Trong nước

Chân dung, con đường phạm tội của nguyên TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn

Trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank, không thể không nhắc đến cái tên Nguyễn Xuân Sơn – nguyên TGĐ Oceanbank, người luôn phủ nhận nhiều hành vi sai phạm của mình trước tòa.

Trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ Oceanbank) bị truy tố về hai tội, đó là Lợi dụng chức vụ quyền hạn và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời HĐXX tại phiên xét xử sơ thẩm, nguyên TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, không hiểu vì sao mình bị truy tố về hai tội danh trên.
Theo bị cáo, ông ta được PVN giới thiệu sang Oceanbank làm TGĐ. PVN có 20% cổ phần tại ngân hàng. Lúc giữ vị trí TGĐ, ông Nguyễn Ngọc Sự là đại diện cổ phần của PVN tại Oceanbank. Tiếp tục trình bày, bị cáo cho hay, trong thời gian làm TGĐ, bị cáo đã không bao giờ có chủ trương chi lãi ngoài. Việc Hà Văn Thắm chi lãi ngoài với tư cách cá nhân là được, còn với tư cách NH thì phải do HĐQT của ngân hàng quyết định, bị cáo khai.

Chan dung, con duong pham toi cua nguyen TGD OceanBank Nguyen Xuan Son
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank.

Trước lời khai của bị cáo Sơn, thẩm phán Trương Việt Toàn chất vấn: “Nếu bị cáo không đồng ý việc chi lãi ngoài để huy động vốn thì các cộng sự, nhân viên dưới quyền có phải góp mặt ở đây để hầu tòa?”. Bị cáo Sơn vẫn phủ nhận và cho rằng, từ năm 2011, Oceanbank mới chi lãi ngoài, lúc này bị cáo không còn làm việc tại Oceanbank.

Còn về việc nhận tiền dịch vụ gần 69 tỉ đồng thông qua lợi tức từ kinh phí dịch vụ của BSC, bị cáo Sơn phủ nhận và cho biết, ông ta chỉ 4 lần duy nhất nhận tiền từ Hà Văn Thắm. Số tiền này là dùng cho công tác ngoại giao nhằm phát triển ngân hàng. Theo bị cáo, ông ta 3 lần nhận số tiền 2,6 tỉ đồng, một lần nhận 1,9 tỉ đồng.

Trước lời khai này, HĐXX đã trích dẫn lời khai của Nguyễn Việt Dũng – thư ký của Sơn nhận tiền từ Công ty BSC hơn 6 tỉ và hơn 102.000 USD về rồi chuyển cho Sơn nhưng bị cáo này vẫn khẳng định mình không hề nhận được các khoản tiền trên.

Tuy nhiên, khi bị chủ tọa phiên tòa trích lời khai của những người liên quan chứng minh việc chuyển tiền cho Sơn, lúc này Sơn nói do sự việc xảy ra quá lâu nên bị cáo không nhớ cụ thể và đang cố nhớ lại.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh. Ông này nguyên là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng OceanBank và nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Bị cáo Sơn tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật giá và Trường Đào tạo cán bộ Dầu khí của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có bằng đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh, cấp đào tạo trên đại học tại Trường Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ.

Từ năm 2003 đến tháng 10/2006, ông Sơn làm Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), sau đó là Tổng giám đốc PVFC đến tháng 5/2007.
Từ tháng 12/2008 đến tháng 11/2010, ông Sơn được bổ nhiệm và nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc OceanBank. Tới năm 2011, ông Sơn thôi chức Tổng giám đốc tại OceanBank.
Ngày 8/7/2014, ông Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam.

Ngày 19/7/2015, theo đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1105/QĐ-TTg về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đối với ông Sơn.

Ngày 21/7/2015, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của ông Nguyễn Xuân Sơn khu đô thị Ciputra, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã bắt tạm giam để điều tra ông Nguyễn Xuân Sơn. Quyết định bắt tạm giam ông Sơn do Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng”; “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Kết luận điều tra và cáo trạng của vụ đại án kinh tế tại Ngân hàng OceanBank, sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn – khi ấy đang là Tổng giám đốc Công ty tài chính Dầu khí (PVFC) – được PVN cử sang giữ chức vụ Tổng giám đốc OceanBank từ 1/12/2008 đến 27/12/2010.

Đầu năm 2009, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN, Nguyễn Xuân Sơn đặt vấn đề với Hà Văn Thắm về việc để huy động được tiền từ PVN, OceanBank cần chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng/tổng số tiền gửi và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần phải trao đổi chi tiết.

Hà Văn Thắm tính toán mức chi thêm lãi suất này sẽ khoảng trên dưới 1%/năm/tổng số tiền gửi của các khách hàng doanh nghiệp dầu khí nên đã đồng ý.

Để chi trả tiền “chăm sóc khách hàng” cho ông Sơn, Hà Văn Thắm đã sử dụng pháp nhân của Công ty BSC. Cụ thể, Trong thời gian từ ngày 23/9/2009 đến 3/11/2010, Công ty BSC đã chi 28 khoản “chăm sóc khách hàng” cho ông Sơn với tổng cộng số tiền được làm rõ là gần 69,4 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng khẳng định, việc chi lãi ngoài dưới hình thức “chăm sóc khách hàng” của OceanBank cho nhóm khách hàng dầu khí do ông Sơn khời xướng bắt đầu từ năm 2009 và thực hiện liên tục tới năm 2014.

Do đó, ông Nguyễn Xuân Sơn phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số tiền lãi ngoài mà OceanBank đã chi cho các khách hàng dầu khí trong giai đoạn này. Cụ thể, ông Sơn phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền OceanBank đã chi lãi vượt trần hơn 544 tỷ đồng, trong đó có số tiền ông Sơn đã hưởng lợi cá nhân là 246,6 tỷ đồng.

Đông Nhiên (Tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP