Một phụ nữ đứng bên ngôi nhà ven sông bị hư hỏng nặng do lở đất tại Cần Thơ (Ảnh: Kham/Reuters) |
"Bếp, nhà vệ sinh, hai phòng ngủ, tất cả đã mất", Reuters dẫn lời bà Kim Anh đứng giữa đống đổ nát còn lại của ngôi nhà, nơi bà bán trứng, xà phòng, mì tôm cho người dân địa phương tại Bến Tre, một tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Mekong của Việt Nam.
"Thế này thì chỉ có sống ở trong hang", bà Anh nói. Trước đó, bà đã sử dụng các vỏ dừa và lốp xe cũ để gia cố bờ sông bên nhà bà.
Việc xây dựng đập ở thượng nguồn và khai khác cát quá đà trên dòng sông Mekong đang khiến vùng đất nằm giữa mạng lưới sông ngòi chằng chịt gần cửa một trong những con sông lớn nhất thế giới bị sụt lún với tốc độ khoảng 2 cm mỗi năm, các chuyên gia và các quan chức cho hay.
Sông Mekong dài 4.350 km, trên lãnh thổ Trung Quốc có tên là Lancang, chảy từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) xuống dọc biên giới Myanmar, Lào, Thái Lan, qua Campuchia và cuối cùng là tới Việt Nam, nơi nó tạo thành vùng châu thổ được biết là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hãng tin Reuters đã tới thăm 3 tỉnh nằm giữa các nhánh khác nhau của châu thổ sông Mekong, nơi nó đã góp phần nuôi sống các cộng đồng nông nghiệp và đánh cá trong nhiều thế kỷ.
Trên khắp khu vực, giới chức địa phương đang đối phó với tình trạng đất bị xói mòn nhanh chóng, vốn đang phá hủy nhiều ngôi nhà và đe dọa sinh kế của người dân tại vùng trồng lúa lớn nhất Việt Nam.
Các đập thủy điện tràn lan ở thượng nguồn
Theo giới chức địa phương và các chuyên gia, một nguyên nhân chính là việc xây dựng đập ở thượng nguồn trong nhiều năm qua tại Trung Quốc, Campuchia và Lào, làm mất nguồn phù sa quan trọng.
Nguồn phù sa đó, vốn quan trọng để kiểm tra dòng chảy của sông Mekong, cũng bị sụt giảm do nhu cầu về cát tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh, gây ra tình trạng khai thác không thể kiểm soát ở cả trong nước lẫn nước ngoài.
"Không phải là vấn đề thiếu nước, mà là thiếu phù sa", hãng tin Anh dẫn lời ông Duong Van Ni, một chuyên gia về sông Mekong tại Khoa quản lý tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Cần Thơ, nhận định.
Trước đây, vào thời điểm này trong năm, các nguồn nước màu nâu đỏ từ sông Mekong thường chảy vào Việt Nam, người dân và các quan chức địa phương cho hay. Nhưng giờ đây, nước sông rất trong. Và khi không có các nguồn phù sa mới từ thượng nguồn, lòng sâu sâu hơn đã tạo ra các dòng chảy mạnh hơn, gây xói mòn các bờ sông, nơi người dân sống dựa vào dòng sông xây dựng nhà cửa.
Các vấn đề bắt đầu nảy sinh khi Trung Quốc xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên ở thượng nguồn sông Mekong, ông Ni cho hay. Điều đó khiến Lào, Campuchia và Thái Lan trở thành nguồn phù sa chính cho sông Mekong tại Việt Nam.
Việc khai thác cát tại Campuchia đã gia tăng trong 10 năm qua, một phần do nhu cầu từ Singapore, khiến chính phủ Campuchia đưa ra lệnh tấm xuất khẩu cát vào năm 2017 do sức ép từ các nhóm môi trường.
Tuy nhiên, các dự án thủy điện vẫn tiếp diễn. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Campuchia đã khánh thành một con đập trị giá 816 triệu USD tại tỉnh Stung Treng, gần biên giới Lào. Đây là dự án đập thủy điện lớn nhất tại Campuchia cho tới nay và sẽ có ảnh hưởng lớn tới nghề cá và đa dạng sinh học trên sông Mekong, các nhóm môi trường cảnh báo. Ông Hun Sen đã bác bỏ các chỉ trích về dự án, mà ông nói có lợi cho Campuchia và người dân nước này.
"Kể từ khi Trung Quốc xây dựng các nhà máy thủy điện, nguồn cát mới hầu như không bao giờ đến được chúng tôi. Nếu chúng tôi sử dụng hết nguồn cát sẵn có ở đây thì trong tương lai sẽ không còn cát nữa", ông Ni nói.
Các quan chức địa phương tại tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc đã bảo vệ quyết định xây dựng các đập trên sông Mekong là "hoàn toàn tuân thủ pháp luật".
Tuy nhiên, ở hạ lưu vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do tình trạng kẻ trộm khai thác cát bất hợp pháp, chủ yếu vào ban đêm.
"Những kẻ khai thác cát trái phép thường hoạt động rất nhanh và liều lĩnh", ông Nguyen Quang Thuong, phó giám đốc Sở nông nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết. "Chúng tẩu thoát rất nhanh, vì thế việc có các nhóm cư dân địa phương trợ giúp giới chức là rất quan trọng".
Một nhóm như vậy tại Bến Tre, một số người trong đó đã 67 tuổi, thậm chí còn sử dụng các dụng cụ tự chế như súng cao su để xua đuổi những tên trộm cát.
"Chúng tôi tuần tra 24/7, và trong những tháng đầu chúng tôi đã có gắng ngăn chặn 90% bọn trộm", Nam Lai, một thành viên của nhóm trên, cho hay. "Kể từ năm 2018, không ai trong số chúng dám tới gần bờ của chúng tôi".
Tuy nhiên, các nhà hoạt động và các nhóm môi trường vẫn lo ngại rằng với sông Mekong, vốn chảy qua các quốc gia vốn đang cạnh tranh nhằm khai thác tiềm năng thủy điện của sông, thiệt hại là điều đã xảy ra.
Pianporn Deetes, từ nhóm vận động Những con sông thế giới và đã hành động vì sông Mekong, trong 2 thập niên qua nhận thấy có sự thiếu ý chí chính trị từ các quốc gia ven sông nhằm nhận thức những ảnh hưởng xuyên biên giới của các dự án lớn.
"Nếu không nhận thức được các vấn đề tồn tại, tôi nghĩ sẽ không có bất kỳ hi vọng nào", chuyên gia trên nói.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: Báo Dân trí