Paetongtarn Shinawatra đứng trên sân khấu tại cuộc họp của đảng Pheu Thái hôm 24/4 (Ảnh: Straits Times). |
Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào người phụ nữ 35 tuổi, một gương mặt mới trên chính trường Thái Lan, khi Paetongtarn Shinawatra đứng chung sân khấu với các tên tuổi lớn trong cuộc họp của đảng Pheu Thai hôm 24/4.
Paetongtarn được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng cho ghế Thủ tướng Thái Lan, khi cô đưa ra bản kế hoạch 5 điểm tại hội nghị của đảng. Bản kế hoạch này phù hợp với mục tiêu của đảng Pheu Thai là giành "chiến thắng áp đảo" trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Thái Lan.
Kế hoạch này bao gồm khuyến khích người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện ngành nông nghiệp, ứng dụng số hóa và các công nghệ như nền tảng trực tuyến và tiền điện tử.
Pheu Thai và các đảng chính trị lớn khác ở Thái Lan đã bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc thăm dò giữa lúc liên minh cầm quyền do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu phải vật lộn với những rạn nứt nội bộ.
Giới quan sát chính trị dự đoán một cuộc bầu cử sẽ được tiến hành sau khi Thái Lan đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11.
"Vào ngày chính phủ giải tán Quốc hội, chúng ta sẽ sẵn sàng. Tôi tin rằng chúng ta có thể biến Thái Lan từ một quốc gia nợ nần, khốn khổ và không có tương lai, thành một quốc gia đầy cơ hội và hy vọng", Paetongtarn tuyên bố trước các đảng viên Pheu Thai trung thành.
Paetongtarn Shinawatra được xem là ngôi sao mới trên chính trường Thái Lan (Ảnh: AFP). |
Tháng trước, Paetongtarn được giao nhiệm vụ xây dựng sự đoàn kết trong đảng với vai trò "người đứng đầu gia đình Pheu Thai".
Khi được hỏi về triển vọng đảng Pheu Thai đạt được mục tiêu giành được ít nhất 250 trong số 400 ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử, Paetongtarn bày tỏ sự tin tưởng rằng các cử tri sẽ tin tưởng Pheu Thai.
"Đảng Pheu Thai không cần phải chứng minh gì cả, vì những gì đã hứa với người dân, đảng đều thực hiện. Vì vậy, tôi không thấy có bất kỳ thách thức nào", Paetongtarn tuyên bố.
Paetongtarn "chào sân" chính trường Thái Lan tại một cuộc họp của đảng Pheu Thai vào tháng 10 năm ngoái. Các cuộc bổ nhiệm liên tiếp trong đảng đã làm dấy lên suy đoán rằng, cô có thể được chọn làm ứng cử viên cho chức Thủ tướng Thái Lan tương lai.
Trước đó, Paetongtarn nói rằng cô "chưa sẵn sàng" để trở thành một ứng viên thủ tướng và cô muốn tập trung vào vai trò cố vấn của mình.
Ông Thaksin làm thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 đến năm 2006 trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006. Sau đó ông đã phải sống lưu vong ở nước ngoài để tránh bị kết tội tham nhũng.
Hai cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra đều đang sống lưu vong (Ảnh: Reuters). |
Gia tộc Shinawatra có 3 người từng làm Thủ tướng Thái Lan, nhưng ông Thaksin và em gái Yingluck Shinawatra đều bị lật đổ bởi các cuộc đảo chính của quân đội. Ngay cả khi sống lưu vong, hai anh em nhà Shinawatra được cho là vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể đến chính trường Thái Lan thông qua các đồng minh cũng như người thân. Sau nhiều năm sống lưu vong, ông Thaksin được tin là đang tìm cách trở lại chính trường.
Paethongtan cho biết, cô vẫn thường xuyên gặp gỡ cha mình, cựu Thủ tướng Thaksin. Cô cũng từng gặp gỡ nhiều nhà khoa học nước ngoài và mong muốn tận dụng những kiến thức học hỏi được để hỗ trợ cải cách đảng trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ, cũng như thúc đẩy quyền lực mềm.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí