Tổng thống Trump tranh luận gay gắt với các nghị sĩ đảng Dân chủ về vấn đề tường biên giới và chính phủ đóng cửa (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Trump đã tiếp tục khẳng định vấn đề biên giới là khủng hoảng an ninh quốc gia, trong khi phía Dân chủ lên án tổng thống "giữ nước Mỹ làm con tin" vì lời đe dọa thổi phồng.
BBC đã đưa ra 6 kịch bản để chấm dứt tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa.
Ông Trump phải nhượng bộ
Hồi năm ngoái, ông Trump từng quyết định nhượng bộ trong chính sách nhập cư gây tranh cãi liên quan tới hàng nghìn trẻ em bị tách khỏi cha mẹ vượt biên trái phép, ki tình hình trở nên quá căng thẳng. Có khả năng ông Trump sẽ phải nhượng bộ một lần nữa nếu phe Dân Chủ tiếp tục giữ vững lập trường và tình trạng đóng cửa kéo dài bắt đầu gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Mối lo ngại lớn đối với Tổng thống Trump là liệu các cử tri ủng hộ ông có chấp nhận động thái này hay không. Gần như chắc chắc ông có thể sẽ bị giới bảo thủ công kích, tuy nhiên đến một lúc nào đó, thiệt hại của tình trạng đóng cửa kéo dài sẽ vượt xa cái giá phải trả của việc nhượng bộ.
Theo BBC, khả năng ông Trump nhượng bộ là 20%.
Một số quan chức Mỹ cho biết, nhân viên an ninh sân bay đã phải làm việc không công từ tháng 12 và đã bắt đầu nghỉ việc, dẫn đến tình trạng chậm trễ và thậm chí đóng cửa tại các sân bay lớn.
Trong tuần qua, Nhà Trắng ước tính lần đóng cửa chính phủ này có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Theo các thăm dò mới nhất, dư luận Mỹ cũng phản ứng tiêu cực hơn với ông Trump vì tình trạng đóng cửa chính phủ lần này.
Ông Trump cần đạt được thỏa thuận với Quốc hội
Biểu tình phản đối chính phủ đóng cửa tại sân bay Sacramento, California (Ảnh: ABC News) |
Tổng thống Trump đã gặp mặt một số lãnh đạo Quốc hội trong tuần qua để thảo luận hướng giải quyết tình trạng đóng cửa, với kết quả là ông Trump bỏ về khi các nghị sĩ đảng Dân chủ kiên quyết giữ vững quan điểm. Tuy nhiên, với tình trạng này kéo dài, áp lực cũng đang gia tăng cho phía Quốc hội
Theo BBC, hai chính đảng hiện tại dường như vẫn có xu hướng giữ vững lập trường trong cuộc đối đầu này. Một số hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ủng hộ việc mở cửa lại chính phủ, trong khi đó lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã bác bỏ mọi ý kiến kêu gọi bỏ phiếu. Phía đảng Dân chủ vẫn kiên quyết phản đối mọi yêu cầu chi tiêu cho việc xây bức tường biên giới.
Tuy nhiên, tình trạng bế tắc này có thể sẽ không kéo dài quá lâu. Ngoài 800.000 viên chức nhà nước, ảnh hưởng của tình trạng đóng cửa đến công chúng đang ngày càng rõ rệt, dẫn đến áp lực ngày càng gia tăng với Quốc hội Mỹ.
BBC nhận định rằng có khả năng cao là thỏa thuận mới sẽ bao gồm một khoản chưa rõ ràng về ngân sách an ninh biên giới và không có điều khoản rõ ràng về việc chi trả cho bức tường của Tổng thống Trump. Bằng cách này, cả hai đảng đều có thể giữ được thể diện và chính phủ có thể tiếp tục hoạt động trở lại. BBC cho rằng khả năng phương án này xảy ra là 40% và tỷ lệ này đang tăng dần.
Giải pháp Lindsey Graham
Trên chương trình Fox News Sunday vào ngày 13/1, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã đề xuất Tổng thống Trump mở cửa chính phủ hoạt động trở lại để thương lượng trong 3 tuần. Nếu đàm phán vẫn bế tắc sau thời gian này, ông Trump có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Tuy nhiên, có thông tin là Tổng thống Trump đã bác bỏ giải pháp này ngay sau đó. Theo Axios, ông Graham đã phối hợp cùng một số thượng nghị sĩ lưỡng đảng để soạn thảo một bức thư yêu cầu Tổng thống Trump phê duyệt một kế hoạch chi tiêu ngắn hạn, tạm ngưng tình trạng đóng cửa và “cho Quốc hội thời gian xây dựng và bỏ phiếu thông qua một thỏa thuận đa đảng”. Trong thư không nhắc đến bức tường biên giới hay tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Theo BBC, ông Graham đã đề xuất một cuộc thảo luận toàn diện về vấn đề an ninh biên giới để đổi lấy 30 ngày chính phủ mở cửa. Tuy Tổng thống Trump đã từ chối, nhưng ít nhất đề xuất này cũng có thể giúp cả hai bên kéo dài thời gian, và chi trả mức lương đã quá hạn cho các viên chức bị ảnh hưởng. Tuy vậy, khả năng xảy ra trường hợp này khá thấp, chỉ 10%.
Ông Trump có thể ban bố trình trạng khẩn cấp quốc gia
Một nhân viên chính phủ xếp hàng nhận cơm từ thiện do không được trả lương trong gần 1 tháng qua (Ảnh: Reuters) |
Nếu ông Trump quyết định tận dụng quyền lực tổng thống, ông có thể vượt mặt Quốc hội và sử dụng nguồn lực quân sự để xây dựng bức tường biên giới.
Tình trạng khẩn cấp thường được ban bố trong khi quốc gia gặp khủng hoảng, Nhà trắng cần ngân sách khẩn cấp và không thể đợi Quốc hội phê duyệt.
Giới quan sát coi giải pháp này là một sự lạm dụng quyền lực trắng trợn và chắc chắn xung đột chính trị và pháp lý sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, Đạo luật khẩn cấp quốc gia 1976 trao quyền quyết định đơn phương cho tổng thống trong tình trạng khẩn cấp, cùng với tiền lệ tòa án bảo vệ các quyết định của tổng thống về an ninh quốc gia có thể sẽ dẫn đến tiến triển có lợi cho ông Trump.
Theo BBC, đây dường như là một giải pháp nhanh chóng để ông Trump thoát khỏi cuộc khủng hoảng liên quan tới chính phủ đóng cửa này. Tổng thống Trump có thể tuyên bố điều chuyển ngân sách vốn có để chi cho vấn đề biên giới, ký pháp lệnh mở lại chính phủ và tuyên bố chiến thắng.
Tuy nhiên, trong quá khứ, các chính trị gia đảng Cộng hòa từng phản đối gay gắt viễn cảnh cựu Tổng thống Barack Obama sử dụng quyền lực khẩn cấp để ban hành chính sách kiểm soát súng và quốc hữu hóa y tế. Mặc dù vậy, với diễn biến tiếp tục xấu đi, đến một lúc nào đó Tổng thống Trump có thể sẽ không hài lòng và bỏ ngoài tai các mối quan ngại đảng Cộng hòa.
Khả năng xảy ra trường hợp này là 20% và tỷ lệ này đang giảm dần, theo BBC.
Đảng Dân chủ nhượng bộ
Tình huống này khó có khả năng xảy ra. Các lãnh đạo đảng Dân chủ vẫn cương quyết phản đối yêu cầu xây dựng bức tường của tổng thống Trump.
Cuộc gặp mặt tuần qua giữa 7 đại biểu đảng Dân chủ và Tổng thống Trump cho thấy họ chưa có dấu hiệu muốn thỏa hiệp.
Theo BBC, trong cuộc đối đầu lần này, phía đảng Dân chủ gần như không có biểu hiện "lung lay". Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đồng thuận phản đối kịch liệt yêu cầu của Tổng thống Trump.
Các tổ chức công đoàn đại diện cho các viên chức chính phủ vẫn có dấu hiệu ủng hộ đảng Dân chủ mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài. Theo các cuộc thăm dò gần đây, phần đông dân chúng Mỹ không chỉ phản đối kế hoạch xây tường biên giới của Tổng thống Trump mà còn cho rằng của ông phải chịu trách nhiệm cho lần đóng cửa chính phủ này.
Tại thời điểm hiện tại, đảng Dân chủ đang chiếm thế thượng phong và họ sẽ không bỏ qua cơ hội này. Vì vậy, khả năng xảy ra phương án này là 9%.
Tình trạng đóng cửa tiếp diễn
Đây không phải là một hướng giải quyết, nhưng có khả năng tình trạng đóng cửa có khả năng sẽ tiếp diễn trong thời gian ngắn tới.
Khoảng 800.000 viên chức liên bang không nhận được lương tháng vừa rồi. Nhiều người đã bị cho tạm nghỉ, tuy nhiên những nhân sự quan trọng vẫn phải làm việc không lương từ ngày 22/12, cộng thêm khoảng 50.000 nhân viên khác đã được triệu tập trở lại làm việc không lương để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng.
Tháng vừa qua, các nhân viên liên bang đã gặp nhiều khó khăn khi không được trả lương, một số đã phải kiếm thêm công việc phụ hoặc dựa vào tiền quyên góp để sống. Hàng nghìn nhà thầu và doanh nghiệp nhỏ làm việc với các cơ quan chính phủ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tổng thống Trump đã lệnh cho hàng chục nghìn viên chức chính phủ quay lại làm việc không lương. Theo BBC, đây là dấu hiệu cho thấy hậu quả của tình trạng đóng cửa chính phủ đang trở nên trầm trọng hơn và là giải pháp tạm thời ngăn tình huống tiến triển xấu đi. Động thái này có thể kéo dài thời gian để ông Trump yêu cầu thỏa thuận, tuy nhiên viên chức chính phủ sẽ không làm không công mãi. Một số đã kiện chính phủ yêu cầu chấm dứt tình trạng này, và một số khác biểu tình bằng cách xin nghỉ ốm hoặc nghỉ việc hàng loạt.
Tình trạng đóng cửa có thể sẽ kéo dài, nhưng sớm muộn gì nó cũng sẽ phải kết thúc. Theo BBC, khả năng tình trạng đóng cửa kéo dài xảy ra chỉ là 1%.
Tác giả: Nguyễn Trung
Nguồn tin: Báo Dân trí