ộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: “Mới đây tôi đã chủ trì một cuộc tọa đàm nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp giải quyết áp lực của giáo viên tại trường đại học Sư phạm Hà Nội; tôi cũng vừa hoàn thành chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái để gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh.
Áp lực của giáo viên đến từ nhiều phía như từ phụ huynh, từ người quản lý, từ học sinh, từ chế độ, chính sách, từ truyền thông… Có nhiều việc phải cần thời gian mới giải quyết được nhưng trước mắt, có những việc ngành Giáo dục có thể làm ngay để giảm áp lực cho giáo viên”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với các giáo viên trong chuyến công tác tại Yên Bái vào cuối năm 2018. |
Tư lệnh ngành giáo dục cũng cho biết, ông đã nhận được nhiều ý kiến của giáo viên về áp lực đến từ thủ tục hành chính, sổ sách quá nhiều.
“Về việc này, Bộ đã rà soát và cắt giảm rồi nhưng tới đây sẽ tiếp tục cắt giảm nữa, cắt giảm tối đa để giáo viên chuyên tâm cho hoạt động chuyên môn. Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả.
Vấn đề tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giáo viên hàng năm còn hình thức, chồng chéo, chưa hiệu quả cũng là điều giáo viên đã nói nhiều. Tới đây, Bộ sẽ rà soát lại toàn bộ và có những thay đổi về nội dung, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng. Để làm sao bồi dưỡng, tập huấn phải trở thành nhu cầu tự thân của giáo viên, cán bộ quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả không việc, chứ không chỉ là “ghi tên, điểm danh” như hiện nay”, ông Nhạ nói.
Cuối cùng khi được hỏi về một từ khóa cho năm 2019, Bộ trưởng trả lời: “Tôi sẽ chọn cụm từ: “Giảm áp lực cho giáo viên”.
Tác giả: Công Luân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin