Sinh năm Canh Thìn (1940), tốt nghiệp trường CNKT Hoà Bình năm 22 tuổi, chàng lái máy trẻ quê Sơn Phúc – Hương Sơn đã lặn lộn với đất đá và núi rừng để làm đường số 6 Điện Biên đi Tây Trang, Chờ Bờ đi Mộc Châu, rồi làm sân bay quân sự Đa Phúc, đập Đại Lải, làm đường tránh từ Công trình thuỷ điện Thác Bà đi Đoan Hùng (Phú ThọP). Tháng 5 – 1967, ông được tăng cường về xây dựng lực lượng thi công cơ giới của tỉnh Hà Tĩnh nhằm đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch. Ông được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ máy gạt, thuộc Đội thi công cơ giới của Ty Giao thông Hà Tĩnh.
Năm 1968, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Hà Tĩnh là một trong những tuyến lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ngã Ba Đồng Lộc có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông Bắc ă Nam trở thành trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Chúng muốn biến ngã ba thành một bãi hoang không có một bóng người, không một chuyến xe qua, thành điểm chết. Trước tình hình đó, ngày 10-5-1968, Ban chỉ huy giải toả Đồng Lộc được thành lập. Giữa tháng 4-1968, đơn vị thi công cơ giới của ông Xuân Lý cũng được gấp rút điều động về đảm bảo giao thông tại khu vực trọng yếu này. Riêng Tổ máy gạt do ông làm Tổ trưởng được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại khu vực trọng yếu nhất: Ngã ba đồng Lộc. Và tại nơi đây, ông và đồng đội – những công nhân giao thông, thanh niên xung phong đã lập nên nhiều kỳ tích trên mặt trận đảm bảo giao thông, góp phần làm nên những chiến công huyền thoại của quân và dân Hà Tĩnh tại Ngã ba lịch sử này.
Tại vị trí được coi là chảo lửa núi bom này, hàng ngày máy bay địch thường xuyên quần đảo, bắn róc
Tượng đài Ngã ba Đồng Lộc.
Ảnh: TL
két, ném bom bi, bom sát thương, bom từ trường, bom nổ chậm; ban đêm lại thả pháo sáng dò tìm lực lượng của ta để huỷ diệt. Tổ máy chủ lực được điều động đến Đồng Lộc với nhiệm vụ phải đảm bảo thông xe bằng mọi giá. Do yêu cầu phải thông xe đồng bộ trên cả tuyến dài gần 5 km, để linh hoạt, kịp thời, các máy phân công lên tuyến theo lịch. Riêng Uông Xuân Lý chịu trách nhiệm một máy luôn có mặt ở những vị trí xung yếu nhất, để kịp hỗ trợ máy khác và các lực lượng tham gia, đảm bảo thông xe đồng loạt trên toàn tuyến. Không thể kể hết những cam go, thử thách, không thể đo đếm hết được những hiểm nguy giữa cuộc chiến giữ đường của những con người bằng xương, bằng thịt với từng đoàn quạ sắt của không quân Mỹ vãi bom như vãi trấu. Để đảm bảo an toàn, buồng lái được tháo hết kính chắn gió, mặt trong lót thêm lớp tôn, chèn thêm dẻ rách, chăn chiên và rạ nhằm chống lại bom bi. Do 2 dây xích và cái lưỡi gạt bằng thép liên tục hoạt động, cọ xát với đất đá trở thành vật phản quang khi có pháo sáng chiếu vào, các chiến sỹ lái máy đã nguỵ trang bằng một lớp bùn đất, tháo hết các loại đèn chiếu sáng, loại bỏ hoàn toàn ánh sáng nhân tạo trong vùng máy hoạt động.
Không đèn, không trăng, người lái máy phải tự mình tạo ra cách rò đường bằng cảm giác để điều khiển xe san ủi đất. Bằng cảm giác của tai, nghe tiếng xích, tiếng máy để phân biệt đường gập ghềnh, biết đất chưa bằng để gạt và đầm qua cho bằng. Với phương pháp này, tổ máy đã bí mật san lấp hàng trăm hố bom trong đêm, đảm bảo thông đường cho xe ra tuyền tuyến. Bằng những sáng kiến, kinh nghiệm và trên hết là lòng quả cảm, tổ máy gạt Uông Xuân Lý đã làm nên những kỳ tích. Và, một trong những kỳ tích mà lịch sử mãi còn ghi đó là ngày dũng sỹ Uông Xuân Lý giáp mặt với tử thần trong lần mở đường máu ở Cầu Tối.
Ngày 13 -6-1968, tại đầu bắc Cầu Tối địch thả 1 loạt bom nổ chậm, công binh đã tập trung rà phá nhưng còn 2 quả bom nằm gần nhau chưa phá được. Trước tình hình đó, phương án được đưa ra là dùng máy ủi rà bom, vừa dò xét loại bom, nếu không phải là bom từ trường thì cho máy băng qua và thông xe khẩn trương trước giờ bom nổ. Tình huống trở nên căng thẳng, anh em trong tổ đều xung phong nhận trách nhiệm về mình. Là người có kỹ thuật, là tổ trưởng nên ông Xuân Lý nhận trách nhiệm đầy hiểm nguy
Tổ máy gạt của Uông Xuân Lý ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: TL
này. Lên xe, ông nhanh chóng cho máy rồ ga tiến về phía 2 quả bom. Lợi dụng pháo sáng, ông Xuân Lý cho máy tiến gần quả bom hơn. Sau gần nữa tiếng đồng hồ cho máy tiếp cận gần quả bom rồi lùi nhanh, quả bom vẫn lì lợm nằm đó không chịu nổ. Trong tình huống đó, một ý nghĩ vụt đến trong ông: phải cho máy tiếp xúc trực tiếp với 2 quả bom. Nếu bom nổ, chấp nhận hy sinh còn nếu bom không nổ, sẽ đẩy ra khu vực an toàn. ng cho máy tiến lên, hạ thấp lưỡi gạt, tăng mạnh ga nhằm thẳng cọc tiêu đẩy tới. Quả bom bị đẩy bật ra khỏi lòng đất, vẫn không phát nổ. Không còn thời gian lưỡng lự, ông cho máy tiến lên và đẫy quả bom ra xa lòng đường. Thời gian trôi từng phút chậm chạp, căng thẳng. Toàn tổ máy và những người làm nhiệm vụ hồi hộp, nín thở. Khi quả bom thứ nhất được đẩy ra xa cách đường chừng 30 m, Uông Xuân Lý tiếp tục gạt quả bom thứ hai và cứ như thế sau một tiếng đồng hồ, 2 quả bom đã cách con đường dã chiến chừng 30- 50m trong tiếng reo mừng và những vòng tay ôm chặt của đồng đội, trả lại con đường cho đoàn xe vận tải 100 chiếc chở hàng hoá vũ khí vào Nam đánh giặc. Đó là hai quả bom nổ chậm, một quả nổ sau đó mấy ngày và một quả còn lại mấy tháng sau mới nổ. Thần chết đã không làm gì được Uông Xuân Lý. Ý chí kiên cường của ông đã chiến thắng.
Rời Đồng Lộc, Uông Xuân Lý tiếp tục cùng các đồng nghiệp vào làm đường ở Kỳ Anh, năm 1973 lại về đội xe của Tổng đội TNXP 299 và hết chiến tranh, ông về làm quản lý ở Công ty xây dựng quản lý đường 4 Nghệ Tĩnh. Trong suốt những năm tháng tham gia chiến đấu và lao động trên các mặt trân, ông đã nhiều lần bị thương. Với thương tật 56% trên người, ông luôn bị hành hạ bởi những cơn đau, nhất là sau những chuyến đi xa nên chia tỉnh năm 1991, ông được nghỉ hưu. Với những chiến tích, cống hiến của ông trong những năm tháng chiến đấu trên Ngã Ba Đồng Lộc, năm 2010, ông Xuân Lý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Thế nhưng, thật trớ trêu, sau bao năm tháng chờ đợi, sắp đến ngày được nhận danh hiệu cao quý thì ông ngã bệnh. Di chứng những lần bị thương, bị sức ép đạn bom ngày xưa đã quật ngã ông.
Tôi vào thăm Anh hùng Uông Xuân Lý đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gặp người Anh hùng của một thời đạn bom, tôi muốn hỏi ông thât nhiều, nhất là cái cảm giác trong con người ông khi lưỡi máy chạm vào thần chết trong đêm Cầu Tối năm ấy nhưng ông không được bác sỹ cho phép nói chuyện vì bị tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, khi nhìn vào mắt ông, cặp mắt sáng tinh anh đã thay ông trả lời những câu hỏi của tôi. Đó là: lúc đó, điều duy nhất ông nghĩ là làm thế nào để giải phóng được tuyến đường, đưa được 2 quả bom ra khu vực an toàn. Tất cả cho tiền tuyến, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Thăng long
Baohatinh