Tàu cấp bến tại cảng Vũng Áng. |
Lượng cầu cảng gia tăng đột biến
Tỉnh Hà Tĩnh với 137 km bờ biển, 04 cửa sông đổ ra biển, là một tỉnh có tiềm năng kinh tế hàng hải hết sức to lớn, tuy nhiên tiềm năng này mới chỉ được đánh thức từ năm 2001 khi bến số 1 cảng Vũng Áng hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Từ đó đến nay khu vực Hà Tĩnh có sự phát triển mạnh mẽ, vượt trội về đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển.
Vậy nhưng, do số lượng tàu thuyền đến cảng sẽ tăng đột biến, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh thì khu vực Hà Tĩnh theo quy hoạch chỉ có 02 khu bến cảng là Vũng Áng và Xuân Hải có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn nhất chỉ là 30.000 tấn với khối lượng hàng hóa thông qua khoảng 3 triệu tấn.
Nhưng hiện nay theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì cảng biển Hà Tĩnh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực Loại I. Giai đoạn hoàn thiện sẽ có 76 cầu cảng hoạt động với cỡ tàu lớn nhất có thể tiếp nhận là 300.000 tấn, khối lượng hàng hóa thông qua ước đạt 80 triệu tấn vào năm 2020 và 150 triệu tấn vào năm 2030.
Năm 2010, khu vực Hà Tĩnh có 06 cầu cảng khai thác với khối lượng hàng hóa đạt 887 nghìn tấn. Nhưng từ năm 2010 đến nay có thêm 22 cầu cảng đã và đang xây dựng thêm trong khu vực, trong đó Dự án Formosa có 17 cầu cảng, Nhà máy nhiệt Điện Vũng Áng 01 có 02 cầu cảng, bến tổng hợp Vũng Áng có 02 cầu cảng và Xăng dầu Xuân Giang 01 cầu cảng.
Đến năm 2018 đã có 22 cầu cảng hoạt động khai thác. Tính hết năm 2017 khối lượng hàng hóa thông qua đạt gần 15 triệu tấn, năm 2018 ước đạt trên 20 triệu tấn.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trước thực tế trong những năm qua lượng hàng hóa, tàu thuyền thông qua cảng biển Hà Tĩnh không ngừng tăng lên cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước về hàng hải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh thì các hoạt động của tàu thuyền, khai thác cảng sẻ làm ảnh hưởng đến môi trường biển như: Gõ rỉ; sơn tàu; bơm xả các loại rác hoặc nước dằn tàu; nước có cặn bẩn từ tàu xuống biển; rác thải sinh hoạt; sử dụng đốt rác; lò đốt chất thải trong khu vực cảng biển; sử dụng dầu nhiên liệu chạy máy chính, máy đèn có hàm lượng lưu huỳnh vượt quá chỉ số mức NOx, SO2 cho phép; đổ bùn đất, chất thải từ nạo vét xuống biển trong quá trình xây dựng, nạo vét, duy tu các công trình hàng hải.
Sự phát triển của vận tải biển là một lợi thế lớn về nền kinh tế, nhờ vào lợi thế vượt trội về tiết kiệm thời gian, vận chuyển hàng hóa với khối lượng của nó so với các loại hình vận tải khác, nhưng bên cạnh đó sẽ có nhiều yếu tố gây hại cho môi trường như tác động của sơn chống hà độc của tàu thuyền, các nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn đâm va làm dầu tràn ra biển.
Các hoạt động hàng hải sẽ tác động và ảnh hưởng đến môi trường sống của hệ sinh thái thủy sinh khu vực, giảm chất lượng môi trường nước biển, nguồn lợi thủy sản.
Dầu trong chất thải gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô.
Ô nhiễm dầu làm giảm khả năng chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của hệ sinh thái. Hàm lượng dầu trong nước tăng cao, các mảng dầu làm giảm khả năng trao đổi ô xy giữa không khí và nước, làm giảm ô xy trong nước, làm cán cân điều hòa ô xy trong hệ sinh thái bị đảo lộn.
Với lưu lượng các tàu vào cập cảng nhiều thì tại cảng Vũng Áng đang xây dựng thêm các bên cảng số 3,4 và cầu cảng số 5,6 do do Công ty TNHH cảng Phonenix Vũng Áng Việt Nam làm chủ đầu tư. |
Ngoài ra, dầu còn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái, có thể gây suy vong hệ sinh thái. Bởi dầu chứa nhiều thành phần khác nhau, làm biến đổi, phá hủy cấu trúc tế bào sinh vật, có khi gây chết cả quần thế. Dầu thấm vào cát, bùn ở ven biển có thể ảnh hưởng trong một thời gian rất dài. Đã có nhiều trường hợp các sinh vật chết hàng loạt do tác động của sự cố tràn dầu.
Đứng trước những thực tại trên, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng có những giải pháp để đảm bảo cho môi trường biển như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến các chủ cảng, các cơ sở đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền và các doanh nghiệp hoạt động động dịch vụ hàng hải trong khu vực thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cảng biển, các phương tiện tàu thuyền khi hoạt động trong vùng nước cảng biển, kiểm tra an toàn hàng hải các phương tiện tham gia hoạt động hàng hải tại khu vực quản lý để qua đó phát hiện, khuyến cáo kịp thời nhằm loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức tốt công tác kiểm tra nhà nước cảng biển (kiểm tra PSC) đối với các tàu biển mang quốc tịch nước ngoài đến cảng biển Hà Tĩnh trong việc chấp hành pháp luật Việt Nam và các Công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, còn tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện thi công, nạo vét, đặc biệt giám sát chặt chẽ hoạt động đổ vât liệu nạo vét xuống biển đúng vị trí mà cơ quan thẩm quyền cho phép. Chỉ cấp phép hoạt động cho các phương tiện thi công đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn,an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định.
Theo lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh thì để công tác bảo vệ môi trường biển từ hoạt động hàng hải có hiệu quả, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên thì cần có sự phối hợp từ các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh trong việc đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư xây dựng cảng, triển khai các văn bản về quản lý môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng.
Thêm đó, mong muốn UBND tỉnh tiếp tục duy trì theo quy định việc diễn tập ứng phó tràn dầu của các cảng biển theo kế hoạch đã được phê duyệt, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao hiệu quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại địa phương.
Tác giả: Long Nhi
Nguồn tin: Báo Infonet