Xã hội

Bé sơ sinh tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, Hà Tĩnh: Sự cố chưa từng thấy

Bác sĩ khoa sản với 30 năm kinh nghiệm đặt câu hỏi: Nếu thai nhi đã chết lưu thì kíp mổ khâu lại vết đứt để làm gì; đồng thời khẳng định, trong hàng chục năm hành nghề chưa từng nghe tới trường hợp đứt cổ khi kéo thai.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản - người trực tiếp đỡ đẻ

Thai đã chết lưu 7 ngày?!

Ngày 2/7, Sở Y tế Hà Tĩnh có báo cáo gửi Bộ Y tế về vụ bé sơ sinh tử vong với vết đứt ở cổ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ.

Theo báo cáo, sản phụ Nguyễn Thị Tình mang thai lần thứ 5, thai nhi 35 tuần tuổi. Chị Tình được đưa vào viện vì đau bụng có dấu hiệu chuyển dạ.

Lúc vào viện, sản phụ tỉnh táo, thể trạng trung bình. Theo dõi chuyển dạ và cơn co tử cung. Đến 18 giờ 35 phút ngày 30/6, tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầu nhưng thế không xoay; ngay sau đó báo cáo trực lãnh đạo và bác sĩ chuyên khoa sản trực thường trú đến xử trí.

Ngay sau đó bác sỹ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa tiến hành thao tác đỡ đẻ ngôi đầu, tuy nhiên khi mới kéo nhẹ thì phần đầu bị đứt lìa, sau đó tiến hành các thao tác lấy phần thân ra, quan sát thấy phần da đầu có nốt phỏng nước, bị trợt da, các phần chi tím; da bụng, da bìu bị trợt. Kíp trực tiến hành khâu phần đầu và thân, chụp ảnh thai nhi; thông báo, giải thích cho chồng của sản phụ.

Qua hình ảnh cho thấy thai nhi sau khi sổ, da đầu bị bong trợt; da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp, da bụng, da bìu bị bong trợt. “Khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia sản khoa qua hình ảnh nhận định thai chết lưu trên 7 ngày”, báo cáo nêu.

Sau khi sự cố xảy ra, kíp trực đã kịp thời động viên sản phụ, giải thích cho chồng cũng như gia đình của sản phụ; tiến hành công tác tử thi và bàn giao tử thi thai nhi cho người nhà đưa về quê mai táng. Bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn và kíp trực để có đánh giá ban đầu về vụ việc; tiến hành niêm phong hồ sơ bệnh án của sản phụ, tạm đình chỉ công tác đối với kíp trực. Báo cáo cũng nêu rõ việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện.

Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu. Sở Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi, điều trị, miễn toàn bộ viện phí cho sản phụ trong thời gian điều trị tại bệnh viện; động viên, chia sẻ với gia đình sản phụ; cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới cơ quan truyền thông. Khẩn trương làm rõ trách nhiệm, xử lý các cá nhân liên quan.

Sản phụ Nguyễn Thị Tình đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ

Nhầm lẫn có từ nhiều chục năm trước?

Trước sự việc chấn động này, một nữ bác sỹ sản khoa có kinh nghiệm hơn 30 năm xin được giấu tên đã chỉ ra những bất thường liên quan đến lý giải của ê kíp đỡ đẻ cũng như báo cáo của Sở y tế Hà Tĩnh.

Theo nữ bác sỹ này, việc nghe nhầm tiếng động mạch tử cung thành tim thai chỉ xảy ra nhiều chục năm trước khi nghe bằng ống nghe gỗ, còn hiện tại bệnh viện tuyến huyện đã được trang bị các thiết bị khá đầy đủ và hiện đại, siêu âm tim thai bằng máy nên khả năng này gần như không có.

Nữ bác sỹ phân tích, trường hợp thai chết lưu, thai phụ vẫn có các dấu hiệu đau đẻ và chuyển dạ như bình thường. Tuy nhiên, nếu thai phụ theo dõi thai chặt chẽ sẽ thấy thai không đạp, nước ối rất đục và bẩn vì đào thải phân xu từ ngay khi suy thai. Do đó, bác sĩ chỉ cần quan sát nước ối cũng có thể phát hiện được bất thường.

“Phía bệnh viện giải thích, thai đã chết lưu 2 - 3 ngày nên khi lôi ra bị đứt, tuy nhiên để xác định chính xác, bệnh viện hoặc gia đình nên yêu cầu giám định tử thi, sẽ xác định được trẻ đã chết bao lâu. Một đứa trẻ đã chết lưu vài ngày khác hoàn toàn với đứa trẻ vừa tử vong”, vị bác sĩ đặt vấn đề.

Bác sĩ đặt giả thiết, nếu thai đã chết lưu, khi kéo ra đã đứt cổ, vậy tại sao phải khâu lại? Nếu trường hợp bị hoại tử, thối rữa như bác sĩ nói thì có khâu lại cũng không được vì thịt đã mủn. “Trong sản khoa, hầu hết các trường hợp ngôi thuận đẻ thường, khi đầu đã lọt thì thân sẽ ra theo, trừ một số trường hợp bác sĩ đỡ không khéo, để 2 vai ra cùng lúc gây gãy xương đòn hoặc các trường hợp mắc dị tật thân to hơn đầu” – bác sĩ cho hay.

“Còn trường hợp kéo thai bị rách toạc đầu là điều tôi chưa từng nghe đến trong suốt hơn 30 năm làm nghề”, bác sĩ nhấn mạnh.

Nhiều bạn đọc trên các trang mạng không những đề nghị cơ quan Công an vào cuộc, mà còn khuyên nên giám định pháp y để xác định có hay không việc thai nhi chết lưu trước đó 2 - 3 ngày như Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ nói hay chết trước 7 ngày như Báo cáo của Sở y tế Hà Tĩnh nêu.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP