Việt Nam khác thế giới
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chỉ thẳng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa mang tính chất chung chung quá. Đánh giá như hình thức để qua mắt được để đầu tư.
Ảnh minh họa |
PGS.TS Phùng Chí Sỹ – Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường cho biết, việc đó là dễ hiểu. Nguyên nhân theo ông Sỹ là do tư duy, quan điểm và cách nhìn nhận của Việt Nam đang đi ngược với thế giới.
Vị chuyên gia phân tích, theo thông lệ quốc tế, công cụ đánh giá tác động môi trường chính là công cụ dự báo được sử dụng như một cơ sở để các cơ quan quản lý xem xét cấp giấy phép đầu tư. Nói cách khác, đây chính là điều kiện quyết định dự án có được cấp phép hay không.
Dự án sau khi được cấp giấy phép đầu tư và đi vào xây dựng nhà máy khi đó nhà đầu tư mới xây dựng một chương trình bảo vệ môi trường hay còn gọi là kế hoạch bảo vệ môi trường.
Đây chính là kế hoạch bảo vệ môi trường chi tiết, cụ thể thể hiện rõ quy trình xử lý nước thải ra sao, phương pháp xử lý nước thải thế nào. Sử dụng công nghệ nào, máy móc, thiết bị ra sao….
“Chương trình bảo vệ môi trường này mới là cơ sở giám sát, đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian hoạt động về sau.
Đây cũng chính là căn cứ để các cơ quan quản lý có thể dễ dàng giám sát, kiểm tra cũng như là cơ sở đưa ra các hình thức xử phạt nếu phát hiện sai phạm của doanh nghiệp”, vị chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, PGS.TS Phùng Chí Sỹ lại cho rằng chúng ta đang làm khác thế giới. Như ông phân tích, thế giới chỉ coi báo cáo đánh giá tác động môi trường là cơ sở để cấp giấy phép đầu tư thì tại Việt Nam lại coi báo cáo đánh giá tác động môi trường chính là cơ sở để quản lý doanh nghiệp trong suốt quá trình sau này.
Theo vị PGS, đây chính là nguyên nhân dẫn tới những sai phạm của các doanh nghiệp trong quá trình đi vào hoạt động.
Vì theo ông, báo cáo đánh giá tác động môi trường được xây dựng trong giai đoạn mới lên ý tưởng chưa hình thành dự án, chưa có gì cụ thể từ khâu thiết kế chi tiết, hay tổ chức đấu thầu, cho tới xây dựng nhà máy, sử dụng thiết bị, công nghệ… tất cả còn mù mờ, chưa rõ ràng là không phù hợp với thực tế.
Trong khi dự án càng lớn, với hàng trăm, hàng nghìn hạng mục khác nhau thì lại càng khó phác họa chi tiết.
“Một dự án mới hình thành trên ý tưởng, chưa có thiết kế, chưa được cấp phép mà đã bắt phải khái quát toàn bộ quy trình hoạt động, xả thải, bảo vệ môi trường là hoàn toàn không khả thi”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, chính vì báo cáo chung chung là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt những sai phạm khác tại Formosa, từ việc tự ý đổi công nghệ cho tới việc thay đổi thiết kế đường ống xả ngầm…
Ông lấy ví dụ, trong báo cáo chỉ quy định xây bể điều hòa nhưng không quy định rõ bể điều hòa đó diện tích là bao nhiêu khối. Đây là kẽ hở để doanh nghiệp có thể lợi dụng làm liều. Thông thường, khi đi vào hoạt động, lẽ ra với công suất hoạt động của doanh nghiệp thì cần phải có bể chứa khoảng 1000m3 nhưng để tiết kiệm điện doanh nghiệp chỉ xây bể 500m3. Hay quy định không gây ô nhiễm môi trường nhưng lại không nói rõ môi trường gì.
Như vậy, nếu doanh nghiệp cho rằng không cho xả thải ra biển thì có thể xả thải trên bờ cũng khó xác định được sai phạm của doanh nghiệp do quy định không cụ thể nói trên. Về phía cơ quan quản lý cũng gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở để xác định vi phạm.
Từ những phân tích trên, ông Sỹ cho rằng giải pháp cho Việt Nam trong công cuộc ngăn chặn công nghệ rác cũng như giải quyết các vướng mắc trong bảo vệ môi trường là phải áp dụng thông lệ của quốc tế.
Không thể nương tay
Rất đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng Bộ TNMT – Trần Hồng Hà liên quan tới nhứng sai phạm tại Formosa. Bà Trần Quốc Khánh ĐBQH Hà Nội chỉ thêm lỗ hổng trong quá trình thu hút đầu tư.
Theo bà Khánh, có tình trạng như Formosa là do chủ trương thu hút đầu tư FDI của Việt Nam những năm qua còn đang nặng về thành tích, chạy theo dự án mà chưa chú trọng tới bảo vệ môi trường.
Chính do chủ trương thu hút đầu tư đang đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu nên mới có câu chuyện xảy ra sai phạm rồi mới bắt tay vào kiểm tra, thanh tra, hoặc lúc đó mới bắt đầu tìm tới trách nhiệm.
“Trên thực tế tôi biết có nhiều dự án thậm chí còn bỏ qua cả khâu báo cáo đánh giá tác động về môi trường. Cũng có nhiều địa phương cũng chấp nhận cách làm qua loa, sơ sài, báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính hình thức để có được dự án. Vì thế, đã có câu chuyện Sở TNMT địa phương không muốn nhưng vẫn gật đầu chiều theo ý lãnh đạo”, bà Khánh nói.
Bà cũng chỉ ra, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân cũng là một trong những lý do để lọt những dự án “bẩn”.
“Formosa là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang có tư duy bất chấp tất cả để chạy theo lợi ích, kể cả lợi ích cá nhân và lợi ích địa phương. Những dự án không vì mục đích phát triển, không vì lợi ích chung của người dân sớm hay muộn cũng đều phải trả giá ”, bà Khánh cảnh báo.
Vì thế, vị nữ đại biểu kiến nghị cần phải xử lý nghiêm khắc với những sai phạm tại Formosa, kể cả xử lý hình sự.
“Bộ luật hình sự đã có quy định rất rõ với những sai phạm về môi trường, do đó, cần phải dựa vào luật để xử lý thật nghiêm minh”.
Mai Nguyên