Ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc BV đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, do bệnh viện thiếu bác sĩ khoa sản, không còn cách nào khác nên để bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, khoa Răng - Hàm - Mặt trực chính ở khoa sản và tham gia đỡ đẻ ca sinh của sản phụ Nguyễn Thị Tình (SN 1982, trú huyện Can Lộc).
BVĐK huyện Đức Thọ |
"Tôi chỉ giúp việc cho các hộ sinh"
PV đã liên hệ bác sĩ Quyền để làm việc. Tuy nhiên, vị này từ chối và cho rằng mình không liên quan đến vụ việc.
"Ở khoa sản bác sĩ Nguyễn Minh Đức, trưởng khoa có trách nhiệm. Chứ tôi là bác sĩ trực nhưng không có chuyên môn về thai sản và chưa từng làm về sản nhi", ông Quyền nói.
PV đặt câu hỏi, ông là người trực chính vụ sản phụ hôm đó, ông làm những việc gì? Bác sĩ Quyền cho biết: "Tôi chỉ giúp các hộ sinh. Các hộ sinh bảo tôi làm gì, lấy cái gì thì tôi sẽ làm cái đó.
Được biết, thời điểm xảy ra sự cố, ê kíp tham gia đỡ đẻ cho sản phụ Tình có bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền là bác sĩ trực chính, hộ sinh Hoàng Thị Định và hộ sinh Hoàng Thị Trinh.
Hộ sinh Hoàng Thị Định cho hay, thời điểm sản phụ Tình nhập viện, chị là người trực tiếp thăm khám, xác định sản phụ thai 35 tuần, tử cung đã mở 4 phân.
Sản phụ Tình đang phải điều trị tại Bệnh viện ĐK Đức Thọ |
Còn hộ sinh Hoàng Thị Trinh thì cho biết, quá trình vào chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần.
Lần đầu vào 9h39 phút (ngày 30/6), lần thứ 2 vào 12h trưa và lần thứ 3 vào 15h cùng ngày. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118 – 130 lần/phút.
Thiếu người nên BS Răng Hàm Mặt trực sản
Tuy nhiên, việc để bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, không có chuyên môn về sản lại là người trực chính, thì liệu đã đúng chuyên môn?
Ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc BV đa khoa huyện Đức Thọ cho hay, do thiếu người nên bác sĩ Quyền phải trực khối gồm cả khoa ngoại và sản.
"Do thiếu người nên cả khoa sản chỉ có hai bác sĩ. Ngoài bác sĩ Đức thì còn một bác sĩ khác đang đi vắng. Vì thiếu người nên bác sĩ Quyền chuyên Răng Hàm Mặt phải phụ trách. Sắp tới phải đề xuất xin sở y tế bổ sung người", ông Cường nói.
Anh Chiến đang tạm để vợ ở bệnh viện một mình, về nhà lo lắng cho mấy đứa con |
Trước câu hỏi một bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt không biết gì về khoa sản nhưng lại được trực chính khoa sản, là bác sỹ chính trong ca đẻ, xảy ra tai biến sản khoa thì sẽ như thế nào?
Ông Cường nói: "Biết thế nhưng do thiếu người nên bác sĩ Quyền phải trực sản".
Bác sỹ làm đứt cổ bé nói gì?
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa sản BV Đức Thọ cho biết, chính ông là người kéo rời cổ đứa trẻ. Tuy nhiên, theo nhận định của ông thì đứa trẻ đã chết trước đó.
Bác sỹ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản BV ĐK Đức Thọ, người kéo đầu trẻ gây đứt cổ |
"Tôi nhận được thông báo của nữ hộ sinh về ca của sản phụ. Tôi chạy lên đó, kéo một tí là cổ đứa trẻ đã rời. Có thể trước đó, các hộ sinh đã kéo giãn rồi", ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, người trực chính hôm đó là bác sĩ Quyền. Còn ông chỉ tham gia 20 phút phía sau.
"Sau khi kéo rời cổ tôi đi khâu lại mới thông báo cho người nhà. Vì tôi phải xử lý thai lưu trước, còn để lâu tử cung co thì thai đó sẽ khó lấy ra. Chứ trước đó tôi nhìn thấy đầu trẻ đã biết thai chết rồi", ông Đức nói.
Trước đó, theo phản ánh của anh Nguyễn Sỹ Chiến (SN 1977), khoảng 8h sáng 30/6, vợ anh là Nguyễn Thị Tình (SN 1982) mang thai, có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa vào BV đa khoa huyện Đức Thọ nhập viện.
Tại đây, bác sĩ thăm khăm khám và cho biết, cổ tử cung đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường, chờ sinh thường.
Đến 18h30, chị Tình bắt đầu đau dữ dội, thăm khám bác sỹ cho hay tử cung đã mở hết và đưa lên bàn đẻ. Tuy nhiên, đến 19h20 phút cùng ngày, anh nhận được thông báo của ê kíp y bác sỹ là con anh đã tử vong với vết đứt dài trên cổ. Anh Chiến cho rằng, bác sĩ đã kéo đứt cổ trẻ, khiến con anh tử vong.
Tác giả: Thiện Lương
Nguồn tin: Báo VietNamNet