Đã cách đây 5 thập kỷ, tôi vẫn còn nhớ như in, vào một buổi trưa tháng bảy trời hây hẩy gió nam, mẹ tôi đang ngồi sàng gạo giữa sân, chợt thấy ông Miên, cán bộ y tế xóm tất tả đến thông báo chuyện “thầy thuốc về làng”. Mọi người ai cũng khấp khởi mừng thầm, bởi từ xưa tới nay chưa bao giờ có cuộc “khám lưu động” như thế. Lúc đó, quê tôi chưa có trạm xá, Bệnh viện Hương Sơn lại ở xa, dân không có điều kiện trực tiếp khám và điều trị.
Làng tôi lúc ấy nghèo lắm, lại đang chiến tranh. Các thầy thuốc lộc cộc đạp xe qua những khúc đường ổ gà, những cánh đồng bom cày, đạn xới, khoác trên vai túi thuốc và ống nghe đến với dân nghèo. Phòng khám “cơ động” là ngôi nhà mượn tạm của ông Mân. Khi mẹ và tôi đến đã thấy người dân của ba làng Phúc, Mai, Thủy ngồi kín các dãy ghế. Đội thầy thuốc của Bệnh viện Hương Sơn có 4 người: một bác sĩ, hai y sĩ và một cô y tá làm nhiệm vụ cấp thuốc. Bác sĩ Nguyễn Quang Hai làm trưởng đoàn. Người bác sĩ lần đầu tiên trong đời tôi gặp và neo mãi trong ký ức tuổi thơ tôi. Ông có gương mặt nhân từ, đôi mắt rất sáng và miệng cười để lộ hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp. Bác sĩ Hai tự tay rót nước chè, lần lượt mời các chị, các mẹ uống và ôn tồn bảo: “Ai đến trước, khám trước, ai đến sau, khám sau. Chúng tôi sẽ khám cho bà con tới lúc nào không có người tới khám nữa mới thôi”. Lời ông nói khiến cho tất cả đều bình tâm, nhẹ nhõm.
Bác sĩ Nguyễn Quang Hai. Ảnh tư liệu |
Khám xong, mẹ và tôi lặng lẽ đi ra ngoài sân, chờ các cô, các bác trong xóm cùng về. Chợt tôi thấy một người đàn ông cao dong dỏng, khuôn mặt dài đang cởi chiếc áo nâu sồng để bác sĩ Hai kiểm tra. Tôi nghe có tiếng xì xào: “Ông Tứ hay chơi diều ở Phúc Đậu đó”. Người ông Tứ gầy rạc, trông rõ cả những đường gân trắng, gân xanh ở cổ. Ông Tứ khẩn khoản: “Bác xem hộ cho tui tí, tui vẫn ăn được, ngủ được, chỉ mỗi tội lâm râm đau bụng thôi. Nhưng không ít kẻ ác miệng tung tin tui “bị lao phổi”, khiến cho nhiều người xa lánh. Con tôi đi học thỉnh thoảng lại về bưng mặt khóc vì bị bạn bè chế giễu”.
Bác sĩ Hai kiểm tra xong nói ngay: “Phổi bác vẫn bình thường từ cuống đến hai lá to, chẳng can chi cả mô. Nhưng bác nghiện gì nhất?”.
Ông Tứ đáp: “Tui thích ăn ớt cay!”. Ông Hai giải thích: “Thế bác đau dạ dày là phải, bác từ bỏ chất cay đi, dạ dày của bác trở lại bình thường thôi”.
Tin ông Tứ không bị bệnh lao lập tức được lan nhanh khắp ba vùng Phúc, Mai, Thủy khiến cho dòng người kéo đến nơi khám ngày một đông, lại phải kéo dài thêm 3 ngày nữa so với 5 ngày theo kế hoạch ban đầu, với gần 1.500 bệnh nhân nghèo được khám và cấp thuốc miễn phí. Đặc biệt, hàng chục người bị phao tin, đồn nhảm như trường hợp bác Tứ được “giải oan” và xóa đi những dị nghị, mặc cảm.
Vượt qua nỗi đau
Một câu chuyện có lẽ hiếm thấy trong cuộc đời của những người thầy thuốc, bác sĩ Nguyễn Quang Hai chưa bao giờ thổ lộ cùng ai nhưng người đồng nghiệp gắn bó với ông, bác sĩ Nguyễn Ngọc Côi đã có lần kể rất rành rọt cho tôi nghe:
Vào khoảng trung tuần tháng 3/1970. Buổi sáng hôm ấy, vừa họp giao ban bệnh viện xong thì cậu y tá bước vào phòng làm việc của bác sĩ Hai. “Có việc gì rứa chú ?”. “Dạ, báo cáo anh, có một bệnh nhân đau bụng nặng vừa đưa tới phòng cấp cứu ạ”.
Bác sỹ Nguyễn Quang Hai (bên phải) trong một ca mổ. Ảnh tư liệu |
Nghe thế, bác sĩ Hai không hỏi gì thêm, lặng lẽ theo cậu y tá nọ xuống phòng cấp cứu. Bệnh nhân mặt xanh như tàu lá chuối, quay sấp, quay ngửa, vừa rên, vừa hét… Ông tên là Trần Văn Xuân, 51 tuổi, quê xã Sơn Hà. Bác sĩ Hai hỏi cậu con trai của ông Xuân: “Cha cháu đau lâu chưa?”. “Chiều hôm qua đi cày về thì cha bỏ ăn vì đau bụng. Mẹ con thấy thế dùng dầu con hổ xoa bóp, rồi cho uống nước cây ngải cứu giải nhiệt cũng không khỏi”. Bác sĩ Hai đưa tay áp thử vào phần đau trên bụng bệnh nhân, ông Xuân lại càng la to. Theo kinh nghiệm nhà nghề, ông đoán chắc ông Xuân đau ruột thừa. Ông chỉ đạo y tá, y sĩ xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra huyết áp, tim mạch, phổi bệnh nhân và tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh lý. Cuộc hội chẩn cuối cùng đã đi đến kết luận: Bệnh nhân Trần Văn Xuân bị đau ruột thừa.
Bác sĩ Hai cùng 2 y sĩ, 2 y tá thực hiện kíp mổ. Thật nan giải, bệnh viện chưa có điện, bước vào bàn mổ, cậu thợ sửa mãi chiếc bình ắc quy cũ nhưng vẫn không phát điện. Không thể chậm trễ, bác sĩ Hai yêu cầu thắp hai chiếc đèn măng sông ở bệnh viện để mổ. Ông Hai bảo: Bệnh nhân này chỉ cần chậm vài chục phút nữa là vỡ, phân sẽ chảy đầy ổ bụng, dẫn đến tử vong.
Hai ngày sau, ông Xuân có thể ngồi dậy và ăn được cháo, vết mổ đã dần khô. Bác sĩ Hai đang chuẩn bị cùng anh em xử lý một ca bị chấn thương do rơi từ trên cây xuống thì người cháu trai từ Đô Lương tới hớt hải nói: “Chú Hai ơi về gấp, ở nhà mự bị đau nặng!”.
Ông Hai biết có chuyện chẳng lành, hỏi mãi thằng cháu vẫn trả lời rất ấp úng. Tuy vậy, với cương vị Giám đốc Bệnh viện, ông vẫn bình tĩnh cắt cử người thay mình thực hiện kíp mổ, giao Phó Giám đốc điều hành mọi công việc. Khi gần tới nhà, cháu ruột ông mới mách thật:
– Em Hùng chiều hôm trước bị đau bụng đi ngoài nhưng đưa tới bệnh viện huyện Đô Lương cấp cứu không được. Em đã tắt thở vào lúc 2h sáng qua.
Nghe thế, trái tim ông thắt nghẹn. Từ ngoài ngõ, ông lao thẳng vào nhà, ôm lấy thi hài con vừa hôn, vừa khóc. Thằng bé mới ba tuổi, mặt mũi thật khôi ngô, thế mà bây giờ là cái xác lạnh ngắt.
Ông nức nở: “Trời ơi, đau bụng đi ngoài có chi là khó, cha làm bác sĩ cứu nhiều người bệnh nguy hiểm nhiều hơn con mà giờ lại để con chết Hùng ơi!”.
Nhờ nghị lực lớn, nhân cách lớn và lòng yêu nghề, bác sĩ Ngô Quang Hai đã vượt qua nỗi đau tột đỉnh này. Sau một tuần lễ làm công tác tư tưởng cho vợ, ông lại khăn gói đạp xe trở lại Bệnh viện Hương Sơn, nơi “ngôi nhà thứ hai” mọi người đang mong ngóng.
Bây giờ bác sĩ Nguyễn Quang Hai đã trở thành người thiên cổ. Ông đã sống rất bình dị, cao thượng và sự ra đi ở tuổi 73 cũng rất nhẹ nhàng, thanh thản. Cả một đời làm bác sĩ, tay nghề giỏi và có tới gần 30 năm làm Giám đốc bệnh viện nhưng ông chẳng để lại gì cho riêng mình ngoài cuốn lý lịch cán bộ, đảng viên với những bằng khen, giấy khen, huy hiệu chiến sĩ thi đua và những bức ảnh ông chụp cùng đồng nghiệp. Điều ngạc nhiên hơn, ông còn lưu giữ được những bức thư của bệnh nhân gửi cảm ơn mình.
Cô Nguyễn Thị Hương – con gái út, hiện công tác tại Phòng Y tế huyện Đô Lương tâm sự: “Đời cha em, cả tuổi trẻ đều dành cho Bệnh viện Hương Sơn. 12 năm gắn bó thủy chung với đất Hương Sơn, ông thành người Hương Sơn rồi”…
Hương kể tiếp: “Khi cha trở lại quê mình công tác, ông chỉ có chiếc xe đạp cũ và hai bàn tay trắng. Thấy thương quá, ông Nhu ở Lâm trường Hương Sơn bán “giá bao cấp” cho mấy cây gỗ để làm nhà, người dân cho lá cọ để lợp. Nhưng có nhà ở, cha vẫn khôn nguôi nỗi nhớ đất và người Hương Sơn”.
Hương lặng lẽ lau nước mắt, bùi ngùi nhắc lại những kỷ niệm về người cha yêu dấu. Ngôi nhà xưa vẫn còn đó, dẫu hôm nay đã được nâng cấp, xây tường xi măng và lợp ngói nhưng cột kèo vẫn nguyên vẹn chất liệu của rừng Hương Sơn. Tôi nhìn lên bức chân dung bác sĩ Nguyễn Quang Hai và thấy như ông đang hiển hiện, đôi mắt sáng và khuôn mặt nhân từ.
Ông Hai bây giờ thành “người muôn năm cũ” nhưng chiếc lồng nuôi chim cu gáy thuở xưa vẫn còn đây. Chỉ khác lồng chim cũ của ông hôm nay có một con chim gáy mới. Người cháu thủ thỉ: “Chú em kể, núi đồi và đồng ruộng Hương Sơn nhiều chim cu gáy lắm. Đã có lần ông được người dân tặng cả đôi chim cu gáy hót cực hay”
Tiếng chim hay tiếng lòng của dân Hương Sơn da diết nhớ ông và nhắc mãi tên ông cho đến tận bây giờ?…
10-2014
Phan Thế Cải