Cán bộ công an cũng ‘dính chàm’
Như Tiền Phong đã đưa tin, mở rộng điều tra vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, ngày 14/4, Cơ quan ANĐT – Bộ Công đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về tội "Nhận hối lộ".
Bị can Phạm Trung Kiên; Vũ Anh Tuấn và Tô Anh Dũng (từ trái sang phải). |
Cùng bị khởi tố, bắt giam về tội danh nêu trên còn có ông Phạm Trung Kiên (SN 1981), Chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế và Vũ Anh Tuấn (SN 1979), nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Hành vi sai phạm của các bị can xảy ra trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Liên quan đến vụ án, trước đó, CQĐT đã khởi tố 5 bị can về các tội “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ”, trong đó 4 bị can là lãnh đạo Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao bị cáo buộc có hành vi nhận hối lộ, gồm: bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự. Người bị điều tra về hành vi đưa hối lộ là bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình.
4 bị can bị khởi tố trước đó, trong vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. |
Nêu quan điểm cá nhân về vụ án trên, chuyên gia pháp luật cho rằng, việc ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị bắt giam về tội “Nhận hối lộ” được xem là bước đột phá trong quá trình điều tra, đúng như lời Trung tướng Tô Ân Xô từng nói tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 4 vừa qua.
Việc CQĐT khởi tố bắt giam một quan chức và cán bộ thuộc lực lượng công an cho thấy “không có vùng cấm” trong trong công tác phòng, chống tham nhũng, mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 4, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: “Hoạt động của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả Trung ương và địa phương. Đặc biệt là xảy ra trong một thời gian dài. Các đối tượng đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc. Thời gian tới sẽ có những bước đột phá mới trong vụ án này. Khi có thông tin, chúng tôi sẽ sớm thông tin cho các bạn”.
Cùng với việc khởi tố các bị can liên quan, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cung cấp danh sách chuyến bay ‘giải cứu’ phục vụ công tác điều tra vụ án nêu trên.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng được đề nghị cung cấp danh sách cá nhân được phân công tại Bộ GTVT để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay combo, giải cứu.
Người Việt ở Nhật phải chi bao tiền để được lên chuyến bay 'giải cứu'?
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, khoảng tháng 5/2021, hàng trăm lao động ở Nhật phải trả từ 50 triệu đến 60 triệu đồng/người cho các đơn vị làm dịch vụ để có suất 'giải cứu' về nước trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng tại nhiều nước.
Theo quy định tại thời điểm đó, người từ Nhật Bản về nước sẽ phải cách ly 14 ngày. Số tiền cách ly là 900 nghìn đồng/ngày x 14 ngày, tương đương với 12.600 nghìn đồng. Như vậy, số tiền còn lại người lao động phải trả chi phí cho chuyến bay tương đương từ 40 triệu đến 50 triệu đồng/người trong tổng số tiền họ phải bỏ ra nêu trên.
Trao đổi với Tiền Phong, anh Đinh Ngọc Công (ở Phú Thọ) cho biết, gia đình phải vay mượn hơn 200 triệu đồng để sang Nhật với mong muốn lao động kiếm tiền để cải thiện cuộc sống.
Tại Nhật, anh cùng nhiều lao động Việt Nam khác khá vất vả với nghề xây dựng, lắp đặt giàn giáo, buộc thép… Công việc nặng nhọc là vậy nhưng nghĩ đến cuộc sống quê nhà khó khăn, các con đang tuổi ăn tuổi học nên anh tự an ủi bản thân cố gắng.
Tuy nhiên, sang Nhật làm được một thời gian thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khiến cuộc sống của những người lao động như anh Công bị ảnh hưởng nặng nề. Gom góp tiết kiệm cũng chỉ đủ số tiền trả nợ.
Nhiều người cho rằng sang bên này kiếm tiền tốt, lương cao nhưng thực tế không phải ai cũng được như vậy. Nhiều người lao động chỉ kiếm được khoảng 10 triệu đồng/tháng trong khi phải bỏ số tiền hơn 200 triệu đồng.
"Sau khi đi được 2,5 năm thì xảy ra dịch COVID-19, nên tôi đã xin về nước. Tiền mua vé rồi ở khu cách ly hết tổng khoảng 60 triệu đồng. Thời buổi dịch bệnh, chuyến bay bị huỷ rất nhiều, cảnh người ăn ngủ ở sân bay cả tháng trời không thiếu, rồi trục trặc giấy tờ, huỷ vé. Tôi phải chờ đợi mất hơn một tháng kể từ khi mua vé mới được về. Khi máy bay cất cánh, tôi mới tạm yên tâm", anh Công nói.
Anh Công chia sẻ thêm, những người lao động đã nghỉ việc như anh rất muốn về nước sớm vì chi phí bên Nhật Bản rất đắt đỏ. Tuy nhiên, để có vé về không phải tự ý muốn mua thế nào cũng được, công ty dịch vụ đưa ra giá bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu. Gia đình anh Công phải gửi tiền sang cho anh để mua vé máy bay và ở khu cách ly. Việc ở khu cách ly tập trung của nhà nước hay địa điểm cách ly dịch vụ, anh cũng không có quyền lựa chọn, phía công ty họ sắp xếp ở đâu thì phải ở đó.
Phải 'cầu cứu' vì tiếp tục bị chặt chém
Nhiều lao động trở về nước cách ly tại khách sạn Top Hotel. Ảnh: N.L |
Thời điểm tháng 5/2021, anh Phạm Ngọc Đại (ở Hải Dương) - một lao động từ Nhật Bản về, ở cách ly tại khách sạn Top Hotel Hữu Nghị (Hà Nội) đã phải 'cầu cứu' các cơ quan chức năng và báo chí vì không chỉ bị “chặt chém” vé máy bay mà còn bị “chặt chém” cả ở địa điểm cách ly.
Trao đổi với Tiền Phong, anh Đại cho biết, theo quy định cũ, người từ Nhật Bản về phải cách ly 14 ngày, nhưng khi anh và nhiều người trong đoàn đã cách ly gần hết thời gian quy định thì cơ quan chức năng ban hành quy định mới, người từ Nhật Bản về phải cách ly 21 ngày, điều này có nghĩa trường hợp như anh Đại phải ở khách sạn thêm 7 ngày.
“Việc phát sinh thêm 7 ngày, khách sạn Top Hotel Hữu Nghị ra thông báo thu từ 1,2 triệu đến 1,7 triệu đồng/người khiến tôi và nhiều người rất bức xúc. Trong lúc khó khăn do mất việc làm, lẽ ra cần giúp đỡ nhau thể hiện tình người đằng này họ thi nhau ‘chặt chém’ ", anh Đại nói.
Cũng như anh Công, anh Đại cho biết, cuộc sống mưu sinh bên Nhật rất vất vả, những ai được làm đủ 8 tiếng là may mắn, bởi lẽ, ai cũng muốn làm nhiều để có tiền trang trải cuộc sống và trả nợ. Khổ nhất cảnh những người sang Nhật đúng thời điểm dịch bệnh, thất nghiệp cả năm trời trong khi đó số tiền vay mượn quá lớn không đủ khả năng chi trả.
Đợt dịch mỗi tháng lương được khoảng 10 triệu đồng, sau khi đã trừ tiền ăn, tiền nhà, điện nước rồi thuế. Tích cóp mãi, anh Đại cũng dư được số tiền 100 triệu đồng để chờ mua vé bay về Việt Nam, đỡ phải sống cảnh khổ cực nơi đất khách quê người.
"Để mua vé, chúng tôi phải đặt cọc qua một công ty, nhiều khi nhận được vé rồi nhưng khi lên đến sân bay bị huỷ chuyến. Lúc này nhà cửa thanh toán hết rồi lại vật vờ ở sân bay chờ thông báo mới. Cứ như vậy tôi bị lùi, hoãn, ra sân bay 6,7 lần thì cuối cùng cũng được về", anh Đại kể.
Anh Đại nói thêm, khi về Việt Nam, ở khách sạn cách ly lại tiếp tục bị "chặt chém". Cũng may mắn, lúc đó báo chí vào cuộc nên khách sạn huỷ thông báo thu từ 1,2 triệu đến 1,7 triệu đồng/người/ngày. Thay vào đó, khách sạn thu 900 nghìn đồng/ngày/người, phần nào giảm gánh nặng cho những người lao động như anh Đại và gia đình.
Thời điểm đó, ông Hoàng Tất Đạt - Giám đốc khách sạn Top Hotel Hữu Nghị giải trình như sau: Văn bản thu từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/người/ngày bao gồm chi phí cho công an, y tế, do ông Nguyễn Trung Kiên - Phó giám đốc khách sạn Top Hotel Hữu Nghị ký, văn bản này không có hiệu lực. Sau đó, khách sạn thu 900 nghìn đồng/người. |
Tác giả: Minh Đức - Ngân Anh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong