Chúng tôi tìm đến nhà anh Đặng Quốc Tường (26 tuổi, trú thôn 4, xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vào một trưa cuối tháng 3. Cần mẫn đút từng thìa cháo cho chồng, chị Bùi Thị Vượng nghẹn ngào, không thể nói câu gì tròn vành rõ nghĩa.
Bệnh viện bó tay
Đút cho chồng xong bát cháo trưa, chị Vượng vừa ôm đứa con nhỏ trên tay, vừa nước mắt ngắn dài kể cho chúng tôi nghe về bệnh tật của người chồng xấu số. Thương chồng bao nhiêu, chị lại tủi cho phận mình bấy nhiêu. Nhìn chồng thoi thóp chờ chết trên giường bệnh, nhưng vì quá nghèo, chị không thể lấy đâu ra tiền để tiếp tục cuộc hành trình tìm thầy, tìm thuốc.
Theo lời kể của chị Vượng, vợ chồng chị lập gia đình vào năm 2010 và có với nhau một đứa con, thế nhưng đáng buồn là chưa bao giờ anh Tường bế nổi đứa con gái bé bỏng của mình vào lòng. Mọi hoạt động ăn uống, đi lại hằng ngày của anh đều phải dựa hết vào người vợ trẻ. Suốt ngày, anh chỉ nằm bất động trên chiếc giường ọp ẹp.
Nhìn con trai mình khổ sở khi cử động, ông Đặng Quốc Phượng, bố anh Tường, xót xa: “Thằng Tường trước cũng mạnh khỏe bình thường như bao thanh niên trai tráng khác. Sau khi lấy vợ được hơn 1 năm thì hắn phát bệnh. Đầu tiên hắn lên cơn sốt mạnh nằm liệt giường hơn 2 tuần. Sau đó, hắn kêu chân tay rã rời không thể cử động được và đau mỏi khắp người. Càng về sau thì hắn càng không thể nhai được cơm, tay không thể cử động và không tự mình đi lại được. Lưỡi của hắn cũng bị co ngắn làm giọng nói ngày một khó nghe, người thì cứ héo hon, teo tóp”.
Cũng kể từ đó, người vợ trẻ chạy vạy khắp nơi để vay tiền đưa chồng đi khám, chữa khắp các bệnh viện lớn từ Hà Tĩnh đến Thủ đô Hà Nội nhưng các bác sĩ vẫn không thể tìm ra căn bệnh.
Theo lời các bác sĩ, anh Tường mắc một căn bệnh rất ít xuất hiện do một loại vi-rút tấn công ăn vào tủy và chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. “Bác sĩ chẩn đoán anh ấy chỉ sống được khoảng 2 năm nữa là chết. Mẹ con tui thì nợ nần chồng chất, muốn đưa chồng đi viện để được sống thêm vài ngày nhưng nghèo quá nên đành chấp nhận để anh ấy nằm ở nhà chờ chết” – chị Vượng nức nở thuật lại lời bác sĩ.
Bất lực nhìn chồng chờ chết
Gia đình anh Tường trước căn nhà rách nát.
Cuộc sống hiện tại của gia đình anh Tường trông chờ vào 2 sào ruộng. Bố mẹ anh già yếu, bệnh tật triền miên. Người anh trai của anh Tường lại mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. Bao nhiêu lo toan đổ hết lên đôi vai mảnh khảnh của chị Vượng. Cuộc sống khó khăn, từ cây mít, cây tre trong vườn anh chị cũng kêu người bán hết để mua thuốc chữa bệnh. Mỗi lúc anh Tường lên cơn đau, gia đình chỉ dám cho anh nằm viện lâu nhất là 2 ngày vì không có tiền thuốc thang, viện phí.
Hằng ngày, chị Vượng hết làm phụ hồ lại đi vào rừng chặt củi về bán. Đến mùa gặt, chị tranh thủ đi gặt thuê nhưng cũng không kiếm đủ bữa cơm, bữa cháo qua ngày. Có nhiều bữa nhường cơm cho anh Tường ăn, mẹ con chị uống nước thay cơm cho no bụng.
Cảnh nghèo đến cùng cực càng làm cho anh chị lâm vào bế tắc. Đã không ít lần, hai vợ chồng tính đến cái chết nhưng nghĩ đứa con thơ không nơi nương tựa, anh chị lại động viên nhau sống qua ngày và mong cho con mau khôn lớn. Nói đến đây, chị Vượng sụt sùi nước mắt: “Dù nghèo đói đến mấy tui cũng chịu được nhưng nhìn chồng đau yếu nằm chờ chết, lòng tui đau chịu không nổi. Tôi chỉ mong sao ông trời phù hộ cho vợ chồng tui sức khỏe để chúng tôi được sống thêm bên nhau”.
“Đã nghèo còn mắc cái eo. Miếng ăn hằng ngày còn không lo nổi thì làm sao vợ hắn có tiền đưa hắn đi viện tìm đường chữa trị. Sự sống của hắn chỉ có thể phó thác cho ông trời mà thôi” – một người hàng xóm với anh Tường thương xót.
Ông Trần Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh, cho biết: “Gia đình anh Tường thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay qua. Điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, luôn thường trực nỗi lo thiếu đói quanh năm. Bản thân anh Tường, trước đây là lao động chính, thì lại ốm đau triền miên suốt 3 năm qua nên nợ nần chồng chất. Sống được như hôm nay cũng may nhờ bát cơm, bát cháo của bà con xóm làng giúp đỡ. Không biết anh Tường còn cầm cự được bao lâu khi kinh tế gia đình đã kiệt quệ. Mong sao có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình họ để anh Tường có thêm thuốc thang chữa bệnh và sau nữa là cho con anh được đến trường”.
Dân Việt