Di tích LSVH Quốc gia chùa Chân Tiên còn là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Vào những năm (1885-1896), phong trào Văn thân Cần Vương, xã Thịnh Lộc có nhiều người con tham gia vào nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng dựng cờ khởi nghĩa như: Trần Quang Tụ, Nguyễn Đăng Thiện, Phạm Môn…núi Am Tiên, Chùa Chân Tiên lúc bấy giờ là một trong những căn cứ luyện tập của nghĩa quân. Khi phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 nổ ra và lan về Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hằng Chi đã chọn vùng này làm nơi tập trung nho sỹ đi biểu tình… Năm 1928, Đại tổ Tân Việt huyện Can Lộc tổ chức họp tại chùa Chân Tiên. Các đồng chí: Võ Quế, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Trần Xu, Trần Hoặc, Sư Bảy… đã ngụy trang bằng màn cầu Tiên để che mắt địch. Năm 1929, tổ chức Tân Việt phát triển nhanh chóng. Tổ Tân Việt ở Thịnh Lộc được thành lập, đánh dấu một bước tiến mới trong tiến trình cách mạng của địa phương. Với vị trí thuận lợi, chùa Chân Tiên đã trở thành địa điểm quan trọng góp phần vào thắng lợi của nhân dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931: Ngày 25/4/1930, dưới sự chủ trì của các đồng chí Phan Gần, Hoàng Liệu, Nguyễn Cứ, Nguyễn Trạc (đại diện cho Huyện ủy và Tổng bộ) đã tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Yên Điềm. Chùa Chân Tiên còn là nơi liên lạc, hội họp, soạn thảo, cất giấu tài liệu an toàn của Tổng bộ và Chi bộ Đảng ở vùng Hạ Can Lộc để từ đây phát lệnh các cuộc biểu tình, rãi truyền đơn, treo cờ Đảng. Ngày 28/7/1930, tại chùa đã diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch hành động kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc với sự tham gia của các đồng chí Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Liêu, Phan Gần. Sáng ngày 01/8/1930, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy Can Lộc và Chi bộ Đảng Yên Điềm, 350 nông dân xã Thịnh Lộc cùng các xã lân cận đã tập trung đi biểu tình. Đoàn biểu tình kéo đến Truông gió Hồng Lộc nghe đồng chí Hoàng Khoái Lạc diễn thuyết rồi nhập với đoàn biểu tình của Thượng Can tiến thẳng vào huyện lỵ. Khí thế của đoàn biểu tình khiến cho tri huyện Trần Mạnh Đàn và bọn nha lại hoảng sợ phải cúi đầu nhận bản yêu sách của quần chúng nhân dân.
Lễ hội truyền thống Chùa Chân Tiên hàng năm
Lễ hội truyền thống chùa Chân Tiên là dịp để bà con bày tỏ niềm thành kính, tôn vinh, tưởng nhớ công đức các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối, các vị thánh thần đã có công xây dựng lập nên bờ cõi. Điều bổ ích mà lễ hội mang lại cho mọi người là đạo đức truyền thống uống nước, nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, góp phần bồi đắp thêm cho con người lòng nhân ái, biết yêu thương nhau, trọng hiếu nghĩa, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách“, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Đó cũng chính là cái cốt lõi về giá trị đạo đức văn hóa các tôn giáo góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
Lễ hội cũng là dịp để tôn vinh bảo tồn phát huy nghề truyền thống, bản sắc văn hóa quê hương. Là nơi cung cấp một cách sinh động những kiến thức văn hóa dân gian, những sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng để truyền nối cho công chúng qua các thế hệ. Tham gia lễ hội còn tăng cường tình đoàn kết là nhịp cầu nối các làng quê, các vùng miền với nhau, đó cũng chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tâm linh mà cư dân địa phương luôn phát huy và gìn giữ.
Lễ hội năm nay ngoài phần lễ trang nghiêm, truyền thống thì phần hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí như: hội trại trên núi Tiên Am, chèo đua thuyền Hồ Tiên, giải bóng chuyền nam thanh niên toàn huyện, đi kheo trên cạn, giải cờ thẻ và giải kéo co nữ, giao lưu văn nghệ… Đây là hoạt động văn hóa truyền thống dân gian được địa phương gìn giữ phát huy qua nhiều thế hệ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, để các giá trị đó mãi mãi được trường tồn./.
Nguyễn Khắc Duyên
Trưởng Ban Văn hóa xã Thịnh Lộc