Giáo dục

Bí quyết ôn tập khối A thi THPT Quốc gia những ngày 'nước rút' của thủ khoa Hà Tĩnh

Hơn một tháng trước thời điểm diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là khoảng thời gian khá áp lực, lo lắng của sĩ tử. Với khối A đầy những công thức, con số, làm thế nào để hệ thống hóa mọi thứ trong những ngày “nước rút”, là điều khiến các em băn khoăn. Chia sẻ của Thủ khoa khối A năm ngoái sau đây hy vọng giải tỏa phần nào những căng thẳng này.

Tránh phân tâm

Nguyễn Quang Dũng là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) - Thủ khoa khối A đạt 30 điểm tuyệt đối của kỳ thi THPT năm 2017. Hiện Dũng đang là sinh viên năm nhất trường ĐH Y Hà Nội.

Thủ khoa khối A Nguyễn Quang Dũng (phải) "bật mí" cách học hiệu quả những ngày sát kỳ thi. Ảnh NVCC

Theo Dũng, thời gian diễn ra kỳ thi chỉ còn khoảng một tháng nữa, đây là thời điểm để các bạn sĩ tử tập trung luyện đề, đặc biệt là luyện phản xạ làm trắc nghiệm. Qúa trình luyện đề không những làm được mà phải làm thật nhanh những bài trong tầm tay (những bài dễ).

“Các bạn lưu ý tìm tất cả các đề thi thử trên cả nước để thử sức, làm đi làm lại thật nhuần nhuyễn, làm theo đúng thời gian quy định của một bài thi chính thức để học cách chia thời gian làm bài hợp lý, thậm chí phải là từng phút, từng giây.

Nam sinh này cho biết, đây là khoảng thời gian dễ gây mất tập trung đối với sĩ tử bởi “vướng” lễ bế giảng, chia tay bạn bè, việc ôn thi vì thế sẽ bị xao nhãng. Chính vì vậy, khác với những khối thi khác, những “tín đồ” khối A tuyệt đối không được lơ là việc ôn luyện với dày đặc các con số, công thức cần hệ thống hóa.

Theo nam sinh này, để phân bổ thời gian ôn tập hợp lý trong ngày, ngoài thời gian ôn tập ở trường, thời gian ôn tập ở nhà lúc làm đề, các bạn nên bấm thời gian. Một cách khá thú vị nữa là nên đặt lịch học của mình giống lịch thi. Ví dụ như buổi chiều thi Toán thì cứ đến buổi chiều lấy 1 đề Toán ra làm, làm như thi thật để đánh giá được mức làm đề của mình.

Đừng quá chú trọng vào bài khó khi làm bài

Về kinh nghiệm làm bài thi, Nguyễn Quang Dũng cho biết, muốn chinh phục điểm cao thì không nên quá chú trọng vào làm các bài khó. Vì điểm câu dễ cũng bằng câu khó, nên luyện làm các bài dễ thật nhanh và chuẩn xác, không cho phép sai một cách … ngớ ngẩn.

“Nếu bạn làm hoàn hảo phần dễ, không cần kiểm tra lại nữa thì tâm lí sẽ thoải mái hơn. Sẽ có nhiều thời gian dành làm các câu khó” – Dũng “bật mí” kinh nghiệm làm bài.

Có một điều mà cựu thủ khoa khối A lưu tâm là cần cẩn trọng với các đề thi trên mạng internet. Đây cũng là một cách hay để học. Tuy nhiên, các bạn cũng nên lưu ý trên mạng có nhiều bài quá khó hoặc cách hay làm quá dài thì bạn có thể bỏ qua.

Với những bạn có năng lực khá trở lên, nên đặt mục tiêu 8 hoặc 9 điểm thôi, không nên đặt mục tiêu tuyệt đối khi vào thi dễ mất bình tĩnh. Nếu bạn làm trọn vẹn khoảng 8,5 điểm rồi, đến tốp câu hỏi khó bạn có thể chọn những câu sở trường làm trước, sau khi làm xong những câu khó mà sở trường thì tập trung toàn lực giải những câu khó còn lại.

“Chúc các bạn sĩ tử làm bài thật tốt, vào chọn được ngôi trường như mình mong muốn” - Dũng nhắn nhủ

Tác giả: Nhật Lam

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP