Nhiều khu chăn nuôi của dự án Bình Hà xuống cấp - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Theo kết luận điều tra, trong vụ án này, ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức) được xác định là người liên quan. Vậy "bầu" Đức liên quan gì, mức độ ra sao?
BIDV mất 890 tỉ đồng từ dự án nuôi bò
Theo kết luận điều tra, thời điểm tháng 3-2015, ông Trần Bắc Hà, lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT BIDV, trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương dự án chăn nuôi bò tại tỉnh Hà Tĩnh, cấp đất và áp dụng chính sách ưu đãi cho liên danh giữa Công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng - con ông Hà, thành lập) với HAGL (công ty đang có dự án chăn nuôi bò hiệu quả tại tỉnh Gia Lai), dưới sự bảo trợ vốn của BIDV.
Nhưng sau đó ngày 10-4-2015, ông Hà lại dùng 3 cá nhân không có năng lực tài chính và không có kinh nghiệm nuôi bò để thành lập công ty "sân sau" là Công ty Bình Hà, vốn điều lệ 200 tỉ đồng.
Công ty này lập dự án nuôi bò với tổng mức đầu tư 4.223 tỉ đồng, quy mô dự kiến 150.000 con bò/năm, để xin vay vốn tại BIDV.
Dù Công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng, vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng, hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, cũng chưa được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện được cho vay thí điểm nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chủ trương của Chính phủ về cho vay thí điểm trong nông nghiệp, ông Hà vẫn chỉ đạo cấp dưới cho Công ty Bình Hà vay 2.687 tỉ đồng với nhiều điều kiện ưu đãi.
Từ đó, Công ty Bình Hà làm ăn thua lỗ, sử dụng vốn không đúng mục đích và để các cổ đông thông qua các nhà thầu chiếm đoạt, chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV và tiền bán bò. Tổng dư nợ đến tháng 11-2018 là 1.459 tỉ đồng, trong đó không có khả năng thu hồi hơn 890 tỉ đồng.
Khu điều hành trang trại chăn nuôi Bình Hà cỏ mọc um tùm - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Chỉ hỗ trợ chứ không tham gia dự án
Theo kết luận điều tra, trong vụ án này, ông Đoàn Nguyên Đức được xác định là người liên quan.
Theo lời khai của ông Đức, khoảng cuối năm 2014, trên cơ sở đề nghị của ông Trần Bắc Hà, ông Đức đón và chỉ đạo nhân viên HAGL dẫn đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh, do ông Võ Kim Cự (lúc đó là chủ tịch UBND tỉnh) làm trưởng đoàn và một số nhân viên dưới quyền, tham quan trang trại chăn nuôi bò của HAGL tại tỉnh Gia Lai.
Đến đầu năm 2015, ông Hà gọi điện mời ông Đức ra Hà Tĩnh tham dự cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, để kêu gọi HAGL đầu tư dự án chăn nuôi bò.
Cuộc họp do ông Võ Kim Cự chủ trì, có sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành và ông Trần Bắc Hà cùng một số lãnh đạo cao cấp của BIDV.
Tại buổi làm việc, BIDV đứng ra cam kết tài trợ dự án, ông Đức có tham gia với vai trò khách mời, không phát biểu và không cam kết gì.
Sau cuộc họp này, ông Đức có về tổ chức cuộc họp HĐQT HAGL để bàn và đánh giá việc tham gia đầu tư dự án.
Tuy nhiên, sau khi khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thấy địa bàn các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh - nơi tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư, HAGL nhận thấy khu vực này không đủ điều kiện để chăn nuôi bò.
Thế nhưng do HAGL là khách hàng vay vốn tại BIDV và phụ thuộc vào ông Trần Bắc Hà, nên ông Đức không thể trả lời thẳng với ông Hà là "không tham gia đầu tư vào dự án".
Sau buổi làm việc trên khoảng 1-2 tháng, ông Hà nhờ ông Đức giới thiệu người có năng lực và kinh nghiệm để quản lý giúp khi thành lập công ty để đầu tư dự án.
Lúc này, ông Đức giới thiệu ông Đinh Văn Dũng (trước là nhân viên cũ của HAGL nhưng do một số lý do cá nhân, HAGL đã cho nghỉ việc).
Sau đó, ông Đức gọi ông Dũng đi Hà Tĩnh gặp Trần Duy Tùng (con trai ông Hà) để hỗ trợ làm dự án. Sau khi giới thiệu, cha con ông Hà làm việc với ông Dũng thế nào, thực hiện dự án ra sao ông Đức không biết và không tham gia.
Sau khi Công ty Bình Hà được thành lập để thực hiện dự án nuôi bò giống, bò thịt (bò Úc), nhưng do không có giấy phép nhập khẩu bò do Bộ NN&PTNT cấp và không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu bò nên Trần Duy Tùng có đặt vấn đề với ông Đức, nhờ HAGL hỗ trợ nhập khẩu bò trong giai đoạn đầu.
Ông Đức chỉ đạo bà Nguyễn Thị Kim Chi - phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn HAGL, thông qua hai công ty con của tập đoàn là Công ty CP bò sữa Tây Nguyên và Công ty CP chăn nuôi Gia Lai - đứng ra nhập khẩu bò giúp Công ty Bình Hà trong giai đoạn đầu.
Sau này, Công ty Bình Hà nhập khẩu trực tiếp. Đến khi một số lò mổ của VN vi phạm tiêu chuẩn Escas về giết mổ bò và bị cấm nhập khẩu bò (trong đó có Công ty Bình Hà) thì Công ty Bình Hà ký hợp đồng mua bò với hai công ty trên của Tập đoàn HAGL.
Còn cụ thể mua bán thế nào do hai công ty trên trực tiếp thực hiện, ông Đức nói mình "không biết và không tham gia".
HAGL tham gia tái cơ cấu Công ty Bình Hà Ngày 15-11-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận được văn bản của BIDV, gửi kèm phương án đề nghị hợp tác của Công ty TNHH thương mại - đầu tư - phát triển Do Holdings, HAGL và các đối tác với Công ty Bình Hà, để tái cơ cấu và chuyển đổi dự án chăn nuôi bò thành dự án trồng cây ăn quả xuất khẩu. Sau thời gian hợp tác (khoảng 3 năm), Công ty Do Holdings, HAGL và các đối tác sẽ nhận chuyển nhượng dự án/cổ phần và cam kết đảm nhận nghĩa vụ trả nợ còn lại của Công ty Bình Hà cho BIDV trên cơ sở xác định giá trị còn lại của tài sản và dư nợ tại BIDV. Sau đó, cơ quan điều tra cũng đã trực tiếp làm việc với BIDV và Công ty Do Holdings (đại diện cho các đối tác tham gia tái cơ cấu Công ty Bình Hà) ghi nhận: BIDV đã xem xét và đánh giá đối tác có năng lực tài chính, phương án hợp tác kinh doanh khả thi, đảm bảo trả nợ gốc trong vòng 9 năm. Đồng thời, Công ty Do Holdings, HAGL và các đối tác đã xác nhận và cam kết với cơ quan điều tra về hiệu quả của phương án hợp tác kinh doanh đảm bảo trả toàn bộ dư nợ gốc 1.252 tỉ đồng của Công ty Bình Hà cho BIDV trong vòng 9 năm nếu được tham gia hợp tác. |
Tác giả: H.ĐIỆP - T.MAI - T.LỤA
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ