Trong nước

Bộ trưởng thăm khu tiêu hủy hải sản nhiễm độc ở Hà Tĩnh

Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã thị sát tình hình kinh doanh hải sản cấp đông và kiểm tra quá trình tiêu hủy hải sản nhiễm độc tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Bộ trưởng thăm khu tiêu hủy hải sản nhiễm độc ở Hà Tĩnh
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiểm tra hải sản tại các kho đông lạnh

Phản ánh với đoàn công tác của Bộ trưởng, người dân huyện Lộc Hà cho biết, sau sự cố biển, người dân luôn tuân thủ các chỉ đạo trong bảo quản, tiêu thụ hải sản.

Với hải sản bị nhiễm độc, tiểu thương đã phối hợp với lực lượng chức năng niêm phong, không tung ra thị trường tiêu thụ, bảo quản đến thời điểm đưa đi tiêu hủy.

Tuy nhiên, một số người dân cũng cho biết, do ảnh hưởng sự cố nên lượng hải sản sạch được thu mua trước tháng 4 đến nay không thể bán được….

Chị Trần Thị Hiền – chủ cơ sở đông lạnh Thanh Hiền (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết, gần 90 tấn hải sản lưu kho từ tháng 4 đến nay, lúc mua về là hải sản sạch, nhưng cất giữ quá lâu, chất lượng đã xuống cấp không thể đem bán.

“Số tiền đầu tư lớn, cộng thêm chi phí điện, lãi ngân hàng, tiền thuê nhân công khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng. Chúng tôi mong muốn Chính phủ nhanh chóng đưa ra mức hỗ trợ hợp lý để giải nguy cho người dân” – chị  Hiền than.

Bộ trưởng thăm khu tiêu hủy hải sản nhiễm độc ở Hà Tĩnh
Hàng trăm tấn cá nhiễm độc sẽ được chôn lấp tại cụm công nghiệp Lộc Hà.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp Hà Tĩnh thời gian qua đã thu mua cá cho người dân.

“Qua xét nghiệm, đối với cá không đạt yêu cầu, nhiễm độc thì sẽ đưa đi tiêu hủy” – Bộ trưởng nói và đưa ra giải pháp: “Bây giờ có giá rồi, tỉnh sẽ sớm công bố áp giá để đền bù cho người dân. Đối với cá sạch thì người dân cần chủ động bán hàng, dọn sạch kho để tiếp tục mua cá mới về kinh doanh”.

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng đã kiểm tra khu tiêu hủy hải sản nhiễm độc tại cụm công nghiệp Lộc Hà (xã Hồng Lộc).

Gần 300 tấn cá không đạt tiêu chuẩn sẽ được tiêu hủy, còn hơn 2.100 tấn cá sạch sẽ động viên người dân đưa ra thị trường tiêu thụ.

“Công tác tổ chức, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương trong quá trình vận chuyển, bốc xếp cá nhiễm độc về khu vực tiêu hủy là rất tốt, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ” – Bộ trưởng nói.

“Địa phương tích cực nhất”

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh trong buổi chiều, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh báo cáo, tình hình nuôi trồng tại Hà Tĩnh đã khôi phục trở lại, hiện có khoảng 80% số tàu ven bờ, 80-90% tàu xa bờ hoạt động.

Bộ trưởng thăm khu tiêu hủy hải sản nhiễm độc ở Hà Tĩnh
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh

Hiện đã chi trả đền bù 507 tỷ đồng, một số địa phương còn lại sẽ thực hiện xong trong năm nay. Hơn 295 tấn hải sản bị nhiễm độc sẽ được tiêu hủy xong trong vài ngày tới.

Ông Sơn cho biết, hiện tại Hà Tĩnh còn tồn 1.292 tấn hải sản, trong đó 150 tấn sứa đã hư hỏng hoàn toàn; 1.142 tấn hải sản phần lớn đã xuống cấp, tuy nhiên tỉnh chưa xác định được mức độ ảnh hưởng để áp giá hỗ trợ.

“Một lượng lớn hải sản an toàn nhưng do để lâu nên đến nay hư hỏng. Ngoài ra còn có khoảng 339 tấn hải sản khô chưa được Bộ Y tế hướng dẫn lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Tuy vậy, hiện chưa có quy định hàng quá hạn đối với hải sản đông lạnh, hải sản khô” – ông Sơn nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá: “Hà Tĩnh là địa phương tích cực nhất trong việc thực hiện chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường”.

Bộ trưởng cho biết, hiện có nhiều loại hải sản không nằm trong danh mục hỗ trợ theo quyết định 1880, đây là hải sản phát sinh thêm, được người dân thu mua trước ngày xảy ra sự cố.

Bộ trưởng yêu cầu tỉnh nhanh chóng thành lập hội đồng kiểm kê  những loại hải sản phát sinh. Đối với hải sản không đảm bảo, do xuống cấp sẽ tách ra, báo cáo với Chính phủ để có biện pháp xử lý.

Lê Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP