Cây đa, giếng nước, cổng làng là những hình ảnh gần gũi, đã đi vào lòng người. Làng quê Việt Nam, làng quê Hà Tĩnh, ở đâu cũng có. Vùng quê Trường Lộc đã đổi thay nhiều nhưng nét xưa vẫn còn đó. Thấp thoáng sau những cổng làng, con đường phủ bóng cây xanh là những ngôi nhà kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Trường Lưu xưa. Những ngôi nhà truyền thống gắn với lịch sử của làng, của các dòng họ qua bao thế hệ đã làm phong phú thêm bề dày văn hóa vùng đất này.
Đặc sắc nhất là ngôi nhà của các chủ nhân thuộc dòng họ Nguyễn Huy – một dòng họ vinh hiển đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Hiện nay, ngôi nhà của ông Nguyễn Huy Thản được xếp vào diện cổ nhất và cũng đẹp nhất trên địa bàn. Ông Thản là đời thứ 5 sở hữu ngôi nhà. Chưa rõ thời gian chính xác, nhưng ít nhất ngôi nhà đã tồn tại gần 200 năm. Trừ một số hạng mục như mái ngói, rui, mèn, cầu phong đã được thay thế do mối mọt, thời gian, mưa nắng làm hư hỏng, xuống cấp thì các phần khác của ngôi nhà vẫn nguyên vẹn. Mặc dù nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh, nhưng hằng năm, ông Thản vẫn trở về cố hương để tôn tạo, giữ gìn ngôi nhà tổ tiên để lại.
Có thể khẳng định, nét đặc sắc vốn có của làng quê Trường Lộc chính là hệ thống di sản văn hóa còn lưu giữ, trong đó, nhà cổ là một trong những điểm nhấn của sự kết nối dòng chảy văn hóa. Phần lớn các ngôi nhà cổ đều được thiết kế 3 gian, 2 hồi. Theo các bậc cao niên thì việc thiết kế, tìm kiếm vật liệu làm nhà hay bố trí giữa các gian như thế nào cho hợp lý được người xưa tính toán thận trọng. Mỗi gian, mỗi hồi đều có mối liên hệ mật thiết, hài hòa. Nguyên liệu để làm phần khung ngôi nhà cổ chủ yếu là các loại gỗ mít, lim, dổi, chua khét… Còn xây tường, lát thềm thường bằng gạch nung thủ công và đá tự nhiên, trong đó có cả đá ong. Nhà được thiết kế bằng khung gỗ tốt, mái lợp ngói, tường xây bằng đá, gạch, thể hiện sự giàu có của các gia chủ đương thời. Hầu hết các ngôi nhà cổ đều dài nhưng thấp, vì theo các cụ cao tuổi ở đây thì người xưa quan niệm không xây nhà cao hơn đình, chùa.
Dấu ấn rõ nhất trong kiến trúc của một số ngôi nhà cổ ở Trường Lộc là chạm trổ hoa văn. Đường nét càng mềm mại, sắc sảo. |
Dấu ấn rõ nhất trong kiến trúc của một số ngôi nhà cổ ở Trường Lộc là chạm trổ hoa văn. Đường nét càng mềm mại, sắc sảo, càng chứng tỏ gia chủ có tầm hiểu biết rộng, người thợ có trình độ cao. Những nhà giàu có thì việc chạm khắc, đắp hình long, ly, quy, phượng rất cầu kỳ. Thêm vào đó, trong nhiều ngôi nhà, chủ nhân còn lưu giữ được một số hiện vật quý. Nhà cổ ở Trường Lộc có những nét riêng so với nhà cổ ở Phước Tích (Thừa Thiên – Huế), Hội An (Quảng Nam), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây – Hà Nội)… Nhưng điều chung nhất dễ cảm nhận, đó là giá trị văn hóa trường tồn.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Huy Mỹ là người nặng lòng với việc nghiên cứu, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa do tiền nhân để lại. Hơn ai hết, ông hiểu rất rõ ý nghĩa của những ngôi nhà cổ của dòng họ mình, quê hương mình còn tồn tại đến ngày nay. Đề tài “Nghiên cứu các giá trị văn hóa làng Trường Lưu trong việc xây dựng mô hình làng văn hóa – du lịch” do Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ làm chủ nhiệm vừa mang tính khoa học, vừa có tính khả thi. Ông đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ các giá trị văn hóa của vùng quê này. Điều mà giáo sư trăn trở là làm thế nào để thực hiện tốt việc tôn tạo, nâng cấp nhưng vẫn không làm mất đi nét đẹp truyền thống của các ngôi nhà cổ đã xuống cấp, hư hỏng…
Bên cạnh 13 di tích lịch sử văn hóa (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia) đã được xếp hạng là hàng chục ngôi nhà cổ đã và đang làm sống lại quá khứ của vùng đất Trường Lộc, nơi chứa đựng một kho tàng văn hóa đặc sắc vào bậc nhất Hà Tĩnh. Đi qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây luôn biết đề cao, coi trọng những giá trị văn hóa mà tiền nhân để lại cho hậu thế. Sự tồn tại của nhiều ngôi nhà cổ thể hiện ý thức về việc bảo tồn, gìn giữ khá tốt. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước đã làm phong phú, đặc sắc văn hóa bản địa trong sự đa dạng của kho tàng văn hóa Hà Tĩnh, văn hóa Việt Nam. Sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, tôn tạo các ngôi nhà cổ nói riêng là việc làm cần thiết.
Theo ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, nếu có một dự án bảo tồn nhà cổ sẽ thuận lợi cho việc tìm hiểu, đánh giá một cách toàn diện và bảo tồn các ngôi nhà cổ không chỉ ở Trường Lộc mà cả các địa phương, vùng miền khác trên toàn tỉnh. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên vùng đất Trường Lộc đang được giới khoa học tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ nhiều vấn đề có giá trị mà lâu nay chưa được tiếp cận, hoặc chưa có điều kiện để tiếp cận… trong đó có việc nghiên cứu, bảo tồn các ngôi nhà cổ truyền thống. Coi trọng việc giữ gìn, bảo tồn các ngôi nhà cổ sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng các di sản văn hóa phi vật thể mà không phải nơi nào cũng có như vùng đất Trường Lộc.
Xuân Báu