Đại biểu tham dự
Chương trình văn nghệ chào mừng
Đền Bàn Thạch thuộc địa bàn thôn Văn Cử, xã Xuân Lộc, một vùng đất có truyền thống lịch sử – văn hóa. Tương truyền, Đền Bàn Thạch được xây dựng vào thế kỷ XIV, nơi đây thờ phụng các vị thần Cao Sơn, Cao Các, tức Sơn thần – một loại hình tín ngưỡng nguyên thủy của vùng nông nghiệp lúa nước và thờ các nhân thần (hợp tự) có công với nước, với dân.
Đ/c Võ Hồng Hải, TUV, Bí thư Huyện ủy và đại diện Sở VHTT-DL trao Bằng xếp hạng cho cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lộc
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với khí hậu và thiên nhiên khắc nghiệt, đền đã bị hủy hoại hoàn toàn, các đồ thờ bị mất mát, hư hỏng; các sắc phong của đền Bàn Thạch được chuyển về đền Tam Lang (Xuân Lộc). Trong hồ sơ xếp hạng di tích còn thống kê được 78 đạo sắc của các đời vua Lê và Nguyễn, trong đó có 3 đạo sắc phong niên hiệu vua Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), cùng một ngày cho các vị thần Cao Sơn, Cao Các đền . Đền Bàn Thạch bị hư hại, nhưng sự tôn kính, linh thiêng vẫn luôn ở trong lòng người dân. Năm 2009, bằng nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê và nhân dân địa phương, đền đã được trùng tu, xây dựng lại khang trang trên nền đất cũ với 3 tòa điện thờ, thờ thần, thánh và phật.
đ
Nhân dân rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh về Đền Bàn Thạch
Hàng năm, vào các ngày chính lễ của nhà phật, thần, thánh, nhân dân đều tổ chức Lễ tế đền với các hoạt động thiết thực như cầu yên, lễ phật đản rất trọng thể, trang nghiêm và thành kính; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình yên vui, hạnh phúc… đây cũng là thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân đã có công giúp dân, giúp nước.
Việc Đền Bàn Thạch được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh là vinh dự, đồng thời đặt ra trách nhiệm cho Xuân Lộc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của di tích./.
Bích Liên