”, bà Chung kể. Đến năm 2000, anh Thành bị nhiễm HIV. Thấy con tinh thần suy sụp, bà Chung tiếp tục đưa anh Thành lên Phú Văn.

Ở Phú Văn, mấy năm cuối cuộc đời, dường như tính người trong anh trỗi dậy. Anh nhờ bà Chung mua giấy, mua sổ để viết thư, viết nhật ký. Hàng chục lá thư anh gửi về cho mẹ là một lời tâm sự đẫm nước mắt.

Bà Chung kể: “Nó làm thơ về cuộc đời nghiện ngập, nó bảo chưa muốn chết, đọc thơ của nó, tôi khóc đẫm nước mắt. Một lần, bà nhận được lá thư có nội dung: “Mẹ, hôm nay, con viết ra đây những lời tận đáy lòng của con. Mẹ có biết là con rất muốn làm một con người bình thường lắm không.

Nhưng mẹ ơi, ông trời không cho con người được như ý muốn. Từ nhỏ, con đã phải ra Bắc vào Nam, sống xa gia đình.

Vậy mà, khi lớn lên con lại mất cha và cứ thế cuộc đời con lại trôi theo dòng đời, chẳng bao giờ yên thân cả. Bây giờ, con khao khát được sống là chính mình chứ không phải là thằng nghiện hút hay thằng mắc căn bệnh không thuốc trị... Giờ phút cuối, con mong được chết trong vòng tay mẹ”.

Bà vội vàng lên Phú Văn, đó là ngày 28/4/2008 để đón anh Thành về. Bà ôm anh thật chặt con trai vào lòng khi anh trút hơi thở cuối cùng kết thúc những năm tháng làm nô lệ cho “nàng tiên nâu” và những tháng ngày đau đớn, giày vò của căn bệnh thế kỷ mang tên HIV.

Lời trăn trối cuối cùng của anh có lẽ cũng là cao trào nhất của sự ân hận nhưng tất cả đã muộn. Mười năm qua, người tóc bạc vẫn chưa nguôi ngoai hình bóng của kẻ đầu xanh. Và cũng kể từ đó, đối với bà Chung, ma túy là kẻ thù “không đội trời chung”.

Một trang thư của người con mà bà Chung còn giữ lại bên mình.

“Cuộc chiến” của mẹ

Ma tang cho con trai xong, bà Chung bắt tay vào công cuộc chống ma túy, ngay chính trên địa phương phường mình sinh sống. Năm 2008, bà làm tổ trưởng tổ dân phố 70, khu phố 6, phường 3, Bình Thạnh. Bà bắt đầu cuộc chống ma túy, đơn độc.

Năm 2012, bà bắt đầu làm bảo vệ dân phố và lập nên nhóm “lá chắn” ở phường 3, Bình Thạnh. Chiến công đầu tay của bà là phát hiện một phụ nữ mua bán ma túy trong khu trọ. Khi đang tuần tra, vì nghi ngờ nên bà tiến thẳng đến đối tượng vừa thăm dò vừa kiểm tra.

Thấy người này cứ lén lút giấu bàn tay trong người, bà yêu cầu đưa thẳng tay ra, mở từng ngón tay trong lòng bàn tay để xem xét. Thấy có hai gói bột trắng, bà Chung lập tức khóa tay cô ta lại, đưa lên xe chở về phường xử Thành.

Từ đó, bà trở thành khắc tinh của những kẻ buôn bán “cái chết trắng”. Bà bảo bà căm hờn những người buôn bán ma túy. Còn với người nghiện, bà không thù ghét, oán trách, ngược lại bà còn thương yêu như chính đứa con trai bà.

“Mấy đứa nghiện như con trai tôi hồi đó chứ gì đâu. Còn mấy đứa bị nhiễm HIV tội nghiệp lắm, bị mọi người xa lánh, kỳ thị. Tôi đi khắp nơi tuyên truyền, HIV là bệnh chứ không phải tệ nạn, mọi người phải đối xử bình thường” bà Chung nói.

Người nào trong khu phố bị nghiện, bà Chung ngay lập tức lập hồ sơ, trình lên phường đưa đi cai ngay. Với những người trở về sau cai nghiện, bà Chung còn tặng gạo, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Có lẽ chính vì tình thương đó mà dù bị chính bà Chung đưa đến công an phường, bắt đi cai nghiện, nhiều người sau đó vẫn gọi bà là “má” mỗi khi gặp nhau. Thân phụ nữ, lại lớn tuổi, bà chọn cái công việc nguy hiểm. Nhưng bà bảo bà không sợ.

“Tôi làm vì muốn kéo tụi nhỏ khỏi bóng tối. Bóng tối mà khi tuổi đời mới đôi mươi thì căn bệnh HIV quái ác vây quanh.

Lúc đó, có hối hận cũng đã muộn nên giờ còn cứu được, tôi nỗ lực hết mình” bà Chung chia sẻ. Mỗi sáng, đều đặng từ 6h đến 8h, bà chốt trực ở đường Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh. Bà “má” hay đi vòng quanh khu phố, từng ngõ ngách, chú ý từng ngôi nhà. Nhất là những ngôi nhà có dấu hiệu của “ma túy”.

Hoặc như 2 năm qua, dù chuyển nhà đến quận 12, cách chốt làm việc gần 15km, lại không biết chạy xe máy nhưng bà Chung chưa vắng buổi nào. Có hôm bà đi xe buýt, có hôm đi xe ôm. Mỗi ngày đi xe ôm hết 300 nghìn đồng nhưng bà không ngại.

Bà bảo: “Tôi còn một đứa con trai, anh trai thằng Thành nhưng nó có vợ con, nhà cửa và công việc ổn định rồi. Giờ còn mỗi mình tôi, ăn ở đáng bao nhiêu.

Tôi có nhà cho thuê nên đồng ra đồng vào tạm ổn. Bây giờ, điều tôi trăn trở nhất là cuộc chiến với ma túy. Mình tôi không thể đẩy lùi được, phải có sự chung tay của cộng đồng”.

Vì thấy nhà xa, lại một mình, bà Chung tính bán nhà ở quận 12, trở lại ở xóm cũ. Bà dự tính mua lại căn nhà ngày xưa bà ở, nơi đứa bà ôm anh Thành vào lòng lúc nhắm mắt xuôi tay nhưng chủ chưa bán.

Bà mua cạch đó, chờ thuyết phục chủ mua lại chính căn nhà kỷ niệm. Chia tay khách, căn nhà bà ngổn ngang sách, sách luật, sách phong thủy, sách phòng chống ma túy.

Dường như, bà chưa có tuổi già vì bà lo cái lo của thiên hạ. Bà vui với những gì bà đã và đang làm. Căn nhà bà, đầy những giấy khen trên hai bức tường phòng khách.

Đó là sự công nhận với những chiến tính, sức lực mà người đàn bà luống tuổi đã cống hiến. Trong bà, cái chết của đứa con trở thành bất tử, trở thành nguồn sáng, cho bà tiếp bước chống lại ma túy.

Tác giả: Chánh Bùi

Nguồn tin: Báo Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG