Tin Hà Tĩnh

Cảnh báo hành vi bị cấm khi khiếu nại, tố cáo qua vụ bắt đối tượng ở Hà Tĩnh

Kích động, xúi giục người dân khiếu kiện vượt cấp, Phạm Viết Công đã bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giam. Đối tượng này sẽ đối mặt với hình phạt nghiêm khắc và người dân cần tránh hành vi bị cấm khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh tống đạt quyết định và lệnh đối với Phạm Viết Công. Ảnh: BCA

Khởi tố đối tượng kích động khiếu kiện ở Hà Tĩnh

Ngày 14/7/2025, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Viết Công (sinh năm 1957, trú tại thôn Cồn Soi, xã Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Đối tượng bị bắt theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê chuẩn.

Theo điều tra, dù không có quyền lợi liên quan trực tiếp đến việc giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua Can Lộc, Hà Tĩnh nhưng Phạm Viết Công đã kích động, xúi giục một số hộ dân khiếu kiện vượt cấp, gây rối tại các trụ sở tiếp công dân.

Không chỉ dừng ở đó, đối tượng còn nhiều lần có lời nói vu khống, xúc phạm các cơ quan chức năng, gây mất an ninh trật tự tại các điểm tiếp công dân.

Trên mạng xã hội, tài khoản Facebook “Cong Pham” do Phạm Viết Công quản trị, điều hành đã đăng tải hàng trăm bài viết, video có nội dung vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm danh dự các tổ chức, cá nhân.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần đối thoại, làm việc, trả lời nhưng đối tượng Phạm Viết Công vẫn tiếp tục có các hành vi vi phạm.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh tống đạt quyết định và lệnh đối với Phạm Viết Công. Ảnh: BCA


Cảnh báo các hành vi bị cấm trong khiếu nại, tố cáo

Luật sư Trần Văn Dương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 đã quy định rõ tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Luật sư Dương nhận định, khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản, chính đáng của công dân được Hiến pháp và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo ghi nhận, bảo vệ.

Là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp để công dân tham gia việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, việc lợi dụng các quyền này để xuyên tạc, vu khống, kích động gây rối, khiếu nại trái pháp luật là hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể:

Một số hành vi bị cấm trong khiếu nại như: Cố tình khiếu nại sai sự thật; kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng; lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; vi phạm quy chế tiếp công dân.

Còn trong tố cáo, những hành vi bị cấm gồm: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.

Người vi phạm trong khiếu nại, tố cáo có thể bị xử phạt hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ.

Đồng thời, bị buộc bồi thường thiệt hại nếu gây tổn thất về kinh tế, danh dự cho người bị khiếu nại, tố cáo sai.

Do đó, người dân cần nắm rõ quy định pháp luật khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, tránh bị lợi dụng hoặc vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Việc thực hiện quyền này cần dựa trên chứng cứ rõ ràng, đúng trình tự, thủ tục và không nên bị kích động bởi các đối tượng có mục đích xấu.

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực...

Tác giả: Ngô Tân

Nguồn tin: Báo Thanh Tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP