Di tích - Thắng cảnh

Can Lộc: Tượng điện đền thờ Ngô Phúc Vạn có nguy cơ sụp đổ

Ngô Phúc Vạn là một trọng thần danh tiếng của triều đình Lê – Trịnh, phía Bắc diệt Mạc bắt được Mạc Kính Cung; phía Nam chống Nguyễn giữ yên bờ cõi, bảo vệ chính đường; khẩn khoang ruộng đất, đưa lại lợi ích cho trăm họ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước ta từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII. Ông là người đầu tiên mở con đường Thiên Lý từ Thượng Huề (Vượng Lộc – Can Lộc) đến Kỳ Hoa (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) và lập nên Làng Trảo Nha xưa.

Ngô Phúc Vạn (1577-1652) còn có tên là Ngô Phúc Mại. Ông làm quan đến chức Phó tướng Trung nhuệ Quân doanh, tước Thái Bảo, sắc phong là Tào Quận công. Xuất thân con nhà tướng, Ngô Phúc Vạn là người văn võ toàn tài, không chỉ võ nghệ cao cường, thông hiểu binh thư, trận pháp mà thánh kinh hiền truyện, thiên văn, địa lý, toán học đều tinh thông.
Tượng điện đền thờ Ngô Phúc Vạn có nguy cơ sụp đổ
BQL di tích đền thờ Ngô Phúc Vạn phải dùng hàng chục cột tre để chống đỡ mái thượng điện

Đền thờ Ngô Phúc Vạn (thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn – Can Lộc) được xây dựng năm 1655, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền thờ vẫn giữ được nét cổ kính và giá trị cơ bản. Năm 1992, đền thờ và mộ Tào Quận công Ngô Phúc Vạn đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2012, đền thờ được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, tôn tạo với kinh phí xây dựng gần 11 tỷ đồng (trong đó nguồn hỗ trợ của Bộ VH-TT&DL 5 tỷ đồng, còn lại do con cháu dòng họ Ngô cả nước đóng góp). Tuy nhiên, hạng mục chính là thượng điện (nhà thờ) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ.

Tượng điện đền thờ Ngô Phúc Vạn có nguy cơ sụp đổ
Thượng điện bị xuống cấp nghiêm trọng

Dự án đầu tư, tôn tạo đền thờ đã hoàn thành các hạng mục như: tường rào, hệ thống sân vườn, ao đền thờ, nhà bia bệ đá hai bên đền thờ, nhà bái đường… Do kinh phí chưa được cấp đủ theo dự toán nên thượng điện (nơi thờ, đặt bài vị Ngô Phúc Vạn, các vị phúc thần con cháu trong dòng họ Ngô có công với nước qua các triều đại lịch sử) vẫn chưa được tôn tạo. Theo ông Ngô Đức Tuấn, người trông coi đền thờ Ngô Phúc Vạn thì kinh phí tôn tạo được Bộ VH-TT&DL hỗ trợ 5 tỷ đồng, nhưng mới chỉ được cấp hơn 2 tỷ đồng, nên hạng mục công trình thượng điện chưa được tu bổ, sửa chữa. Nhiều cấu kiện trong thượng điện đã hỏng, mối mục. Lo sợ mái của thượng điện đổ sụp, Ban quản lý di tích phải sử dụng hàng chục cột tre để chống đỡ…

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cấp, ngành liên quan sớm có giải pháp tôn tạo, sửa chữa hạng mục công trình thượng điện để bảo vệ di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia – đền thờ Tào Quận công Ngô Phúc Vạn.

Ninh Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP