Qua nghiên cứu các Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Võ Kim Cự cơ bản nhất trí và đề nghị Quốc hội thông qua phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014- 2016.
Tuy nhiên, đại biểu Võ Kim Cự đề nghị nên nâng mức phát hành trái phiếu cao hơn để có nguồn lực ưu tiên tiếp tục đầu tư hoàn thành các công trình, dự án giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục còn dở dang, nếu không sẽ gây ra hệ luỵ khó lường, ảnh hưởng an sinh xã hội.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia (16 chương trình) lâu nay có nhiều bất cập, dàn trải và trùng lắp về nội dung, mục tiêu, tiêu chí và trùng cả về kinh phí. Đại biểu Võ Kim Cự đề nghị cần rà soát lại, cắt giảm, điều chỉnh các chương trình đưa về tập trung vào 3 đầu mối chính cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình xoá đói, giảm nghèo và Chương trình bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu để có điều kiện tập trung nguồn lực và tránh manh mún, dàn trải, trùng lắp, gây lãng phí và kém hiệu quả. Mặt khác, đề nghị Chính phủ sửa đổi kịp thời quy chế quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong năm 2014, đồng thời nguồn kinh phí của các chương trình nên phân cấp, phân bổ triệt để về cho các dịa phương( huyện, xã) quản lý, sử dụng thì mới hiệu quả.
Đại biểu Trần Ngọc Tăng: Cần ưu tiên đầu tư cho Chương trình quốc gia phòng, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Về phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2014, đại biểu Võ Kim Cự nhấn mạnh: Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư cho nhóm hội tụ các điều kiện: tỉnh nghèo, thường xuyên bị bão lũ lớn. Cần có cơ chế ưu tiên vốn để xây dựng đường bê tông, hệ thống thuỷ lợi vĩnh cửu, trường học cao tầng và nhà ở của dân có từ 15 m2 – 20m2 tầng 2 để bảo vệ người và tài sản khi lũ về.
Liên quan đến phân bổ ngân sách nhà nước năm 2014, Đại biểu Trần Ngọc Tăng cho rằng: Việt Nam là một trong 5 Quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới, nhưng trong dự toán phân bổ nguồn lực đầu tư cho Chương trình quốc gia phòng chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường năm 2014 còn quá thấp. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa và ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư cho Chương trình quốc gia phòng, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cao hơn để các địa phương có điều kiện ứng phó và khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục phiên họp tại Hội trường để nghe: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật này.
Phạm Nghĩa
Báo Hà Tĩnh