Liên quan đến sự cố môi trường của Formosa Hà Tĩnh, chưa có ai nhận trách nhiệm nhà nước thưa ông?
– Toàn bộ công việc xử lý sự cố này Đảng và Nhà nước đã khẩn trương, triệt để, giải quyết đồng bộ các vấn đề. Tuy nhiên, có vấn đề xem xét, kiểm điểm lại trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước các cấp. Việc đó đòi hỏi khách quan, theo đúng quy định.
Hiện nay, Đảng có Ủy ban Kiểm tra, Nhà nước có Thanh tra, các cơ quan có các cấp ủy Đảng, ban cán sự… Các quá trình đều làm từ dưới lên trên, làm rất kỹ, thống nhất, khi có kết quả sẽ có công bố với toàn dân, không có gì né tránh che đậy.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Phần Bộ TNMT việc kiểm điểm liên quan đến sự cố môi trường của Formosa được thực hiện thế nào thưa ông?
– Việc này Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang vào kiểm tra trực tiếp các dấu hiệu. Về phía Bộ TNMT, ban cán sự Đảng đã kiểm điểm, đã báo cáo, đang chờ cấp trên xem xét, có kết luận. Tất cả làm theo trình tự minh bạch. Khi tiến hành đánh giá về một tổ chức, con người thì mình phải làm rất đúng quy trình, các quy định có liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã nói tất cả những việc đó sẽ làm, làm xong sẽ công bố cho nhân dân biết.
Liên quan đến sự cố môi trường của Formosa, Bộ trưởng đã ký quyết định kỷ luật một số cán bộ?
– Việc này đang được triển khai. Hiện nay, Bộ trưởng chưa ký một quyết định nào.
Đối với những người liên quan nhưng đã về hưu sẽ xử lý thế nào thưa ông?
– Đối với những người đã nghỉ hưu, có cấp ủy ở đó xử lý, có Ủy ban kiểm tra Trung ương theo thẩm quyền sẽ xem xét xử lý. Tất cả mọi việc sẽ làm theo quy định về công tác kiểm tra của Đảng, quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ.
Trước nay chúng ta chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường, trong tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới đây phải đặt vấn đề này lên thế nào thưa ông?
– Một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là mô hình phát triển của chúng ta. Trong báo cáo nhận định trước đây nền kinh tế phải ưu tiên cho phát triển, ưu tiên cho đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế đó chủ yếu thâm dụng vào tài nguyên, chi phí môi trường, tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của mình thấp hơn các nước.
Tới đây, có hai việc phải làm. Sẽ rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất từ trước tới nay, trên cơ sở đó có lộ trình, có giải pháp để các doanh nghiệp tuân thủ. Đồng thời cũng rà soát lại danh mục, các nhà đầu tư, các ngành, lựa chọn những ngành có khả năng gây ô nhiễm cao đưa vào danh mục để tập trung quản lý, kiểm soát riêng.
Đặc biệt trong sản xuất, chúng ta sẽ nâng tiêu chuẩn môi trường lên, kèm theo đó huy động nguồn lực từ bên ngoài để hiện đại để đáp ứng vấn đề môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tiến tới cần phải hình thành một ngành công nghiệp về xử lý môi trường, ngành dịch vụ đầu tư xử lý môi trường. Ngành công nghiệp xử lý môi trường sẽ có vị trí quan trọng trong các ngành phát triển kinh tế, nó tạo công ăn việc làm, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế -xã hội nói chung.
Xin cảm ơn Bộ trưởng (!)