Bầu Đức từng tuyên bố không bao giờ từ bỏ HAGL |
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố thông tin báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ công ty đại chúng.
Trong văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), bầu Đức cho biết, ông đã chuyển nhượng thành công 35 triệu cổ phiếu HAG như đã đăng ký trước đó.
Giao dịch này được thực hiện thông qua hình thức thoả thuận, diễn ra trong hai phiên 13/11 và 16/11.
Sau giao dịch, khối lượng nắm giữ của bầu Đức tại Hoàng Anh Gia Lai giảm từ 376,73 triệu cổ phiếu (chiếm tỉ lệ 40,62% vốn điều lệ) xuống 341,73 triệu cổ phiếu (chiếm tỉ lệ 36,85%).
Theo thông tin được bầu Đức công bố trước đó, mục đích bán ra cổ phiếu HAG của bầu Đức là làm tài sản đảm bảo tái cơ cấu khoản vay.
Chưa rõ danh tính bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu HAG từ ông Đoàn Nguyên Đức.
Đáng chú ý, không lâu trước đó, trong ngày 29/10/2020, ông Đức đã mua thành công 50 triệu cổ phiếu HAG cũng theo phương thức thỏa thuận.
Dữ liệu của phiên này cho thấy, có tổng cộng 64,1 triệu cổ phiếu HAG đã được giao dịch bằng phương thức thỏa thuận với tổng trị giá trị là 307,6 tỷ đồng.
Tính ra, giá thoả thuận bình quân trong phiên là 4.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với giá chốt phiên 29/10 của HAG là 4.450 đồng/cổ phiếu.
Còn tại phiên 13/11 và 16/11 cũng có đúng 35 triệu cổ phiếu HAG được giao dịch thoả thuận. Phiên 13/11, có 20 triệu cổ phiếu HAG được thuận với tổng giá trị thoả thuận đạt 91 tỷ đồng tương ứng giá thoả thuận cũng là 4.550 đồng/cổ phiếu.
Tiếp đó, phiên 16/11 có 15 triệu cổ phiếu HAG được thoả thuận, giá trị thoả thuận là 68,25 tỷ đồng tương ứng giá thoả thuận bình quân đạt 4.550 đồng.
Tính ra, mức giá bán HAG mà bầu Đức bán ra thấp hơn so với mức giá mà ông đã chi ra để mua vào không trước đó. Trong sáng nay (17/11), thị giá của HAG dừng mức tham chiếu 4.530 đồng/cổ phiếu.
Còn nhớ, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, ông Đoàn Nguyên Đức từng khẳng định với cổ đông rằng: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ HAG. Những cổ phiếu bị pha loãng trước đây tôi cam đoan sẽ mua lại hết trong thời gian sớm nhất”.
Ở thời điểm đó, ông Đức cũng nhấn mạnh: “Tôi xin chia sẻ rằng Hoàng Anh Gia Lai là một doanh nghiệp đặc biệt, không ai trong ban lãnh đạo bán cổ phiếu hay sở hữu riêng doanh nghiệp nào. Nếu ai tìm thấy ông Đức hay ban lãnh đạo sở hữu cổ phần nào ở đâu, có chuyển quyền lợi của cổ đông ra ngoài hay không thì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Tuy nhiên, ông Đức sau đó đã một số lần làm ngược với tuyên bố này và lý do đều nhằm giúp Hoàng Anh Gia Lai tái cơ cấu nợ.
Theo báo cáo tài chính quý 3 của Hoàng Anh Gia Lai, tại ngày 30/9, tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai ở mức 26.346,4 tỷ đồng, tăng 4.522,7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 11.298,9 tỷ đồng, tăng 3.209,1 tỷ đồng và đã vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn là 9.105,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý là vay ngắn hạn tại ngày 30/9 đã tăng hơn 1.395 tỷ đồng sau 9 tháng lên mức 5.147,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị khoản vay dài hạn cũng tăng mạnh 2.446,4 tỷ đồng so với đầu năm lên 13.392 tỷ đồng (chiếm phần lớn trong giá trị tổng nợ dài hạn là 14.047,5 tỷ đồng).
Một số chủ nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai tại ngày 30/9 là TienPhong Bank với dư nợ 599,76 tỷ đồng; HDBank với 471,95 tỷ đồng; Sacombank với 447 tỷ đồng; BIDV với 2,1 tỷ đồng.
Khoản vay trái phiếu tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) là 120 tỷ đồng sắp tới hạn vào 30/12/2020; khoản vay trái phiếu tại Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong Bank là 200 tỷ đồng và đáo hạn vào tháng 12/2021.
Hơn nữa, tại thời điểm cuối quý 3, Hoàng Anh Gia Lai còn ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn khác với bầu Đức dưới hình thức hợp tác kinh doanh là 180 tỷ đồng và dưới hình thức mượn tạm là 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn khoản phải trả hợp tác kinh doanh với bà Hồ Thị Kim Chi - Phó tổng giám đốc công ty là 105 tỷ đồng.
|
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí