Năm 2010, trong một lần theo chân đoàn từ thiện vào Hà Tĩnh, tác giả Đỗ Mạnh Cường đã tình cờ gặp hai anh em song sinh bị bạch tạng toàn phần Châu Xuân Huy và Châu Xuân Hùng. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút và không chuẩn bị đầy đủ nên anh phải trở về Hà Nội sớm. Sau này, khi được nghe về thể loại ảnh tư liệu trong buổi nói chuyện của hai nhiếp ảnh gia Hải Thanh và Maika, Đỗ Mạnh Cường đã quyết định tìm lại cặp song sinh bạch tạng để thực hiện bộ ảnh.Và bộ ảnh Twins được thực hiện theo thể loại ảnh tư liệu ra đời, với mục đích tìm hiểu về cuộc sống của hai anh em song sinh ở vùng rốn lũ của Hà Tĩnh. Huy và Hùng sinh năm 2002, hiện đang học lớp 5 và chỉ sống cùng bố. Mẹ hai em sang Lào làm thuê, chị gái lớn đã lấy chồng, hai anh trai thì vào Sài Gòn lập nghiệp, thỉnh thoảng mới về chơi. Do mắt yếu nên việc học đối với hai em chỉ là để hòa nhập cộng đồng.Khởi đầu, tác giả chỉ muốn tìm hiểu về cuộc sống của hai cá thể mang nét riêng biệt. Nhưng sau đó, anh đã thực sự ấn tượng về cách sống rất tự nhiên và đơn giản của hai em mà chính anh cũng thấy có nhiều điều để học tập.Mời độc giả cùng xem bộ ảnh Twins của tác giả Đỗ Mạnh Cường, biên tập bởi nhiếp ảnh gia Hải Thanh:
Chiếc giường cũ vừa là chỗ ngủ, vừa là chỗ chơi của hai anh em. Giường được ghép bằng những tấm ván gỗ, hơi gồ ghề nhưng rất chắc chắn.Hai anh em sinh đôi tuy rất giống nhau nhưng Huy (bên phải) hơi nhỉnh hơn em trai về chiều cao. Tính cách cả hai cũng có sự khác biệt rõ rệt, Huy mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn. Nếu cái gì không thích, cậu sẽ không nghe và tỏ thái độ dỗi hờn, còn Hùng thì hiền lành hơn. Cả 2 anh em đều thông minh, hay tò mò, nhất là về những thứ liên quan đến điện tử, máy móc.Con đường từ nhà đến trường nơi hai em theo học đang được xây dựng. Huy đi ở dưới con đường cũ trong khi Hùng tinh nghịch chạy lên con đường mới đang làm dở, ngổn ngang đất đá.Tuy tính cách có sự khác biệt rất rõ nhưng hai em luôn quấn quýt và gần như không bao giờ cãi vã. Khi có đồ chơi mới, hai cậu nhóc sẽ phân định thời gian rạch ròi. Cứ nhìn đồng hồ, hết giờ đứa này chơi là đến lượt đứa kia.Do thị lực không tốt nên ngoại trừ lúc đi học, Huy và Hùng ít khi ra ngoài chơi nếu không có các anh trai đưa đi. Không gian ngủ nho nhỏ cũng chính là nơi các em bày đủ trò chơi, hết nhào lộn lại đến trồng cây chuối.Dù chỉ sinh trước em ít phút nhưng mỗi hành động nhỏ của Huy đều thể hiện sự bảo vệ, che chở của người anh.Ngôi làng nhỏ không có nước sạch nên hầu như nhà nào cũng có một giếng nước. Nhà của hai anh em cũng không có phòng tắm nên Huy và Hùng thường tắm ngoài vườn, ngay bờ giếng. Nước đã được anh trai hoặc bố kéo sẵn lên, nếu anh trai hoặc bố bận thì hai em phải tự kéo nước tắm.Giờ học buổi sáng bắt đầu lúc 7h nhưng hai em thường ra khỏi nhà trước 5h30. Cũng giống như các bạn cùng lớp, Huy và Hùng thích đến sớm để có thời gian vui chơi trước giờ vào lớp.Dậy sớm, hai em tranh thủ ngồi xem phim trước khi đến trường. Mọi sinh hoạt của hai em đều là tự giác do bố bận công việc nên thường đi cả ngày, mẹ thì đi làm xa, các anh chị đều bận công việc riêng.Chiếc xe đạp cũ này từng là phương tiện đi học của 2 anh em. Hiện chiếc xe đã hỏng mà chưa sửa vì gia đình không có tiền.Dù là trong sự tương đồng hay khác biệt, những người xung quanh luôn cảm nhận rõ sự thân thiết, nhường nhịn, chia sẻ giữa hai anh em. Qua khe hở của căn bếp, hai anh em nhìn ngắm lọ hoa cúc được Hùng trồng trong vỏ chai nước khoáng cắt ngang thân. Đôi mắt của hai em có màu rất đặc biệt. Mắt Hùng có màu xanh lam, còn mắt Huy hơi hồng. Sau khi được hỗ trợ xây nhà tình thương, căn nhà gỗ cũ ngày trước của gia đình được chuyển sang làm bếp. Bức ảnh chụp Huy và Hùng trêu đùa nhau qua khe hở của căn bếp.Hiện tại, Huy và Hùng chỉ sống cùng bố. Mẹ hai em sang Lào làm thuê, chị gái lớn đã lấy chồng, hai anh trai thì vào Sài Gòn lập nghiệp, thỉnh thoảng mới về chơi.Do nằm giữa vùng lũ, năm nào cũng bị ngập nên ngôi nhà mới được xây trên nền đất tôn cao. Lối vào nhà là một con đường đất nho nhỏ.Bức ảnh được chụp khi tác giả tới nhà hai em lần thứ 3. Bố các em đi vắng từ đêm trước, anh trai cũng không có nhà. Buổi sáng hai em ăn mì gói, buổi trưa đồ ăn chỉ có cây bắp cải héo và mấy quả trứng. Hai cậu nhóc đã trổ tài nấu nướng cho “chú chụp ảnh” ăn, với điều kiện chú phải thái bắp cải vì mắt các em kém, không thái được. Trong ảnh, Huy đang xào bắp cải với mắm tép rồi gọi Hùng vào thử. Đĩa trứng vừa chiên xong trước đó được đặt ngay ngắn trên chạn bát.Huy và Hùng cùng lũ trẻ trong làng háo hức đi xem gánh xiếc rong đến biểu diễn.Trên đường đi xem xiếc, hai em ghé vào tiệm tạp hóa mua kẹo. Cặp song sinh sống hồn nhiên như cây cỏ, vui sướng và hạnh phúc với những thứ giản dị, như việc sửa được chiếc đầu thu để xem tivi, hay nguệch ngoạc dăm ba hình hoa lá, cỏ cây bằng bút sáp màu lên cuốn vở vẽ được một chị ở Hà Nội gửi tặng. Có đồ chơi gì thì chơi đồ chơi ấy, có cái gì hay thì xem cái đó, có đồ ngon thì tốt, không thì cơm canh đạm bạc cũng không hề kêu ca, rất ít khi người ta thấy hai cậu nhóc xin hay đòi hỏi gì ở ai.Dù ngoại hình có hơi khác biệt nhưng điều đáng mừng và cũng thật đáng trân trọng khi gia đình, nhà trường và địa phương đã cho hai em một cuộc sống hoàn toàn bình thường. Ở trường, Huy và Hùng chơi đùa với bạn bè rất hòa đồng, hàng xóm láng giềng cũng luôn để mắt tới hai em. Có vài lần, thanh niên làng chọc ghẹo hoặc làm đau hai cậu bé, nhưng chỉ là thi thoảng và các em cũng quên ngay như bao đứa trẻ khác.Lũ trẻ chia thành từng đôi, xếp thành từng đội chơi trò đá ngựa. Dù thuộc diện cao to so với chúng bạn nhưng đội của hai anh em sinh đôi thường xuyên thua vì chỉ với 2 đôi nam, các em chấp 5 đôi bạn gái. Hơn nữa, các bạn nam chỉ đá theo luật của cuộc chơi, còn đội nữ thì cấu, véo, đạp, kéo đủ cả. Hai chiếc chong chóng người lớn mua cho vào đêm đi xem xiếc được hai cậu lấy dao chặt đầu chặt đuôi, bẻ cánh làm thành chiếc thánh giá, rồi rủ nhau chui vào góc tối bật lên để ngắm.Anh trai của Huy và Hùng đang thổi bong bóng xà phòng cho hai em chơi.Ở trường hai em có một khe tường nhỏ, các bạn đều có thể dựa lưng vào vách này, đạp chân vào vách kia để leo dần lên cao. Riêng Huy và Hùng, do chân tay dài quá khổ nên không thể tham gia chơi trò này được, đành phải đứng dưới.
Afamily