Xã hội

Bệnh nhân 91 sẽ về nước trên siêu máy bay mà anh từng lái

Một sự ưu ái vô tiền khoáng hậu mà hãng bay Việt Nam dành riêng cho phi công ngoại quốc thay cho lời chào tạm biệt đậm phong cách… hàng không.

Chỉ hai hôm nữa, thay vì bay đến Anh bằng Airbus 350 như bình thường trước nay, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VN) - Vietnam Airlines chủ ý phá lệ, chọn Boeing 787-10, vốn được coi là siêu máy bay lớn nhất VN của Vietnam Airlines, để chở bệnh nhân 91 hồi hương. Đây cũng là chiếc máy bay mà Stephen Cameron, nam phi công người Anh, từng cầm lái vào ngày 16-3 năm nay khi anh đầu quân về đội bay của hãng.
Lo bữa ăn, động viên đồng nghiệp hằng ngày

Đại diện hãng hàng không quốc gia VN cho biết trước thời điểm phát hiện dương tính với COVID-19, Stephen Cameron chỉ mới chân ướt chân ráo từ Anh sang, vừa được hãng huấn luyện xong nên chưa kịp giao lưu rộng rãi với đồng nghiệp trong ngành tại VN. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, ý thức phòng, chống dịch bệnh của anh rất nghiêm túc. Nam phi công này thường xuyên đeo khẩu trang nên mặc dù tiếp xúc với hàng trăm cán bộ, nhân viên và phi công thuộc Trung tâm huấn luyện bay FTC và Đoàn bay 919 nhưng anh đã không lây bệnh cho họ.

Đến khi Stephen bị nhiễm bệnh, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của Đoàn bay 919 nơi anh công tác đã phân công cán bộ chăm sóc bữa ăn, hỏi thăm sức khỏe, động viên anh hằng ngày. Ngay cả phi công các đội bay khác cũng nhắn tin, hỏi thăm Stephen bằng video. Gần đây nhất, ngày 7-7, đại diện hãng đã vào bệnh viện thăm Stephen và trao 5.000 USD là số tiền do tập thể cán bộ, nhân viên Đoàn bay 919 góp tặng anh.

Cơ trưởng Đoàn bay 919 Đặng Ngọc Cơ, người thường xuyên trò chuyện, động viên nam phi công trong suốt quá trình điều trị, cho hay: Nếu như bao phi công châu Âu khác ít nói về đời tư và hiếm khi tâm sự chuyện cá nhân thì Stephen lại là một đồng nghiệp cởi mở và dễ gần.

Vị cơ trưởng này cũng chia sẻ: “Khi hay tin Stephen khỏi bệnh và sẽ về nước, chúng tôi nhắn tin chúc mừng anh trên group chung, đặc biệt đề cao vai trò của các bác sĩ VN đã cho anh ấy sinh ra lần thứ hai. Stephen ngay sau đó đã gửi cho chúng tôi một clip chúc mừng anh ấy tỉnh lại mà phía bệnh viện đã quay”.

Bệnh nhân 91 - phi công người Anh giao tiếp và nói “Cám ơn” bằng tiếng Việt với y, bác sĩ Việt Nam. Ảnh: BVCR


Được hộ tống bởi phi hành đoàn 22 người cùng ba bác sĩ

Đại diện Vietnam Airlines thông tin: Trong điều kiện bình thường, nhiều chuyến bay của hãng bay thẳng từ TP.HCM đi London (Anh). Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, hiện hãng chỉ được cấp phép khai thác bay từ Hà Nội đi London.

Chuyến bay cũng không đến thẳng London (Anh) mà hạ cánh tại sân bay Frankfurt (Đức) để phục vụ một số hành khách quá cảnh tại đây. Sau đó, máy bay sẽ tiếp tục hành trình từ Frankfurt đến sân bay Heathrow (Anh).

Do vậy, vào 19 giờ ngày 12-7, Stephen Cameron sẽ được bố trí lên chuyến bay VN280 khai thác bằng Boeing 787-9 từ TP.HCM hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào khoảng 21 giờ 10.

Tiểu ban điều trị của Bộ Y tế đã đánh giá các nguy cơ khi phi công người Anh di chuyển trên cao, thời gian dài đối với cơ thể nói chung và phổi nói riêng của một người vừa khỏi trọng bệnh.

Trước khi máy bay cất cánh rời Tân Sơn Nhất, đại diện Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines (nơi phi công người Anh làm việc) sẽ có mặt tại sân bay để chia tay thành viên trở về nước.

Khi đó, nhân viên mặt đất sẽ hỗ trợ nam phi công di chuyển đến ga quốc tế để tiếp tục hành trình. Lúc 23 giờ cùng ngày, anh sẽ được đổi sang siêu máy bay Boeing 787-10 để nối chuyến về Anh.

Đại diện Vietnam Airlines cho hay: Do Stephen là trường hợp đặc biệt, đã được biên chế vào đội bay Boeing 787 của Vietnam Airlines nên với tình cảm gắn bó, hãng thay lời cám ơn, động viên tinh thần và tạm biệt nam phi công bằng việc vận chuyển anh trên chính chiếc máy bay mà anh từng lái.

Phi hành đoàn 22 người khai thác chuyến bay gồm sáu phi công và 16 tiếp viên. Nam phi công người Anh sẽ ngồi khoang thương gia. Đi cùng anh có ba bác sĩ từ dịch vụ vận chuyển y tế quốc tế ngồi các ghế đồng hạng.

Các vị trí ghế gần chỗ bệnh nhân ngồi được bố trí sáu bình ôxy phục vụ cho hành trình bay kéo dài 15 tiếng.

Phi công người Anh cách đây chưa lâu đã chia sẻ anh choáng ngợp vì hạnh phúc với cách mà hàng triệu người VN đưa anh bước vào trái tim của họ, cùng đồng lòng cho một sứ mệnh thầm lặng là giữ lại mạng sống cho anh. Ngày 12-7, ắt hẳn anh sẽ thêm một lần nữa cảm động với thịnh tình mà đồng đội VN dành cho mình.

Suy cho cùng, lời chúc mừng này là xứng đáng với nỗ lực tột bậc từng phút giây của đội ngũ y, bác sĩ VN và của chính bệnh nhân 91 trong suốt hơn 100 ngày ròng rã vừa qua. Và như sự nối tiếp ngành y VN, ngành hàng không trong nước đưa một đồng nghiệp ngoại quốc khép lại tròn một vòng hành trình hồi sinh từ cõi chết.

“Từng lên kế hoạch xấu nhất cho tôi”

Trong suốt hơn 100 ngày điều trị, bất đắc dĩ trở thành “bệnh nhân 91” nổi tiếng thế giới, phi công người Anh đã có lúc mơ màng rơi nước mắt khi nghe bác sĩ gọi tên bên tai và mỉm cười lúc tỉnh lại với câu nói đầu tiên: “Fantastic”.

Từ căn phòng hồi sức đặc biệt của BV Chợ Rẫy, anh chia sẻ với một trang báo nước ngoài: “Craig, bạn tôi, kể rằng từng có lúc cậu ấy được Bộ Ngoại giao Anh thông báo rằng tôi chỉ còn 10% cơ hội sống nên cậu ấy đã lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất. Cậu ấy trả lại căn hộ của tôi và bắt đầu chuẩn bị những việc cần làm nếu tôi trở về quê hương trong quan tài”.

Tác giả: PHONG ĐIỀN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP