Năm học 2018-2019, ngoài số giáo viên theo biên chế được giao, Ủy ban nhân dân huyện Đắk Song đã có công văn “xin” UBND tỉnh Đắk Nông cho hợp đồng thêm 50 giáo viên ngoài biên chế để đảm bảo công tác dạy và học.
Giáo viên trường mầm non Hoa Mai (xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông) làm dụng cụ học tập cho học sinh. Ảnh: dantri.com.vn |
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Song, năm học 2018-2019, toàn huyện có gần 18.000 học sinh. So với các quy định hiện hành, Đắk Song còn thiếu hơn 100 giáo viên. Như vậy, sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý cho hợp đồng thêm, huyện vẫn còn thiếu hơn 50 giáo viên.
Ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền tăng biên chế giáo dục, huyện đã có nhiều giải pháp để ổn định công tác dạy và học. Trong đó, Đắk Song đã vận động, khuyến khích nhân viên văn thư, y tế học đường, văn phòng… tham gia học văn bằng hai hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để chuyển sang giảng dạy, nhất là đối với cấp học mầm non.
Việc “chuyển đổi” này được thực hiện từ năm học 2017-2018 với 8 giáo viên. Nhìn chung, các thầy cô tiếp cận nhanh và đáp ứng tốt nhiệm vụ dạy học. Năm học này, toàn huyện có gần 50 nhân viên đang tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và sẽ được xét duyệt để chuyển đổi.
Ngoài ra, Phòng cũng tổ chức, sắp xếp để các thầy cô, nhất là ở bậc học trung học cơ sở giảng dạy liên trường một số môn học để đảm bảo đủ số tiết theo quy định và chấm dứt việc thiếu giáo viên cục bộ. Huyện cũng thực hiện rà soát cắt giảm một số điểm trường và sáp nhập một số trường để bớt biên chế lãnh đạo, cán bộ quản lý.
Theo ông Vũ Tá Long - Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, dự kiến các năm tới đây số học sinh tiếp tục tăng. Huyện đang kiến nghị UBND tỉnh bổ sung thêm giáo viên, xem đây là giải pháp căn cơ để ổn định việc dạy học. Trước mắt, huyện Đắk G’long tiếp tục rà soát để sắp xếp lại các điểm trường cũng như một số trường nhằm tiết kiệm biên chế giáo dục theo hướng ưu tiên cho giáo viên trực tiếp đứng lớp. Đối với các trường dôi dư cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý không đủ chuẩn thì không bổ nhiệm lại mà chuyển sang làm giáo viên đứng lớp.
Cũng theo ông Vũ Tá Long, do số giáo viên cả diện biên chế lẫn hợp đồng không đáp ứng đủ cho việc dạy học nên nhiều năm nay, một số trường trên địa bàn phải tổ chức cho giáo viên dạy tăng tiết. Đến nay, UBND huyện vẫn còn nợ giáo viên dạy tăng tiết năm học 2017-2018 với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Chủ trương của UBND tỉnh Đắk Nông là các huyện tự cân đối kinh phí để chi trả nhưng đến nay huyện Đắk G’long vẫn chưa cân đối được và đang kiến nghị ngành chức năng hỗ trợ, tháo gỡ.
Tại thị xã Gia Nghĩa và một số địa phương khác của tỉnh Đắk Nông, một số trường mầm non, tiểu học đã phải lên phương án huy động phụ huynh học sinh đóng góp tiền để chi trả cho giáo viên khi tổ chức học bán trú (đối với cấp học mầm non) và các môn tự chọn (như tiếng Anh đối với cấp tiểu học). Đây đều là các giải pháp tình thế, trong bối cảnh học sinh tăng liên tục nhưng biên chế giáo viên không được điều chỉnh tăng theo.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo và ngành Giáo dục đang thực hiện rà soát để sắp xếp lại biên chế ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Từ nay đến năm 2021, một số trường, điểm trường sẽ sáp nhập hoặc chấm dứt hoạt động để giảm bớt các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhân viên hành chính. Giáo viên một số trường tại các huyện đã ổn định và có chiều hướng giảm dần số học sinh như Cư Jút, Đắk Song, Đắk Mil sẽ được sắp xếp, điều chuyển công tác đến các huyện, thị đang thiếu hụt giáo viên. Biên chế giáo dục cũng được tinh giản, sắp xếp lại theo hướng ưu tiên cho giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Sở Nội vụ, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ có giải pháp để tỉnh tăng biên chế chuyên môn, trong bối cảnh Đắk Nông là tỉnh ở khu vực Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, dân di cư không theo quy hoạch liên tục tăng từ khi thành lập (năm 2004) đến nay.
Tác giả: Hưng Thịnh
Nguồn tin: TTXVN