Giáo dục

Bữa ăn bán trú, đừng để phụ huynh phải suốt ngày 'rình rập', 'canh me' 'phát hiện'!

Chất lượng bữa ăn bán trú trường học liên tục phát hiện có vấn đề mấy ngày nay khiến phụ huynh nghi ngại. Bữa ăn ở trường cần được sự giám sát kỹ hơn để cùng chấn chỉnh kịp thời.

Học sinh tiểu học ở quận 1, TP.HCM trong bữa trưa tại trường - Ảnh: MỸ DUNG

Những suất ăn được chở từ nơi xa đến, qua nhiều khâu nên chuyện an toàn vệ sinh trong khâu bảo quản và vận chuyển cũng phải được lưu tâm giám sát kỹ.

Nhưng ai giám sát? Giám sát cách nào cho hiệu quả?

Đủ chuyện xấu từ bữa ăn

Nhiều học sinh một trường tiểu học ở Q.Ba Đình (Hà Nội) bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy sau bữa ăn trưa ở trường làm gia tăng thêm những lo toan, sau khi phụ huynh một trường THCS ở Hà Đông (Hà Nội) phản ánh hình ảnh suất ăn bán trú 32.000 đồng lèo tèo, không đủ lượng và chất.

Tiếp sau đó lại đến những hình ảnh một công ty cung cấp suất ăn bán trú cho trường tiểu học ở TP Thủ Đức, TP.HCM trữ thực phẩm ôi thiu, hư hỏng, bốc mùi.

Tại một trường tiểu học cũng ở TP Thủ Đức lại có thông tin "có con gì lạ" trong món đùi gà phần cơm bán trú. Phụ huynh phản ứng dữ dội khi được biết đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho trường chính là công ty trữ thực phẩm hư hỏng đang xôn xao dư luận kia.

Mỗi khi xảy ra sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm, nhà trường xin lỗi, ra quy định siết chặt chất lượng bữa ăn bán trú, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng khâu lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm, chế biến và tổ chức bữa ăn đủ lượng, đủ chất.

Nhưng những lời xin lỗi của người đứng đầu đơn vị trường học dường như chưa đủ sức xoa dịu cơn bức xúc của dư luận.

Việc tổ chức bữa ăn bán trú gắn chặt với trách nhiệm nhà trường, không chỉ yêu cầu ăn no mà còn ăn sạch, đảm bảo sức khỏe thể chất cho học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn. Cần sự giám sát và trách nhiệm cao hơn từ ban giám hiệu trong việc kiểm soát bữa ăn mỗi buổi trưa cho học sinh.

Phụ huynh phải đi "rình rập", "canh me"

Điều đáng buồn là khá nhiều vụ việc nổi cộm về nguồn cung thực phẩm có vấn đề tuồn vào trường học đều do phụ huynh "mật phục", "canh me", "rình rập", "đột kích" mới tìm được chứng cứ thuyết phục!

Một vài tín hiệu tích cực dạo gần đây chính là việc trường học mở rộng cửa đón phụ huynh vào ăn cùng trẻ, nếm cùng trẻ và thưởng thức các món ngon trong bữa ăn bán trú. Tất nhiên, khi có "khách", mâm cơm chuẩn bị tươm tất hơn.

Nhưng phụ huynh không thể và không nên hằng ngày đến trường để cùng giám sát chất lượng bữa ăn. Điều cần nhất là hiệu trưởng, thành viên ban giám hiệu chọn lọc kỹ trước khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn.

Và việc giám sát phải chặt chẽ đến từng bữa ăn, từ thực đơn đến lượng thức ăn, từ nguồn nguyên liệu, vệ sinh nơi chế biến đến cả khâu vận chuyển thức ăn đưa đến trường và cả việc vệ sinh ở nơi các con ăn trưa bán trú.

Cạnh tranh bằng chất lượng và sự ngon miệng

Nhà trường nên tạo điều kiện để đại diện phụ huynh tham gia giám sát từng công đoạn tổ chức bếp ăn bán trú, đặc biệt là khâu kiểm tra nguồn gốc thực phẩm và khâu bảo quản. Tránh tái diễn những tình cảnh bi hài khi đại diện phụ huynh phải tìm đủ cách mới biết được thực tế bữa ăn hoặc nhà trường phải đối phó với phụ huynh về việc này.

Nếu phụ huynh thấy bữa ăn bán trú được tổ chức tốt, ai cũng yên tâm. Và quan trọng nhất là ban giám hiệu nhìn vào sự hài lòng của chính học sinh: trẻ ăn có ngon miệng không, có no bụng không, bỏ thừa (nếu có) thì vì sao... để cùng nhau chấn chỉnh, thay đổi.

Ngộ độc thực phẩm không đơn thuần chỉ là một trận ốm! Những bữa ăn khó nuốt và nhiều lần đau bụng với cơm ở trường thật sự là ám ảnh với học sinh đến mức phải bỏ bữa hoặc ăn chút ít qua cơn đói, nhiều năm sau nhớ về bữa ăn ở trường vẫn còn "sợ".

Đáng buồn, đây là sự thật, cũng không quá cá biệt. "Di chứng" những bữa ăn kém chất lượng còn ở chuyện trẻ không đủ chất, phần nào ảnh hưởng sự tăng trưởng thể chất.

Phụ huynh thật sự cảm ơn nhà trường đã lo cho các con bữa ăn bán trú. Trong điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, nhiều trường không thể tổ chức nấu những bữa ăn nóng ngay tại trường.

Khi chuyện nấu cơm bán trú thành dịch vụ với nhiều đơn vị tham gia tất sẽ phát sinh cạnh tranh nhau bằng nhiều cách. Nhưng với học trò đang lớn, những bữa ăn đủ no, thơm ngon và sạch sẽ là điều quan trọng nhất! Và cạnh tranh bằng chất lượng dinh dưỡng và sự ngon miệng cho trẻ mới chính là cạnh tranh lành mạnh nhất.

Tác giả: Trang Nguyễn

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP