Thế giới

Bế tắc chính trị gây xung đột giữa các phe nhóm ở Iraq, 17 người chết

Xung đột bạo lực nổ ra ở Baghdad, Iraq đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng trong ngày 29-8 sau khi giáo sĩ Hồi giáo Shiite Moqtada al-Sadr, một người có ảnh hưởng, nói rằng ông sẽ từ bỏ chính trị.

Người ủng hộ nhà lãnh đạo dân túy Iraq Moqtada al-Sadr biểu tình tại Vùng Xanh ở Baghdad, Iraq, ngày 29-8 - Ảnh: REUTERS

Ông Sadr là một chính trị gia thu hút sự ủng hộ của nhiều người với quan điểm phản đối ảnh hưởng của cả Mỹ và Iran tới chính trị Iraq. Quyết định từ bỏ chính trường của ông được cho là để đáp lại sự thất bại của các nhà lãnh đạo và đảng phái Hồi giáo Shiite khác trong việc cải tổ hệ thống quản lý kém ở nước này.

Theo Hãng tin Reuters, xung đột ban đầu xảy ra giữa thanh niên trẻ trung thành với ông Sadr và người ủng hộ của lực lượng dân quân thân Iran. Họ ném đá vào nhau trước khi leo thang thành xung đột có vũ trang trong đêm.

Khi đêm xuống, tiếng súng máy và tiếng nổ vang lên, những ngọn lửa đỏ rực thắp sáng bầu trời phía trên Vùng Xanh, nơi đặt trụ sở chính phủ và các đại sứ quán nước ngoài ở Iraq.

Đây là cuộc giao tranh tồi tệ nhất từng xảy ra ở thủ đô Iraq​​ trong nhiều năm. Ông Sadr cho biết mình đang tuyệt thực để phản đối việc sử dụng vũ khí của các bên.

Bế tắc chính trị giữa ông Sadr và các đối thủ Hồi giáo Shiite, vốn được Iran hậu thuẫn, đã khiến Iraq rơi vào vòng xoáy bạo lực, các lệnh trừng phạt, xung đột dân sự và nạn tham nhũng.

Kể từ năm 2003, giữa các nhóm người Iraq với nhau thường xuyên xung đột giáo phái và gần đây là cạnh tranh chính trị nội bộ.

Đợt bạo lực mới nhất nhắm vào những người ủng hộ giáo sĩ Sadr - là một lực lượng dân quân được vũ trang mạnh, chống lại các lực lượng bán quân sự đối thủ có liên kết với Iran và lực lượng an ninh.

Do bùng phát bạo lực, quân đội Iraq đã mở rộng lệnh giới nghiêm ra toàn quốc, dù trước đó chỉ giới nghiêm thủ đô Baghdad, sau khi người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Sadr tràn vào tòa nhà chính phủ.

Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 19h ngày 29-8 (giờ địa phương) nhưng chưa có thời điểm kết thúc.

Trước đó, quân đội Iraq đã ban bố lệnh giới nghiêm thủ đô Baghdad.

Sau cuộc bầu cử tại Iraq hồi tháng 10-2021, bất đồng phe phái khiến liên minh của ông Sadr cũng như phe đối thủ không thể bầu ra chính phủ mới, vốn cần 2/3 số phiếu tại Quốc hội Iraq.

Đại sứ quán Kuwait ở Iraq kêu gọi công dân rời khỏi Iraq và những ai có kế hoạch đến Iraq hoãn lại hành trình do những xung đột mới nổ ra gần đây, theo Reuters.

Tác giả: HỒNG VÂN

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP