Vấn đề nói trên được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (HNBTNG) Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 4, ngày 17/12 tại Luang Phabang, Lào. Hội nghị có sự tham sự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã tập trung đánh giá tình hình hợp tác trong năm 2018 và trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Các Bộ trưởng ghi nhận những kết quả tích cực mà MLC đã đạt được.
Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước dự Hội nghị Mekong - Lan Thương tại Lào, ngày 17/12 |
Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng thống nhất đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Kế hoạch Hành động MLC 2018-2022 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao MLC lần thứ 2 (tháng 1/2018).
Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí nghiên cứu các sáng kiến thúc đẩy hợp tác về năng lực sản xuất, kết nối khu vực, thương mại, năng lượng, hải quan, y tế, giáo dục, và xây dựng một vành đai phát triển kinh tế MLC; đồng thời, triển khai các dự án mới nhằm nâng cao đời sống của người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của MLC.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường sự gắn kết, bổ trợ của MLC với chiến lược phát triển quốc gia và các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng có liên quan như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chiến lược hợp tác kinh tế 3 dòng sông Aya-oa-di – Chao-phrây-a – Mekong (ACMECS), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và Ủy hội sông Mekong (MRC).
Về hợp tác nguồn nước Mekong, các Bộ trưởng hoan nghênh việc chuyên gia sáu nước đã thống nhất Kế hoạch hành động hợp tác nguồn nước MLC 2018-2022 và đề nghị các bên tích cực triển khai kế hoạch nhằm tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên MLC trong triển khai Tuyên bố Tam Á và Kế hoạch hành động 5 năm MLC.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong hợp tác MLC xuất phát từ mong muốn các nước láng giềng nỗ lực xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau và hình thành sự gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế.
Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, hợp tác MLC cần chú trọng duy trì bộ máy hoạt động gọn nhẹ, hiệu quả; bảo đảm các dự án mang tính bao trùm và đem lại lợi ích chung, công bằng cho tất cả các nước thành viên; Chú trọng thúc đẩy phối hợp giữa MLC và các cơ chế hợp tác Mê Công và khu vực, đặc biệt là ASEAN và MRC; Tập trung nguồn lực cho thực hiên năm lĩnh vực ưu tiên (kết nối nguồn nước, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo).
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng cho rằng, một số hoạt động cần đẩy mạnh trong giai đoạn tới gồm: Giải quyết "nút thắt" trong lưu thông hàng hóa giữa các nước, thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng nông sản của các nước Mekong, hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định xuất nhập khẩu liên quan.
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ giúp các nước Mekong phát triển các giống lúa và hoa màu thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác quản lý lao động qua biên giới, giáo dục và dạy nghề cho người lao động vùng biên.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sáu nước MLC cần đổi mới tư duy và cách làm trong hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mê Công để có thể ứng phó thành công với những thách thức chung ngày càng gia tăng đối với khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Lan Thương lần thứ 5 sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong năm 2019.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí