Trong nước

Bộ trưởng VH,TT&DL đã thuyết phục người dân không cướp phết thế nào?

Trong buổi sơ kết mua lễ hội 2017, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, bản thân ông đã phải trực tiếp thuyết phục người dân không cướp phết Hiền Quan tự do…

Ngày 24/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức Xuân Đinh Dậu năm 2017 nhằm đánh giá kết quả, xác định những điểm còn hạn chế, từ đó định hướng quản lý va tổ chức lễ hội trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đề nghị các đại biểu dự hội nghị không nói chung chung mà cần đi vào thực chất, thẳng thắn trao đổi, chỉ rõ những mặt còn hạn chế cùng các kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết để mùa lễ hội năm 2017 đạt được kết quả tốt nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết: Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ. (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu. 90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam bỏ tục đâm trâu; lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn như mùa lễ hội trước…

Toàn cảnh hội nghị sơ kết công tác lễ hội năm 2017

Bộ Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL lấy ví dụ, trước đây hội Hiền Quan tổ chức cho người dân cướp phết tự do, nay chỉ cho 100 thanh niên chia 2 đội tham gia. “Đích thân tôi cùng các nhà khoa học đã nhiều lần lên hội thảo, thuyết phục người dân. Lúc đó chúng tôi nghĩ rất khó. Nhưng một năm ròng rã, cuối cùng người dân cũng chấp thuận không tổ chức cướp phết tự do nữa”, ông Thiện nói và phân tích, ranh giới an toàn với không an toàn ở đám đông khó đoán biết và kiểm soát. Do đó, phải ngăn chặn bạo lực, hành vi phản cảm bằng việc giới hạn số lượng người tham gia.

Người dân đua nhau cướp phết ở lễ hội Hiền Quan 2017. Ảnh Giang Huy

Tuy vậy, ở một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quan lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn,” “phát ấn” tại lễ hội xuân Đinh Dậu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung Nghệ An…

Mặt khác, hiện tượng phản cảm như chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc, ngả nón xin tiền tại hội Hội Lim, tỉnh Bắc Ninh… Đặc biệt, một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội như báo chí đã phản ánh…

Đứng về phương diện quản lý lễ hội trên địa bàn Hà Nội, ông Tô Văn Động, GĐ Sở VHTT Hà Nội cho rằng, Hà Nội có 1200 lễ hội, sau Tết diễn ra được 2/3 số này nhưng ngoài việc làm được thì vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là những tồn tại mang tính truyền thống, phải giải quyết từ từ, có nguyên nhân khách quan, chủ quan, các cấp các ngành phải vào cuộc cùng văn hóa.

Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH,TT Hà Nội

“Năm nào cũng tổ chức, năm nào cũng chấn chỉnh, năm nào cũng thanh tra kiểm tra, nhưng nó vẫn có những tồn tại. Công tác thanh tra, kiểm tra năm nào cũng diễn ra, nhiều đoàn thanh tra lắm, nhưng vẫn chỉ khen là nhiều. Có năm, anh em báo cáo có đoàn thanh tra cũng to lắm về thanh tra, xong làm lễ dâng hương, xong khen công tác tổ chức tốt, đến lượt chúng tôi về chê họ lại bảo các anh thanh tra khen tốt, sao chúng tôi chê? Quả thật khó nói lắm, không thanh tra kiểm tra thật, đi đến đó lễ rồi khen nhau”, ông Tô Văn Động nêu vấn đề.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đồng tình cho rằng đa số các lễ hội đã có chuyển biến tích cực, công tác vận động, tuyên truyền để cộng đồng nhân dân thay đổi nhận thức chưa đúng về lễ hội, chuyển đổi sang cách tổ chức tốt hơn, hạn chế được hình ảnh phản cảm đã được thực hiện tốt. Những vấn đề bất cập, phản cảm trong lễ hội được hạn chế rất nhiều.

Nhiều ý kiến thẳng thắn nêu rõ các vấn đề bất cập, phản cảm ở lễ hội mùa Xuân năm nay cũng chính là những tồn tại ở các mùa lễ hội trước và cần có thời gian, biện pháp lâu dài để giải quyết chứ không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều. Mặt khác, nhiều đại biểu cũng đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm của những bên liên quan trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội để có thưởng-phạt nghiêm minh chứ không nên “đổ” hết cho cơ quan quản lý nhà nước…

Cảnh phát lộc ở chùa Hương gây phản cảm trong mùa lễ hội 2017

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định những hình ảnh phản cảm, không đẹp của lễ hội cần phải khắc phục nhằm giảm bớt, tiến tới khắc phục triệt để, đảm bảo lễ hội diễn ra đúng tinh thần văn minh. Việc loại bỏ dần những nghi lễ, tập tục chưa phù hợp ở các lễ hội truyền thống cũng không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải có sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng hiểu và tự nguyện làm theo cách thức mới thì hiệu quả mới bền vững.

Chốt lại buổi sơ kết, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nhiệm vụ trước mắt, tồn tại yếu kém trong quản lý lễ hội phải được khắc phục ngay, nếu lỗi của ngành văn hóa thì ngành phải kiểm điểm, nếu lỗi của BTC thì chính quyền địa phương phải kiểm điểm. “Khen, thưởng, kỷ luật, kiểm điểm, phải nghiêm minh, rõ ràng, minh bạch”- Bộ trưởng nhận định.

Lạc Thành

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP