Những năm gần đây, doanh thu ở Công ty CP May Hà Tĩnh luôn tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước và dao động ở mức từ 19 tỷ đồng (năm 2011) đến gần 26 tỷ đồng (2013). Đây là kết quả từ nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể công ty trong việc tìm kiếm đối tác, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Khác với mọi năm, năm nay hai đối tác của công ty là Công ty CeBec Nhật Bản và Công ty Pacipic (Đài Loan) đã dành cho Công ty CP May Hà Tĩnh sự ưu ái đặc biệt với các đơn hàng phong phú, nhiều sản phẩm các loại. Bởi vậy, quý 1/2014 khép lại với doanh thu hơn 5,5 tỷ đồng, nhiều người đánh giá đó là con số vượt trội trong khi hông thường ở Hà Tĩnh từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời điểm công nhân ngành may “ngồi chơi xơi nước” do dịch vụ may mặc trên thế giới chuyển mốt sản phẩm.
Hà Tĩnh mới quan tâm đến ngành may trong mấy năm gần đây nên để nhận được hợp đồng với đối tác là vấn đề hết sức gian nan. “Nếu dễ chẳng ai nói đó là ngành may”- Giám đốc Công ty CP may Hà Tĩnh Bùi Tất Thắng khẳng định. Có 4 tiêu chí quan trọng nhất để thuyết phục đối tác ký kết hợp đồng đó là: uy tín, chất lượng, thời gian giao hàng, trình độ quản lý nguyên phụ liệu, trong đó tiến độ là cực kỳ quan trọng. Đơn đặt hàng có được duy trì hay không phụ thuộc vào 4 yếu tố này và chỉ cần không đáp ứng được một trong các yếu tố cũng có nghĩa là phải nhường “sân chơi” lại cho những đối tác mạnh hơn. Tuy nhiên ngay cả khi hợp đồng được nhiều đối tác ký kết cũng chẳng làm cho người trong cuộc cảm thấy yên tâm. Theo ông Thắng, “Công ty CP may Hà Tĩnh đang gia công theo đơn đặt hàng của Nhật Bản nên cũng khiến nhiều công ty may khác phải e dè. Bởi đây là một bạn hàng luôn đòi hỏi khắt khe các yếu tố trước khi ký kết hợp đồng”. Vậy là hợp đồng càng lớn cũng đồng nghĩa với nỗi lo lớn hơn
Đã vậy trong khi khó khăn lớn nhất hiện nay ở Công ty may Hà Tĩnh lại chủ yếu là yếu tố con người. Hay nói cách khác là trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực. Hiện tại công ty có 464 người, chủ yếu là lao động trực tiếp, trong số này không ai biết chính xác có bao nhiêu người gắn bó lâu dài với công ty, chỉ biết rằng thời điểm mùa vụ rộ lên từ tháng 4 trở đi, lãnh đạo công ty lại chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tuyển dụng thêm lao động bù đắp vào số người sau Tết Nguyên Đán ra đi.
Vấn đề theo ông Thắng thì “dân mình muốn có lương cao, nhưng đòi hỏi làm việc phải nhẹ nhàng trong khi trình độ học vấn lại thấp, thì thử hỏi đó có là yêu cầu chính đáng hay không. Bởi vậy không ký kết được hợp đồng nhiều lao động thiếu việc làm. Nhưng hợp đồng đã được ký kết cũng chưa hẳn “xuôi chèo mát mái”. Trong khi đó, theo quy chế của ngành may, chỉ trả lương cho người lao động bằng 50% tổng doanh thu, nếu tăng lên 55% doanh thu công ty hòa vốn không có lãi. Mà trả hơn nũa, phá sản là cầm chắc.
Nghề may gia công tồn tại được hay không nhờ có nhiều đơn đặt hàng, thu nhập của người lao động tăng hay giảm cũng xuất phát từ lý do đó. Bởi vậy, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, doanh thu của Công ty CP may Hà Tĩnh năm 2013 đạt hơn 25 tỷ dồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 2,6 triệu đồng/người tháng; chuyển từ ủy thác sang xuất khẩu trực tiếp.
Sắp tới, công ty hướng đến mục tiêu tăng thu nhập lên 2,8 triệu đồng/người tháng trong năm 2014. Mà muốn có lãi lớn thì phải có khoảng 3.000 lao động và cần khoảng 50 tỷ đồng để mua sắm thêm trang thiết bị nâng cao năng suất lao động. Ngặt nỗi, nguồn vốn lấy đâu ra khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất- tài sản có giá trị cầm cố để vay vốn lại bị Mitraco (Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) nắm giữ. Thế nên vòng luẩn quẩn cứ thế xoay quanh tạo áp lực rất lớn đến đội ngũ lãnh đạo công ty. Theo ông Đinh Nhật Tân, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh: “Hiện nay, đã có một số đối tác muốn liên doanh với Công ty CP may Hà Tĩnh, có thể là sát nhập hoặc đâu tư, nâng công suất từ đó Công ty mới có cơ hội đột phá, tìm kiếm thị trường”.
Thanh Tú