Di tích - Thắng cảnh

Can Lộc: Di tích văn hóa Đền Làng Nam – Chùa Mộ Nghĩa

Đền Làng Nam được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, trước đây trong xã Kiệt Thạch có 5 ngôi đền thuộc 5 làng (5 giáp): Đền Giáp Đông, Giáp Bắc, Giáp Tây, Giáp Nam và Đền Giáp trung. Nhưng đến năm 1953 – 1954 do sự thiếu ý thức của con người các ngôi đền đều bị tàn phá, chỉ giữ lại ngôi đền của Giáp nam.

hatinh24h

Chùa Mộ Nghĩa

Trên xà dọc trung điện còn lưu lại niên biểu bằng chữ hán “Minh Mạng lục niên” tức năm 1825 xác nhận một trong những lần sữa chữa đền và một tấm bia gỗ ghi công những người có công đóng góp tiền của để xây dựng, trùng tu tôn tạo lại đền ghi niên biểu “Duy Tân năm thứ V” đã cho biết đền được làm từ thời nhà Nguyễn.

Tương truyền, Đền Làng Nam là nơi thờ tự rất linh thiêng, bởi thế các công trình kiến trúc từ khi xây dựng đến giờ chỉ bị hư hỏng bởi sự khắc nghiệt của thời gian, của thiên nhiên chứ trong hai cuộc chiến trang ác liệt nhất đền không hề bị bom đạn tàn phá, nhân dân địa phương tin rằng: Nhờ có thần linh bảo vệ che chở và sự linh thiêng của ngôi đền nên bom đạn rơi xuống vùng đất này cũng không nổ.

Upload

Đền Làng Nam

Đền Làng Nam sơ khai vốn là nơi thờ tự thần Cao Sơn Cao Các, tức Sơn thần – một loại hình tín ngưỡng nguyên thủy của nhân dân vùng nông nghiệp lúa nước. Mặc dù hiện nay không còn phần tích thần phả nào còn lưu giữ về Thần Cao Sơn của vùng này nhưng hiện còn hai long ngai bài vị thờ trong đền  ghi danh bản xứ Cao Sơn là một nhân vật trong truyền thuyết dân gian, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc. Từ xa xưa, người dân ở vùng núi dựa vào núi để chống lại những hiện tượng thiên nhiên, thú dữ và cả giặc ngoại xâm nên họ tưởng tượng ra trong núi có một vị thần đầy quyền phép thiêng liêng có sức mạnh “hộ quốc tỷ dân”, từ tai, ngăn nạn khiến thôn xóm yên lành, giúp nước an dân khiến quốc đồ bền vững…

Xưa kia, khu vực đền Làng Nam, chùa Mộ Nghĩa rất trù mật, bốn bề cây cối rậm rạp nên trong phong trào Cần Vương (1885), hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, các thân sỹ thân hào trong làng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Lương Cận (con trai tế tửu Quốc Tử giám Nguyễn Liên) đã lấy đền chùa làm nơi tụ nghĩa, luyện tập, rèn luyện binh khí phục vụ trận đánh đồn Trại Lê.

Hiện tại thượng điện đền còn lưu giữ, thờ tự 06 long ngai bài vị, trong đó có một số bộ năm 1954 hợp tự từ các đền khác.

Ngoài ra, theo lời của nhân dân địa phương thì đền còn là nơi thờ tự Nguyễn Phúc Xá – con trai thứ 11 của Thái Sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Ông làm quan đến chức ” nhất cuộc chính giám đại tín đại phu”. Hiện tại chưa tìm thấy tài liệu viết về công trạng của ông đối với vùng đất này mà chỉ dựa vào tài liệu truyền ngôn cho biết ông là người có công khai dân lập ấp, mở mang bờ cõi (?).

Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền Làng Nam, chùa Mộ Nghĩa là nơi sinh hoạt của chi bộ xã Yên Huy, cũng là nơi thành lập ra các chi hội đỏ. Trên đỉnh núi Cài cờ đỏ búa liềm đã được cắm lên thể hiện tinh thần cách mạng của nhân dân Xô Viết, bởi thế nhân dân địa phương gọi đỉnh Núi Cài là “Đỉnh Cột Cờ” , nay dấu tích vẫn còn.

Thời kỳ 1945 – 1954 khu vực này lại trở thành công binh xưởng rèn đúc vũ khí, tập hợp và huấn luyện đội quân du kích phục vụ kháng chiến.

Thời kỳ chống Mỹ, khi Ngã Ba Đồng Lộc trở thành vị trí trọng điểm bắn phá của kẻ thù, khu vực đền chùa và vùng phụ cận là nơi cất dấu vũ khí đạn dược phục vụ quyết chiến điểm Ngã Ba Đồng Lộc.

Về tế lễ: Đền Làng Nam có 3 lễ chính  đó là lễ Khai Hạ mồng 7 tháng giêng: cầu phúc cầu may đầu năm, lễ Kỳ phúc 15 tháng 6 là lễ quan trọng nhất trong năm, lễ Trừ tịch là Nguyên đán tế vào giao thừa hàng năm. Trong ngày hội lễ, nhân dân địa phương và bà con các xã phụ cận nô nức về dự lễ cúng tế để cầu nguyện cho mọi người được yên ổn làm ăn, thoát khỏi hoạn nạn tai ách, cuộc sống được ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

          Chùa Mộ Nghĩa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, theo các cụ cao niên ở địa phương cho biết: ban đầu chùa được dựng ở phía sau núi, cách vị trí cũ khoảng 200m. Đến thời Tiến sĩ Thạch Thất Nguyễn Văn trình (1872-1949) đã huy động sức dân dời chùa xuống núi bên cạnh vị trí Đền Làng Nam. Lúc đó chùa xây bằng gạch vôi vữa có quy mô rất nhỏ, chỉ khoảng 12m2, đến năm 2005 thì bị hư hỏng nặng nên nhân dân địa phương cùng con cháu dòng họ Nguyễn Văn Trình đóng góp xây dựng lại với quy mô bề thế hơn ngay cạnh nền chùa cũ. Như vậy vị trí của Đền Làng Nam và Chùa Mộ Nghĩa có thế tựa lưng vào núi, là nơi thu giữ được khí thiêng của trời đất, cây cối tốt lành, chim khôn vui hót, phía trước là khe nước mát mẻ ngọt lành mang yếu tố âm nơi tụ linh tụ phúc.

Xưa kia, khu vực đềnLàng Nam, chùa Mộ Nghĩa rất trù mật, bốn bề cây cối rậm rạp nên trong phong trào Cần Vương (1885), hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, các thân sỹ thân hào trong làng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Lương Cận (con trai tế tửu Quốc Tử giám Nguyễn Liên) đã lấy đền chùa làm nơi tụ nghĩa, luyện tập, rèn luyện binh khí phục vụ trận đánh đồn Trại Lê.

Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền Làng Nam, chùa Mộ Nghĩa là nơi sinh hoạt của chi bộ xã Yên Huy, cũng là nơi thành lập ra các chi hội đỏ. Trên đỉnh núi Cài cờ đỏ búa liềm đã được cắm lên thể hiện tinh thần cách mạng của nhân dân Xô Viết, bởi thế nhân dân địa phương gọi đỉnh Núi Cài là “Đỉnh Cột Cờ” , nay dấu tích vẫn còn.

Thời kỳ 1945 – 1954 khu vực này lại trở thành công binh xưởng rèn đúc vũ khí, , tập hợp và huấn luyện đội quân du kích phục vụ kháng chiến.

Thời kỳ chống Mỹ, khi Ngã Ba Đồng Lộc trở thành vị trí trọng điểm bắn phá của kẻ thù, khu vực đền chùa và vùng phụ cận là nơi cất dấu vũ khí đạn dược phục vụ quyết chiến điểm Ngã Ba Đồng Lộc.

Ngọc Bé

PHÒNG VH&TT HUYỆN CAN LỘC

Tài liệu tham khảo từ hồ sơ di tích Đền Làng Nam – Chùa Mộ Ngĩa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP