14 tháng bị giải khắp các nhà tù ở Quảng Tây (Trung Quốc) thời gian 1942 – 1943 dường như đã luyện thêm ngòi bút của một nhà nho am hiểu Hán học, và các thể thức thơ cổ. Vượt lên trên hết là thái độ ung dung tự tại của một chiến sĩ khát vọng tự do và tấm lòng trắc ẩn với người lao khổ. Mạch thơ ấy được tiếp nối trong những năm đầu của cuộc kháng chiến ở Việt Bắc, đặc biệt là năm 1948, Bác có chùm thơ chữ Hán như Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), Tặng Bùi Công (tặng cụ Bùi Bằng Đoàn), Thu dạ (Đêm thu), Báo tiệp (Tin thắng trận). Ý thơ phát triển: ung dung, vững tin ở kháng chiến, trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.
Bài Tặng Võ Công (tặng cụ Võ Liêm Sơn) theo thể năm chữ, tám câu là thi phẩm hoà quyện giữa ý và tình, giữa cách mạng và nhân dân, giữa lý tưởng và hiện thực, không còn cách bức. Nguyên văn: Võ Liêm Sơn lão tiên sinh nhã chính. Thiên lý công tầm ngã / Bách cảm nhất ngôn trung / Sự dân nguyện tận hiếu / Sự quốc nguyện tận trung / Công lai ngã hân hỉ / Công khứ ngã tư công / Tăng công chỉ nhất cú: /Kháng chiến tất thành công.
Bản dịch thơ: Ngàn năm cụ tìm đếnMột lời trăm cảm thôngThờ dân trọn đạo hiếuThờ nước vẹn lòng trungCụ đến tôi mừng rỡCụ đi tôi nhớ nhungMột câu xin tặng cụ:Kháng chiến ắt thành công
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính Trị Quốc Gia, 1995)
Bác viết tặng cụ Võ, nhưng cũng là viết cho mình, chăm chút đạo hiếu trung thờ dân, thờ nước. Thật quý hoá biết bao giữa phong cảnh thiên nhiên của thủ đô kháng chiến gió ngàn, hai mái đầu điểm bạc có dịp hàn huyên trò chuyện. Cụ Võ là bạn học ở Huế với Bác những năm 1908 – 1910. Nguyễn Tất Thành quê Nam Đàn (Nghệ An), Võ Liêm Sơn quê Can Lộc (Hà Tĩnh). Vốn là người ngay thẳng, bộc trực, thông minh, có bằng thành chung và cử nhân (Hán học) nhưng đường hoạn lộ của cụ Võ trúc trắc. Bị huyền chức tri huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) do chống lại tên thương chánh người Pháp và Tổng đốc Quảng Nam lúc đó bắt cụ phải đàn áp nhân dân trong các vụ sưu thuế. Từ đấy cụ chuyển sang giáo dục, viết văn, làm thơ. Những năm dạy ở trường Quốc học Huế, cụ Võ được nhiều học trò yêu mến, sau này là các nhà cách mạng và văn hoá nổi tiếng như Trần Phú, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Khoa Văn… Cụ Võ có thời gian gần gũi và giúp đỡ Phan Bội Châu khi nhà chí sĩ thúc thủ an trí ở Huế. Cụ Võ cùng các học trò ở Huế tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Lòng yêu nước ở cụ Võ được thử thách khi bị Pháp bắt tù, và cuốn sách Hài văn – tiểu phẩm viết theo lối hài hước, châm biếm bị cấm (1928). Từ đấy, nhà nho, người thầy giáo nuôi chí phản kháng chế độ thực dân, phong kiến, để rồi sau năm 1945 – cách mạng thành công, cụ Võ tích cực tham gia chính quyền mới và được tín nhiệm bầu làm chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Hà Tĩnh và liên khu 4.
Năm 1948, Võ Liêm Sơn được đi dự hội nghị Kháng chiến toàn quốc và hội nghị Văn hoá toàn quốc ở Việt Bắc. Đó cũng là cơ duyên cụ Võ được gặp Bác Hồ. Lần ấy Bác đã mời cụ Võ về ở với mình bảy ngày. Khi nhận được thơ tặng của bạn cũ, cụ Võ Liêm Sơn có thơ hoạ lại, cũng theo lối thể thơ năm chữ, tám câu. Nguyên văn: Kính tặng Hồ Chủ tịch. Phùng công hỉ công kiện / Chiến sự bách mang trung / Đối thoại duy dân quốc / Tương kỳ tại hiếu trung / Hùng tài nguyên bất thế / Đại đạo bản vi công / Tương kiến trùng lai nhật / Kháng chiến dĩ thành công.
Nguyên bản Hán tự của bài thơ Tặng Võ Công (trái) và bài cụ Võ hoạ lại
Tạm dịch thơ:
Gặp cụ mừng cụ khoẻViệc quân bận vô cùngChuyện trò chỉ dân nướcCùng tỏ một hiếu trungTài hùng đâu dễ cóĐạo lớn cốt vì chungNgày ta gặp nhau lạiKháng chiến đã thành công
Cả hai bài thơ tặng và hoạ lại đều chung một sợi chỉ đỏ: tin ở thành công của kháng chiến.
Khi chia tay người bạn cũ để về lại khu 4, Hà Tĩnh, cụ Võ được Bác Hồ tặng chiếc gậy có khắc dòng chữ: “Tặng Võ Liêm Sơn tiên sinh”.
Tiếc rằng không được nhìn thấy ngày chiến thắng năm 1954, do bị bệnh, cụ qua đời năm 1949 tại quê nhà. Nhớ đến người bạn cũ, hễ biết có cán bộ đi qua Hà Tĩnh, bao giờ Bác cũng trân trọng nhờ đến thắp hương trước mộ cụ Võ tỏ mối thâm tình đồng chí đồng hương.
Trần Đình Việt
SGTT